'Yêu râu xanh' núp bóng người thân: Cảnh giác với hành vi 'vỗ mông, hôn môi' trẻ nhỏ

'Ẩn mình dưới bóng 'người thân', các đối tượng xâm hại tình dục với trẻ em dễ dàng 'vô hiệu hóa' những lời tố cáo non nớt của trẻ' – TS Nguyễn Thành Nam - chuyên gia tâm lý, Giảng viên Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định.

Gần đây, hàng loạt vụ việc xâm hại tình dục đối với trẻ em liên tục bị phát giác và tố cáo. Điều đáng buồn, trong đa số trường hợp, đối tượng thực hiện hành vi xâm hại chính là những người thân quen của gia đình nạn nhân.

Điển hình, năm 2017, bé gái N.T.L.Đ 11 tuổi (Vĩnh Long) bị chính cha đẻ và ông nội xâm hại tình dục, thực hiện hành vi giao cấu với bé tới 7 lần và nhiều lần đánh đập.

Vừa qua, việc xét xử Nguyễn Khắc Thủy khiến dư luận bức xúc vì bản án quá nhẹ so với những gì bị cáo này gây ra. Dưới mác “ông lão hàng xóm”, đây là một đối tượng được cho là “thân quen” với gia đình các nạn nhân. Ngoài ra là các vụ thầy giáo dâm ô học sinh, nổi cộm với vụ việc thầy giáo trường TH An Thượng A dâm ô 6 bé gái.

Theo TS. Trần Thành Nam: “Những đối tượng là người thân quen dâm ô trẻ em đã hình thành những nhận thức sai lệch, cho rằng đó là những hành động giúp cho đứa trẻ trưởng thành hơn. Thậm chí, họ nghĩ rằng trẻ em cũng được lợi vì chúng cũng sẽ đạt được những khoái cảm tình dục khi “được gần gũi”. Trong tâm thức của những đối tượng này, đứa trẻ nào cũng đến lúc có nhu cầu tình dục và họ chỉ tạo điều kiện giúp các em trải nghiệm và phát hiện sớm những nhu cầu này mà thôi”.

Một số yếu tố văn hóa cũng tạo môi trường cho những kẻ đội lốt thân quen bộc lộ biểu hiện tình dục lệch lạc với trẻ em. “Chúng ta hay có thói quen thể hiện sự yêu thương với trẻ con bằng cách vỗ mông, bẹo má, tụt quần bé nam, sờ và khen vùng kín của bé nam, hôn má, hôn môi,… Đây chính là một nét văn hóa tạo điều kiện thuận lợi cho việc xâm hại trẻ em”.

TS. Trần Thành Nam - Giảng viên trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Tô Thế

TS. Nam cho hay, các đối tượng thân quen có điều kiện để tiếp cận với các em quá dễ dàng. Họ cũng là những người có quyền lực, có thể đe dọa các em để giữ bí mật. Họ có khả năng làm vô hiệu hóa những tố cáo non nớt của trẻ bằng cách bao biện rằng, đó chỉ là những cử chỉ yêu thương, quan tâm. Đây là cách diễn giải rất hợp lý, làm cho bố mẹ của nạn nhân “khó tin” lời con trẻ.

Núp bóng người thân, đội lốt tình thương, đe dọa, bao biện lệch lạc,… là hiện thực đau lòng cần những biện pháp quyết liệt để ngăn ngừa, giúp trẻ em có một cuộc sống trong lành.

HÀ PHƯƠNG - KHÁNH HẠ

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/yeu-rau-xanh-nup-bong-nguoi-than-canh-giac-voi-hanh-vi-vo-mong-hon-moi-tre-nho-608925.ldo