Yêu thương những mầm xanh biên giới

Những đứa trẻ đồng bào Pa Cô được người lính Biên phòng đặt tên chất chứa bao nhiêu hi vọng - Hồ Biên Cương, Hồ Thị Biên Thùy đã phần nào cho thấy sự gắn bó đầy nghĩa tình giữa quân và dân nơi biên giới. Sau này, những mầm non tương lai ấy sẽ vươn lên thành cây, củng cố cho 'phên dậu quốc gia' ngày càng vững chãi, cùng BĐBP xây dựng, bảo vệ biên giới, bảo vệ bản làng quê hương.

Thiếu tá Trần Minh Vũ tới thăm và hướng dẫn chị Hồ Thị Teng chăm con gái Hồ Thị Biên Thùy. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Thiếu tá Trần Minh Vũ tới thăm và hướng dẫn chị Hồ Thị Teng chăm con gái Hồ Thị Biên Thùy. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Nhắc đến xã A Vao (huyện Đakrông), người ta nghĩ ngay tới vùng đất xa xôi, khó khăn nhất của tỉnh Quảng Trị. Cơ sở hạ tầng thấp, dân trí chưa cao là một trong những nguyên nhân khiến mảnh đất biên cương này phát triển chậm so với những nơi khác. Trước sự khó khăn của bà con, những năm qua, Đồn Biên phòng A Vao, BĐBP Quảng Trị luôn chủ động, phối hợp cùng chính quyền địa phương giúp người dân phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, trong đó, đặc biệt quan tâm vấn đề chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn. Tháng 4/2014, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị khánh thành và đưa vào sử dụng Trạm Quân dân y kết hợp A Vao. Trạm được biên chế 2 y sĩ với phòng khám, điều trị và nội trú. Thực ra, so với nhiều nơi thì trạm có quy mô không lớn, nhưng đối với vùng đất xa xôi, hẻo lánh như A Vao thì đây là điều ngoài mong đợi của mọi người.

Phụ trách Trạm Quân dân y kết hợp A Vao là Thiếu tá Trần Minh Vũ và y tá, Thiếu tá Trần Kim Bắc. Với tinh thần, trách nhiệm và sự nhiệt huyết của người thầy thuốc, các anh chủ động học hỏi nâng cao kiến thức chuyên môn và luôn tận tâm với công việc. Chính những điều đó khiến các anh luôn được cấp trên tin tưởng, đồng đội và nhân dân quý mến. Và câu chuyện của người thầy thuốc quân hàm xanh nơi biên cương luôn mang dấu ấn của tình quân dân khăng khít, gắn bó.

Điều khiến chúng tôi bất ngờ là những tưởng câu chuyện “đỡ đẻ cho đồng bào” chỉ xảy ra ở nhiều năm trước thì ở A Vao này, chuyện ấy không phải hiếm. Mới đây nhất, vào lúc 23 giờ 30 phút, ngày 26/1/2023 (tức ngày mùng 5 Xuân Quý Mão), Thiếu tá Hoàng Kim Bắc thực hiện nhiệm vụ trực tại Trạm Quân dân y kết hợp A Vao đã tiếp nhận sản phụ Hồ Thị Teng (sinh năm 2003, trú tại thôn Pa Ling, xã A Vao). Sau hơn 1 giờ thăm khám và dùng thuốc trợ sức, đến 1 giờ sáng ngày 27/1/2023, Thiếu tá Hoàng Kim Bắc đã đỡ đẻ thành công cho chị Teng sinh hạ cháu gái nặng 3kg trong niềm vui sướng của gia đình. Cháu bé được sinh ra trong thời khắc và hoàn cảnh đặc biệt, gia đình chị Teng đã rất vui quyết định đặt tên cho con gái là Hồ Thị Biên Thùy.

Thực ra, đây không phải đứa trẻ đầu tiên được sinh ra tại Trạm Quân dân y kết hợp A Vao. Ngày 7/11/2022, chị Hồ Thị Chuôi (32 tuổi, ở thôn Pa Ling, xã A Vao) vỡ ối tại nhà và được người thân đưa đến Trạm Quân dân y kết hợp A Vao. Trong tình huống cấp bách không thể chuyển kịp ra Trung tâm Y tế huyện Đakrông, Thiếu tá Trần Minh Vũ và Thiếu tá Hoàng Kim Bắc đã quyết định để chị Hồ Thị Chuôi sinh tại trạm. Hai anh đã động viên, hỗ trợ sức khỏe bằng truyền dịch, tiêm trợ tim, trợ sức, can thiệp bấm tầng sinh môn, đến 15 giờ 10 phút cùng ngày, chị Chuôi đã sinh hạ thành công cháu trai nặng 3kg trong niềm hạnh phúc vỡ òa của tất cả mọi người. Biết ơn tấm lòng của các thầy thuốc Biên phòng, gia đình đã đặt tên cho con trai là Hồ Biên Cương.

Mang câu chuyện về các cháu Biên Cương, Biên Thùy kể với Thượng tá Nguyễn Xuân Linh, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay, anh cười và bảo: “Ở đây chúng tôi cũng có Biên Cương”. Trận lũ lịch sử tháng 10/2020 khiến nhiều nơi ở khu vực biên giới xã A Bung, A Ngo (huyện Đakrông) bị ngập sâu trong nước. Bản La Hót (xã A Bung) bị cô lập hoàn toàn vì nước suối dâng cao. Đúng lúc này, chị Hồ Thị Ngút lại trở dạ. Mặc dù trời đang mưa, nước ngập khắp nơi, nhưng không còn cách nào khác, chồng chị là Hồ Văn Khánh dìu vợ hướng ra quốc lộ để tìm cơ hội và sự giúp đỡ. Lúc này, tại đập tràn La Hót, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay phối hợp với chính quyền xã chốt chặn, cảnh báo và yêu cầu người dân không qua lại vì nước to, nguy hiểm.

Tuy nhiên, trước sự cần kíp của sản phụ Hồ Thị Ngút, cán bộ trực chốt đã quyết định làm bè để đưa sản phụ qua đập tràn. Những thanh niên trai tráng khỏe mạnh nhất được huy động đến giúp. Mưa to, nước chảy xiết, mọi người cẩn trọng từng chút một để vượt lũ. Tất cả thở phào khi đến được bờ bên kia an toàn. Thượng tá Nguyễn Xuân Linh khi ấy đang cùng anh em làm nhiệm vụ đã trực tiếp lái xe đưa chị Ngút, anh Khánh đến Trung tâm Y tế huyện Đakrông, cơ sở 2 tại xã Tà Rụt, huyện Đakrông. Bàn giao cho các y, bác sĩ, anh và mọi người mới yên tâm quay lại khu vực đập tràn La Hót để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Trước khi rời đi, mọi người cũng góp thêm chút tiền giúp anh Khánh trong những ngày chăm sóc vợ con nằm viện.

Thượng tá Nguyễn Xuân Linh và cậu bé Hồ Biên Cương. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Công việc nhiều cứ cuốn đi, những người lính Biên phòng cũng quên đi việc mình đã làm. Khoảng 1 tháng sau, Thượng tá Nguyễn Xuân Linh cùng cán bộ, chiến sĩ đang ngồi trước sảnh nhà chỉ huy, thì thấy 2 người phụ nữ mặc trang phục dân tộc đi vào đơn vị. Hóa ra là Hồ Thị Ngút và chị gái xách theo túi quà “để cảm ơn các chú Biên phòng đã giúp gia đình”. Nhưng việc quan trọng hơn cả, đó là nhờ các chú Biên phòng đặt tên cho đứa con trai đầu lòng của mình. Nghe vậy, mọi người bỗng trở nên sôi nổi đưa ra những cái tên, nào Tuấn, nào Dũng, nào Hùng, nào Đại. Ai cũng muốn có một cái tên thật ấn tượng. Thượng tá Nguyễn Xuân Linh nói sau cùng: “Hồ Biên Cương có được không?”. Chị Ngút trả lời: “Các chú Biên phòng đặt tên gì thì gia đình tôi ưng tên đó”. Nói xong, chị Ngút cảm ơn rồi tất tả về UBND xã A Bung để khai sinh cho con trai.

Điều vui là sau câu chuyện đặt tên cho cháu bé, gia đình chị Ngút, anh Khánh trở thành địa chỉ quen thuộc của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay. Dường như mọi người thấy mình phải có trách nhiệm với cậu bé mình đã đặt tên. Những lúc có công việc đi ngang qua nhà, những người lính Biên phòng thường ghé qua nhà anh Khánh, chị Ngút để thăm hỏi. Trong câu chuyện cùng gia đình, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay động viên đôi vợ chồng trẻ làm ăn phát triển kinh tế để cải thiện cuộc sống, lo cho các con được ăn học đầy đủ. Cậu bé Hồ Biên Cương đã hơn 2 tuổi và bập bẹ biết nói, biết mừng vui khi thấy chú bộ đội đến nhà. Dường như, trong suy nghĩ non nớt của đứa trẻ này, đây cũng là người thân của mình.

Anh Hồ Văn Khánh chia sẻ: “Được BĐBP hỗ trợ lúc vợ con tôi nguy cấp, gia đình tôi rất biết ơn. Được bác Linh đặt tên cho con trai, chúng tôi rất tự hào. Chúng tôi là gia đình trẻ, còn gặp nhiều khó khăn nên thường xuyên nhận được sự giúp đỡ của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay. Tôi sẽ cố gắng làm ăn phát triển kinh tế để vợ con đỡ khổ. Tôi cũng thấy mình phải có trách nhiệm hơn nữa, tham gia cùng BĐBP bảo vệ chủ quyền, đường biên, cột mốc”.

Trúc Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/yeu-thuong-nhung-mam-xanh-bien-gioi-post459221.html