Yêu thương kết nối yêu thương

'Không phải là tài năng, không phải là danh dự, không phải là thị hiếu để đo được sự cao quý của tâm hồn... mà chính lòng nhân ái mới làm nên điều cao quý ấy'. Tôi nhớ đến câu châm ngôn này khi nghĩ về những cán bộ, tình nguyện viên chữ thập đỏ, các thành viên trong câu lạc bộ (CLB), đội, nhóm từ thiện trên địa bàn. Họ, bằng tình yêu thương vô điều kiện đang hàng ngày hỗ trợ, kết nối những tấm lòng nhân ái với các mảnh đời bất hạnh, khơi dậy và lan tỏa mầm thiện.

Thành viên CLB Trái tim Nhật thiện trao quà cho bà con nghèo xóm Liên Phương, xã Văn Lăng, (Đồng Hỷ), tháng 1-2022.

Thành viên CLB Trái tim Nhật thiện trao quà cho bà con nghèo xóm Liên Phương, xã Văn Lăng, (Đồng Hỷ), tháng 1-2022.

Nhiều lần cùng những người làm thiện nguyện, thấy họ gom góp tiền, vật chất hỗ trợ những hoàn cảnh, số phận đứng trước vực thẳm của nghèo khó và hoạn nạn, tôi luôn tự hỏi điều gì khiến họ tích cực làm những công việc ấy. Nhiều sự chia sẻ của họ đã giúp cuộc đời không ít người bước sang trang mới tươi sáng hơn, tràn đầy niềm tin.

Câu chuyện của Nguyễn Văn Tùng, xóm Hồng Phong, xã Tân Long (Đồng Hỷ), là một ví dụ. Cách đây 8 năm, khi Tùng 15 tuổi bị mắc bệnh tim bẩm sinh, hoàn cảnh gia đình em rất khó khăn. Bố mất sớm, mẹ bị bệnh bướu cổ nặng không có tiền chữa bệnh cho Tùng.

Biết được hoàn cảnh của em, anh Đỗ Khắc Cần, anh Tống Đình Sơn và nhiều thành viên khác của CLB Từ Thiện Thái Nguyên đã kết nối, kêu gọi kinh phí và đưa em xuống bệnh viện Hà Nội để mổ tim. Sau nhiều lần đưa đón, chăm sóc giúp em điều trị bệnh cho đến khi sức khỏe em đã hồi phục thì các anh lại tiếp tục xin và hỗ trợ chi phí cho em đi học lớp 1 vì lúc đó em đã quá tuổi, không có điều kiện để đi học.

Đến nay, sức khỏe của Tùng đã ổn định, em học nghề sửa chữa điện máy sắp ra trường. Nguyễn Văn Tuệ, anh trai của Tùng xúc động nói: Nếu không có sự giúp đỡ kịp thời của các cô, chú ấy, chắc em trai tôi không sống nổi, vì lúc đó sức khỏe Tùng rất yếu, bị ngất liên tục, nhà lại quá nghèo. Giờ cuộc đời Tùng như bước sang trang mới khi được sống bình thường như bao người khác, có nghề để làm.

Mới đây, có dịp cùng Nhóm thiện nguyện Thái Nguyên, Hạnh Nguyện Bồ tát đến dự Lễ khởi công nhà nhân đạo và khảo sát các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Yên Trạch (Phú Lương), chúng tôi càng cảm phục lòng nhân ái trong họ.

Ngôi nhà được khởi công xây dựng là của gia đình anh Vũ Văn Trường, ở xóm Bản Cái. Nhà có 4 người, hai vợ chồng, 2 đứa con thì anh Trường và con trai đầu mắc bệnh suy thận lần lượt thay nhau điều trị nhiều năm. Vợ là lao động chính trong nhà nhưng mới bị tai nạn giao thông khiến sức khỏe giảm sút. Qua sự giới thiệu của cán bộ chữ thập đỏ, các nhóm thiện nguyện biết đến hoàn cảnh của anh.

Chứng kiến gia đình sống trong nhà mái lá dột nát, nằm sâu trong bìa rừng, Nhóm đã về kêu gọi, vận động gia đình, địa phương tạo điều kiện về đất để xây cho anh Trường một ngôi nhà mới. Đó là ngôi nhà xây cấp 4 có diện tích 70m2, trị giá hơn 100 triệu đồng, trong đó trên 80% kinh phí do các nhóm từ thiện, nhà hảo tâm hỗ trợ.

Nhóm thiện nguyện Hạnh Nguyện Bồ tát cùng các nhà hảo tâm hỗ trợ 100 triệu đồng làm nhà nhân đạo cho anh Vũ Văn Trường, xóm Bản Cái, xã Yên Trạch (Phú Lương).

Chị Nguyễn Thùy Dương, Công ty Bất động sản Ánh Dương, đại diện của Nhóm thiện nguyện Hạnh Nguyện Bồ tát chia sẻ: Khi đến những hoàn cảnh này, nhất là chứng kiến thiếu thốn, khổ cực của các em nhỏ, cũng là một người mẹ, tôi không cầm được nước mắt. Tôi mong được đồng hành với Nhóm và địa phương để hỗ trợ nhiều hơn nữa những hoàn cảnh tận cùng khốn khó như vậy.

Ngay Lễ khởi công xây nhà cho anh Trường, Đoàn vượt qua hàng chục km đường núi ghập gềnh, quanh co để đến khảo sát hoàn cảnh và tặng quà 5 gia đình khó khăn khác ở xã Yên Trạch. Trong số đó có một hộ đã được Đoàn hỗ trợ xây nhà mới từ trước, một hộ khó khăn về nhà ở lại tiếp tục được Nhóm kêu gọi, xây dựng.

Anh Hoàng Văn Dâng, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Trạch cho biết: Yên Trạch vẫn là xã đặc biệt khó khăn, có 1.473 hộ, 7.000 nhân khẩu, thì có tới 50% hộ nghèo, cận nghèo, trong đó riêng khó khăn về nhà ở là trên 200 hộ. Chúng tôi rất biết ơn sự giúp sức tận tình của các nhóm thiện nguyện, nhà hảo tâm đối với các hộ có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời coi đó là động lực mạnh mẽ thúc đẩy người dân và chính quyền xã tiếp tục nỗ lực hơn trong công tác giảm nghèo.

Hầu hết những người tích cực làm từ thiện đều tâm sự với chúng tôi rằng: Có đi, gặp gỡ, tận mắt chứng kiến hình ảnh cuộc sống đời thường của những mảnh đời éo le, họ hiểu xã hội còn nhiều lắm người cần giúp đỡ và họ chỉ biết làm theo “mệnh lệnh của trái tim”.

Chị Nguyễn Thị Ngọc, xóm Bờ Đậu, xã Cổ Lũng (Phú Lương) khi cùng các nhóm thiện nguyện đến thăm bà Đặng Thị Mùi, xóm Suối Khách, xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ), đã thảng thốt: Tôi không thể hiểu nổi, cùng là con người sao bà ấy lại khổ đến như vậy. Ngoài 60 tuổi, có đến gần nửa cuộc đời người phụ nữ này vất vả với những đứa con không bình thường. 2 trong số 5 người con của bà bị bệnh tâm thần thường xuyên phá phách. Đỉnh điểm nỗi đau là năm 2014, trong lúc lên cơn, con trai bà đã lấy cuốc bổ vào đầu bố, khiến ông tử vong. Từ đó đến nay, bà buộc phải nhốt con vào lồng sắt, sống đời sống thực vật. Còn bà, hàng ngày vẫn phải đi đóng mùn cưa, làm phôi tăm tre để lấy tiền duy trì cuộc sống gia đình.

Và chị Ngọc cùng những người bạn của mình đã làm những việc chưa ai làm cho gia đình bà, đó là dọn dẹp lồng sắt, cắt tỉa tóc, tắm rửa sạch sẽ cho các anh, sửa sang lại nhà cửa cho mẹ con bà. Và thật kỳ diệu, lâu lắm rồi những người đàn ông ấy lại biết khóc, biết nói lời cảm ơn, biết mời mọi người ăn cơm, biết xẩu hổ... và buồn khi chị Ngọc và những người bạn của mình ra về…

Lưu Phượng

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/tin-tuc/xa-hoi/yeu-thuong-ket-noi-yeu-thuong-300762-85.html