'Yếu thế' rượt đuổi vũ trang, Nga tìm đến Trung Quốc

Những tiến bộ vượt bậc của không lực Trung Quốc có thể thay đổi cân bằng lực lượng toàn cầu, nhưng nó có khiến Nga e ngại?

Nếu trước đây, Mỹ và các đồng minh được coi là những thế lực tuyệt đối trên bầu trời, thì hiện tại, những căng thẳng với Nga và Trung Quốc cho thấy, mọi chuyện đã thay đổi.

Tiến bộ nhanh chóng của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ không gian, đặc biệt là hệ thống tên lửa không đối không phóng đi từ một phi cơ – đã tác động mạnh đến các không lực phương Tây và mua bán vũ trang toàn cầu. Nó cũng khiến các nước láng giềng Trung Quốc như Ấn Độ phải “nhìn trước ngó sau”.

Nga đang dẫn đầu xu thế hiện đại hóa lực lượng không quân, và không hề ngần ngại để chứng tỏ các thành quả của mình. Tuy nhiên, theo Bloomberg, trong dài hạn, nền kinh tế trị giá gần 13 nghìn tỷ và không ngừng tăng trưởng của Trung Quốc, gần như chắc chắn sẽ trở thành một thách thức chiến lược lớn hơn nhiều dành cho Mỹ và đồng minh.

Năm 2017, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã tăng 5,6% trong khi của Nga lại giảm 20% - đạt mức lần lượt là 228 tỷ và 66,3 tỷ USD.

“Chúng ta từng có một môi trường cho phép làm bất kỳ điều gì trên không, và những gì người Trung Quốc đã đạt được đang nói rằng, bạn không còn có thể làm như vậy nữa,” Douglas Barrie, một học giả cấp cao tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế nhận định.

Kết quả là, giờ đây, các chỉ huy Mỹ đang bắt đầu tính đến cả những tỷ lệ thiệt hại về người và thiệt bị mà họ chưa từng phải đối mặt kể từ những năm 1980.

Cho đến hiện tại, không lực Mỹ vẫn sở hữu sức mạnh “khủng” nhất. Tuy nhiên, những bước tiến của Trung Quốc diễn ra vào một thời điểm nhạy cảm, khi sự khao khát muốn tiếp tục vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ dường như đang dần phai nhạt. Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lại đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng để thống trị các ngành công nghiệp tối tân như robot, trí thông minh nhân tạo…, nhằm giành được tối đa các lợi ích cho Trung Quốc trong khu vực và xa hơn thế.

Theo Vasily Kashin, một chuyên gia không quân tại Đại học Nghiên cứu quốc gia (Nga), cả Trung Quốc và Nga đều đã được “thức tỉnh” trước sức mạnh của quân đội Mỹ từ những năm 1990, trong Chiến tranh Vùng vịnh thứ nhất và xung đột Kosovo.

Sức mạnh PL-15 của Trung Quốc

Một trong những tiến bộ đáng chú ý nhất của Trung Quốc đến từ các tên lửa không đối không – loại vũ khí chỉ mất khoảng một đến hai triệu USD để sản xuất, nhưng lại có thể hạ gục một máy bay trị giá 150 triệu USD. Đây được đánh giá là một mức chi phí hiệu quả, góp phần giảm bớt sự chênh lệnh quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ. Thống kê của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho thấy, mặc dù chi tiêu quốc phòng Trung Quốc lớn gấp 3 lần Nga hay Ấn Độ, nhưng nó vẫn thấp hơn rất nhiều so với mức 610 tỷ USD của Mỹ.

Hồi tháng Ba, Không lực Mỹ đã trao cho tập đoàn Raytheon Inc. hợp đồng trị giá nửa tỷ USD để sản xuất loại tên lửa không đối không tầm xa nhất – có thể tiêu diệt máy bay địch cách 160km. “Phiên bản” châu Âu của nó, Meteor, được cho là còn có độ sát thương cao hơn. Tuy nhiên, ít ai ngờ, tên lửa PL-15 của Trung Quốc thậm chí có thể bay xa hơn cả hai tên lửa trên.

PL-15 cũng hỗ trợ một hệ thống radar mảng quét điện tử, có thế chặn đường thoát của hầu hết các phi cơ chiến đấu. Nga vẫn chưa áp dụng thành công công nghệ này vào các tên lửa của mình.

Một chiếc J-20 của Trung Quốc tại một triển lãm vũ khí năm 2016

Một vũ khí không đối không khác đang được Trung Quốc phát triển, hiện có tên gọi là PL-XX. Nó có thể tấn công các hệ thống chỉ huy và cảnh báo trên không chuyển động chậm, các trung tâm đầu não bay của không lực Mỹ… ở khoảng cách lên tới gần 500km.

“Tại Mỹ, chúng ta đã nghỉ ngơi trong 25 năm và thậm chí là hơn thế,” Michael Griffin, Thứ trưởng phụ trách nghiên cứu và kỹ sư của Bộ Quốc phòng Mỹ, nói. “Chúng ta đã không thể tiếp tục bỏ tiền cho các hoạt động từng giúp chúng ta đi đến được ngày hôm nay…”

Ông Griffin tỏ ra đặc biệt lo ngại về những tiến bộ của Trung Quốc và Nga trong lĩnh vực tên lửa siêu thanh. Trong khi đó, những phi cơ chuyên chở các tên lửa của quân đội Trung Quốc, cũng được cải thiện nhanh chóng, với các đội bay mới được phát triển từ phần khung trước đó của Nga. Năm nay, Trung Quốc sẽ nhận được 24 chiếc SU-35S từ Nga, còn mẫu máy bay tàng hình Chengdu J-20 “made in China” cũng đã bắt đầu được triển khai.

Tổ chức Rand Corp. cho biết, năm ngoái, lần đầu tiên, Trung Quốc đã đạt tới vị thế tương đương với Mỹ về năng lực kiểm soát an ninh bầu trời, trong trường hợp có bất kỳ cuộc xung đột nào diễn ra gần Đại lục, bao gồm cả Đài Loan.

Chắc chắn, để Trung Quốc và Mỹ hoàn toàn “ngang sức” trong năng lực quốc phòng thông thường (chưa kể đến năng lực hạt nhân) – còn cần một quãng đường rất dài. Công nghệ động cơ máy bay của Trung Quốc còn ở trình độ thấp và phụ thuộc vào Nga, trong khi hầu hết các vũ khí mới của Bắc Kinh vẫn chưa được thử nghiệm chiến đấu thực địa. Các phi công Trung Quốc vẫn phải chịu sự huấn luyện kỹ năng và chiến thuật từ các đồng nghiệp phương Tây.

Tuy nhiên, không lực Trung Quốc không cần phải vượt trội Mỹ để thay đổi hoàn toàn các tính toàn trên chiến trường. Ví dụ như, các chuyên gia đánh giá, Chengdu J-20 có động cơ yếu và dễ dàng bị phát hiện từ phía sau và hai bên, hơn là máy bay F-22 của Mỹ. Tuy nhiên, khi nó đang tiếp cận mục tiêu, mọi thứ sẽ trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là J-20 với khoang chứa vũ khí rộng, có thể giấu được các tên lửa chống tàu. Điều này khiến nó trở thành một mối đe dọa không thể coi thường.

Tim Heath, một nhà nghiên cứu quốc phòng quốc tế tại Rand phân tích, máy bay mới của Trung Quốc, kết hợp với hệ thống tên lửa không đối không, hành trình, chống tàu S-400 của Nga – “đã khiến khả năng hoạt động của Mỹ tại các khu vực tranh cãi đối mặt với nguy cơ rất cao”.

Hệ thống phòng thủ tối tân S-400 của Nga

Ấn Độ trước “liên minh” Nga – Trung Quốc

Sự thay đổi không chỉ quan trọng đối với Mỹ. Ấn Độ cũng đang quan sát chặt chẽ việc Nga cung cấp cho Bắc Kinh và Bắc Kinh cung cấp cho Pakistan – ngày càng nhiều các vũ khí hiện đại.

Trung Quốc và Pakistan đã hợp tác chế tạo máy bay JF-17 kể từ năm 2007, với động cơ chất lượng cao do Nga sản xuất. Tháng 3/2018, truyền thông Trung Quốc đưa tin, JF-17 sẽ được nâng cấp với hệ thống radar mảng chủ động, cho phép phát hiện và tấn công các mục tiêu từ khoảng cách xa hơn.

Theo bà Rajeswari Pillai Rajagopalan, một chuyên gia từng làm việc trong Hội đồng An ninh Quốc gia Ấn Độ, nếu các máy bay của Pakistan được trang bị radar mới và các tên lửa PL-10 từ Trung Quốc, thì các phi cơ MiG do Nga sản xuất của không quân Ấn Độ - sẽ rất khó cạnh tranh.

Các thương vụ mua bán vũ khí cũng cho thấy mối quan hệ đang ngày càng xích lại gần giữa Nga và Trung Quốc. Hiện là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Ấn Độ, tuy nhiên bà Rajagopalan cho rằng, Moscow “đang ở một vị thế yếu, vì vậy họ cảm thấy tốt hơn nếu bắt tay với Trung Quốc”.

Ảnh hưởng từ những tiến bộ trong công nghệ sản xuất vũ khí của Trung Quốc đang ngày càng vượt xa ranh giới khu vực. Từ một nhà cung cấp vũ khí nhỏ và rẻ cho hầu hết các quốc gia kém phát triển, Trung Quốc giờ đây đã trở thành nhà thầu vũ trang đứng thứ ba trên thế giới, tiến hành cả cả các thương vụ bán máy bay không người lái tới Arab Saudi, Iraq và các quốc gia khác mà Mỹ từng từ chối cung cấp công nghệ không người lái Reaper của mình.

Phi cơ JF-17 của Pakistan

Đáng lưu ý, một vài mẫu tên lửa mà Trung Quốc phát triển với sự trợ giúp từ Nga, giờ đây được đánh giá là còn tốt hơn phiên bản gốc, và đang trở thành những ngôi sao sáng trên thị trường quốc tế.

Trong khi đó, có vẻ như Nga không quá bị choáng ngợp trước tốc độ mở rộng năng lực quân sự của nước láng giềng. Nói về Trung Quốc, chuyên gia Vasily Kashin nhận định: “Họ chắc chắn là một thế lực đang lên. Tuy nhiên, họ không phải quyền lực tuyệt đối, và họ là đối tác của Nga”

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/yeu-the-ruot-duoi-vu-trang-nga-tim-den-trung-quoc-335393.html