Yếu tố làm nên sức bền

Sau khi dịch Covid-19 được Việt Nam kiểm soát tốt, các doanh nghiệp trong nước bắt đầu khôi phục sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho thị trường lao động được khơi thông. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp lại gặp khó khăn trong tuyển dụng, do đa phần lao động đăng ký tuyển dụng đều thiếu kỹ năng nghề.

Từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước đã có 7,8 triệu lao động bị mất việc, giãn việc, giảm giờ làm. Đáng chú ý trong số này, phần lớn là những lao động làm việc ở vị trí giản đơn, ít kinh nghiệm, còn những người có chuyên môn tốt, tay nghề cao vẫn giữ được việc làm. Điều đó cho thấy, ngoài ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang thúc đẩy, buộc doanh nghiệp phải đặt ra yêu cầu cao hơn về chất lượng nguồn nhân lực.

Hiện Việt Nam được nhiều nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng là điểm đầu tư an toàn, hấp dẫn cũng sẽ mang đến những cơ hội việc làm mới. Điểm tích cực này sẽ kéo theo thị trường "khát" nhân lực đã qua đào tạo ở những vị trí liên quan đến ứng dụng công nghệ cao, thương mại điện tử, ngân hàng số... trong thời gian tới.

Đón bắt xu hướng về nâng tầm nguồn nhân lực, thời gian qua Hà Nội đã rất chú trọng đến công tác đào tạo nghề. Dẫn chứng là tỷ lệ lao động qua đào tạo ở Hà Nội tăng từ 3% đến 5% mỗi năm - là mức tăng cao nhất cả nước. Việc này góp phần hình thành nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp.

Theo dự báo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, từ tháng 7-2020 trở đi, trung bình mỗi tháng có khoảng 70.000-80.000 người bị mất việc quay lại thị trường lao động và sẽ có nhiều vị trí mới dành cho nhóm lao động có kỹ năng. Thực tế này càng đặt ra vấn đề nâng chất lượng nguồn nhân lực trở nên cấp bách, đồng thời giúp ổn định thị trường lao động, phù hợp với sự đi lên của xã hội.

Để thực hiện yêu cầu này, trước mắt, các cơ quan chức năng cần khảo sát những ngành nghề, lĩnh vực đang thiếu lao động. Từ đó đưa ra khuyến cáo và định hướng các trường đào tạo nghề sát với nhu cầu và yêu cầu của doanh nghiệp. Cùng với đó là có chính sách quảng bá, thu hút người lao động đến với các khóa học nghề.

Cũng từ khảo sát việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cơ quan chức năng nên khảo sát và đánh giá cụ thể về số lao động bị mất việc làm vì không được đào tạo nghề với số lao động có chuyên môn tốt vẫn trụ vững trong các doanh nghiệp qua đại dịch. Từ đó giúp người lao động nhận thức rõ hơn về vai trò, vị thế của học nghề. Điều này cũng góp phần thôi thúc người lao động chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nền kinh tế.

Để việc cung ứng nguồn lao động cho thị trường đạt chất lượng thì công tác đào tạo nghề cần bám sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp. Các cơ sở dạy nghề phải làm mới mình theo xu hướng phát triển của khu vực, thế giới.

Quá trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bên cạnh việc Nhà nước tạo cơ chế, chính sách trong việc khuyến khích người lao động học nghề, các doanh nghiệp và cơ sở dạy nghề nên "bắt tay", hợp tác cùng nhau. Mối liên kết này càng chặt chẽ sẽ càng mang lại lợi ích cho cả ba bên (trường nghề, doanh nghiệp, người lao động), góp phần phát triển nền kinh tế bền vững.

Như một hướng đi tất yếu, những đòi hỏi của thị trường lao động hiện nay sẽ là cơ hội để nguồn nhân lực nước ta nâng cao chất lượng. Đó cũng là yếu tố làm nên sức bền của thị trường lao động trước mọi thách thức, khó khăn.

Thiện Mỹ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/972329/yeu-to-lam-nen-suc-ben