Yếu kém khâu sản xuất, nông sản sạch khó đến tay người tiêu dùng

Theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, nếu khơi thông được dòng chảy hàng hóa nông sản, sẽ là một mũi tên trúng nhiều đích, trước hết sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt.

Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, số lượng hàng nông sản sạch và nông sản ứng dụng công nghệ cao vào siêu thị mới chiếm một thị phần nhỏ là do một phần yếu kém của khâu sản xuất, chưa được khắc phục.

Chính vì vậy, nhiệm vụ của các cơ quan chức năng là phải tổ chức lại sản xuất và hệ thống phân phối nội địa để thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội và kinh tế tiêu dùng một cách bền vững.

Liên quan đến bài toán tiêu thụ nông sản sạch, nhất là nông sản ứng dụng công nghệ cao, chuyên gia Vũ Vinh Phú, Nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội đã có nhiều chia sẻ về nội dung này.

- Nông sản sạch hiện được nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư, song theo ông việc tiêu thụ nông sản sạch đang gặp những khó khăn gì?

Chuyên gia Vũ Vinh Phú: Nông nghiệp công nghệ cao là một nền sản xuất nông nghiệp ứng dụng những công nghệ mới và tiên tiến để sản xuất hàng hóa nông sản thực phẩm nhằm tạo một bước đột phá về năng suất chất lượng và hiệu quả kinh tế phục vụ nhu cầu ngày càng cao của xã hội tiêu dùng, đảm bảo cho sự phát triển xanh và bền vững của ngành nông nghiệp mỗi quốc gia.

Năm 2010 ở Thành phố Hồ Chí Minh đã có khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên, đến nay khu công nghệ này đã thu hút nhiều dự án đầu tư để sản xuất bao gồm: sản xuất giống cây trồng, hoa lan, cây cảnh, sản xuất các sản phẩm sinh học, phục vụ cho nông nghiệp.

Theo tôi, phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao không phải chỉ là tổ chức sản xuất khoa học đạt trình độ tiên tiến mà phải luôn gắn kết sản xuất với các yếu tố của thị trường như sức mua của cư dân, phân khúc khách hàng, tập quán tiêu dùng, sở thích mua sắm, ở các loại hình bán lẻ

Tuy nhiên, nhận thức về tác dụng của các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao dễ đi đến thống nhất xong thực tế trên hành động vẫn còn có những khó khăn, cản trở, cho sự phát triển sản xuất và phân phối đến tay người tiêu dùng những sản phẩm đó.

Cả nước hiện nay có 9000 chợ, 800 siêu thị, 130 trung tâm thương mại và khoảng 4000 siêu thị mini, cửa hàng tự chọn của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, song thực tế hiện nay, tỷ lệ nông sản sạch, trong đó nông sản sản xuất ứng dụng công nghệ cao vào các hệ thống thương mại hiện đại chỉ chiếm từ 7-10%.

Việc số lượng hàng nông sản sạch và nông sản ứng dụng công nghệ cao vào siêu thị mới chiếm một thị phần nhỏ là do một phần yếu kém của khâu sản xuất, chưa được khắc phục. Mặt khác sự thiếu liên kết giữa nhà sản xuất và siêu cũng là rào cản lớn khiến nông sản sạch khó mở rộng chuỗi cung ứng.

Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

- Vậy theo ông, giải pháp nào để thúc đẩy tiêu thụ cho nông sản sạch?

Chuyên gia Vũ Vinh Phú: Theo tôi, nhiệm vụ của chúng ta là phải tổ chức lại sản xuất và hệ thống phân phối nội địa để thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội và kinh tế tiêu dùng một cách bền vững.

Hơn nữa, muốn khơi thông dòng chảy nông sản bao gồm cả các sản phẩm nông sản ứng dụng công nghệ cao cần tổ chức lại sản xuất lớn theo quy hoạch của từng địa phương và từng vùng có lợi thế cho sự phát triển các loại thuế.

Đi đôi với đó là việc mở rộng chính sách hạn điền, đưa cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa vào sản xuất nhằm quản lý được chất lượng hàng hóa, nâng cao năng suất và hạ giá thành sản phẩm.

Một điểm nữa, chúng ta cũng cần phải chú ý đầu từ, xây dựng kết cấu hạ tầng sản xuất và phân phối nhằm giảm chi phí sản xuất và lưu thông hàng hóa nông sản. Sớm hình thành hệ thống các chợ đầu mối, các sàn giao dịch nông sản để đảm bảo mua bán được công khai minh bạch và quản lý an toàn thực phẩm và đảm bảo giá cả hợp lý đến tay người tiêu dùng và có biện pháp hỗ trợ dự trữ nông sản, bảo quản sau thu hoạch, giảm tổn thất tới mức thấp nhất.

- Còn về chuỗi cung ứng cần được giải quyết như thế nào, thưa ông?

Chuyên gia Vũ Vinh Phú: Nếu khơi thông được dòng chảy hàng hóa nông sản, sẽ là một mũi tên trúng nhiều đích, trước hết sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt.

Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh được tiêu thụ hàng hóa tại các kênh phân phối hiện đại đang được người tiêu dùng tín nhiệm trên thị trường, do vậy nếu sản xuất và phân phối hàng hóa, làm ăn có trách nhiệm sẽ thúc đẩy sản xuất phát triển, tăng doanh số bán lẻ cho khâu phân phối lưu thông và lợi nhuận.

Về phía Nhà nước, theo tôi cần tạo lập một môi trường sản xuất kinh doanh minh bạch, bình đẳng trong cạnh tranh, hỗ trợ liên kết hợp tác, đầu tư sản xuất phân phối, xúc tiến thương mại, tổ chức thị trường, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao một cách bền vững.

Một việc nữa không kém phần quan trọng chính là kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và kinh doanh hàng nông sản giả, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng.

- Xin cảm ơn ông./.

Sản phẩm nông sản sạch khó tiếp cận kênh phân phối. (Nguồn: VNEWS)

Đức Duy (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/yeu-kem-khau-san-xuat-nong-san-sach-kho-den-tay-nguoi-tieu-dung/533501.vnp