Yếu đuối, không chịu được áp lực, bạn có đang thuộc 'thế hệ dâu tây'?

'Thế hệ dâu tây' là một cụm từ bắt nguồn từ Đài Loan để chỉ những người sinh sau năm 1981. Ở các nước phương Tây cũng có một cụm từ tương đương là 'thế hệ bông tuyết'. Những người thuộc thế hệ dâu tây không chịu được áp lực xã hội và không sẵn sàng làm việc chăm chỉ để đạt được những gì họ muốn.

Ảnh minh họa: Internet

Ảnh minh họa: Internet

Không phải ở thời điểm bạn sinh ra, mà là những gì bạn đã làm và những gì bạn nói có thực sự cho thấy bạn có thuộc về “Thế hệ dâu tây” hay không. Có những người sinh sau năm 1981 thể hiện những đặc điểm nổi bật so với thế hệ cũ trong khi có những người sinh trước năm 1981 lại thể hiện những đặc điểm của thế hệ dâu tây.

Những đặc điểm nổi bật của thế hệ dâu tây, được nâng niu nhưng cũng dễ bị "bầm dập" như trái dâu, không sẵn sàng chịu trách nhiệm, thay vì nhìn lại bản thân, lại đổ lỗi cho người khác. Bước ra xã hội, sức chịu đựng khó khăn thấp hơn so với những người khác.

Tuy nhiên, thế hệ dâu tây không phải là không có những lợi thế. Bạn là người hiểu biết hơn về xu hướng hiện đại. Vì bạn có nhiều thời gian hơn so với thế hệ cũ (những người khi làm việc thì không có thời gian cho việc gì khác), bạn có nhiều thời gian hơn để khám phá và sử dụng những thứ mạng xã hội như Internet, Facebook, Twitter, Instagram, Linkedin, TikTok…

Bạn hiểu biết về công nghệ hơn các thế hệ cũ và việc sử dụng công nghệ thế hệ mới, kiến thức, chuyên môn và sự nhạy bén của bạn có thể giúp công ty bạn đang làm việc đạt được lợi thế trong thế giới cạnh tranh ngày nay.

Cách cha mẹ nuôi dạy con đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai của thế hệ trẻ. Con cái có thể tiếp tục trở thành thế hệ dâu tây mới.

Vì vậy, hãy xem những dấu hiệu có thể cho thấy bạn là một phần của thế hệ dâu tây “yếu đuối” đang phổ biến ở mọi nơi trên thế giới ngày nay.

1. Luôn có cảm giác đủ đầy

Cha mẹ có trách nhiệm giúp con hiểu và chấp nhận sự từ chối. Cha mẹ ngày xưa được cho là nghiêm khắc hơn, trong khi cha mẹ ngày nay thường đáp ứng mọi yêu sách của trẻ và mua cho chúng mọi thứ mà chúng muốn.

Những đứa trẻ luôn được đáp ứng mỗi khi chúng yêu cầu sẽ lớn lên với sự vô cảm, vô ơn. Khi lớn lên, chúng khó có thể chấp nhận việc bị từ chối. Bạn đã bao giờ suy nghĩ, liệu bạn có xứng đáng với những điều bạn đang yêu cầu hay không.

2. Dùng tiền bạc để bù đắp thời gian dành cho con

Cha mẹ quá bận rộn với công việc thường sẽ dùng tiền bạc để bù đắp lại khoảng thời gian đáng ra phải dành cho con cái. Sai lầm này càng dễ mắc phải trong các gia đình có cha mẹ ly hôn. Người cha, mẹ không trực tiếp nuôi dưỡng con thường có khuynh hướng dùng tiền thay vì thời gian để thể hiện tình yêu con, hoặc như là một cách bù đắp cho việc không thể ở bên con mỗi ngày. Chính điều này dễ làm hư đứa trẻ.

Trên thực tế, không gì có thể thay thế được việc dành thời gian cho con. Tiền bạc chỉ có thể đem lại cảm giác hưởng thụ và vô tình khiến trẻ tin rằng tiền có thể là cứu cánh cho mọi lỗi lầm.

3. Không bao giờ bị bố mẹ trách phạt

Cha mẹ là trường học đầu tiên, là người thầy đầu tiên và là người bạn đầu tiên của trẻ. Nếu bạn không phạt con khi con làm sai nghĩa là bạn đang dung túng cho những hành vi sai trái của trẻ. Những hành vi sai trái của con sẽ sớm trở thành thói quen nếu được cha mẹ bỏ qua. Con bạn sẽ tin rằng những hành vi đó không đưa đến bất kỳ hậu quả nào.

Chúng ta không cần dùng đến roi vọt như thế hệ cha mẹ của chúng ta đã làm. Nhưng lờ đi hành vi sai trái của con cũng nguy hiểm không kém việc dùng đòn roi. Hãy nghiêm khắc khi cần thiết để có thể giúp con phát triển lành mạnh.

4. Được bố mẹ bảo bọc hỗ trợ trên mức cần thiết

Giúp đỡ con là điều tốt, nhưng khi cha mẹ làm thay con cả những việc nhỏ nhặt nhất thì lại phản tác dụng. Đứa trẻ sẽ luôn tìm cách dựa dẫm trong các mối quan hệ khác nữa và thường không có kỹ năng giải quyết vấn đề.

Một chuyên gia giáo dục từng viết: “Nhiệm vụ đầu tiên của tình mẹ chính là thân mật với trẻ, bảo vệ cho trẻ trưởng thành; nhiệm vụ thứ hai chính là rời xa trẻ, thúc đẩy trẻ tự lập.”

Cha mẹ cần phải giúp trẻ dần dần trở nên độc lập với cha mẹ. Để làm được điều đó, cha mẹ cần thường xuyên để trẻ tự xử lý những việc trong khả năng của trẻ.

5. Có những kỳ vọng xa rời thực tế

Trong mắt cha mẹ, con cái lúc nào cũng tốt đẹp. Nhưng trong mắt người khác, chúng ta không phải lúc nào cũng được như vậy. Được cha mẹ bao bọc quá mức, khi lớn lên con có thể kỳ vọng những người khác cũng đối xử với mình như vậy. Điều đó đương nhiên sẽ không xảy ra và đó là lúc chúng ta giận dỗi cả thế giới.

Cho dù cha mẹ luôn muốn đem lại cho con những điều tốt nhất trong gia đình cũng như ngoài xã hội, thì bản thân người trẻ cần phải học tập và lớn lên trong một môi trường cần sự nỗ lực để hòa nhập và được đón nhận.

Duyên Nguyễn

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/yeu-duoi-khong-chiu-duoc-ap-luc-ban-co-dang-thuoc-the-he-dau-tay-post1324787.tpo