Yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam

'Mọi hoạt động tại 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phải được sự cho phép của Việt Nam'.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã nhấn mạnh như vậy vào ngày 26/3 khi trar lời câu hỏi của báo chí về phản ứng của Việt Nam trước thông tin Trung Quốc vừa thiết lập 2 trạm nghiên cứu trên đá Xu Bi và đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

"Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền với 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động tại 2 quần đảo này phải được sự cho phép của Việt Nam". - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định.

Đồng thời yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, không có các hành động gia tăng căng thẳng, làm phức tạp tình hình và ảnh hưởng tới hòa bình ở Biển Đông và khu vực, tuân thủ quy định của các nước trong tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc.

Trước đó, vào cuối tuần trước, Tân Hoa xã đưa tin Trung Quốc vừa thiết lập hai trạm nghiên cứu trên đá Chữ Thập và Xu Bi. Đây là các bãi đá mà Trung Quốc đang chiếm đóng phi pháp ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Theo thông tin trên, 2 cơ sở mới có phòng thí nghiệm về sinh thái, địa chất và môi trường, nhằm hỗ trợ điều tra thực địa và nghiên cứu khoa học ở quần đảo Trường Sa.

Trong bản tin hôm 20/3, Tân Hoa Xã nói hai trạm nghiên cứu mới đi vào hoạt động có thể hỗ trợ các nhà khoa học điều tra thực địa, lấy mẫu và nghiên cứu khoa học tại "Nam Sa", cách Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Một nhà nghiên cứu Trung Quốc được dẫn lời trong bản tin cho biết "cơ sở nghiên cứu tổng hợp về rạn san hô và biển sâu" nay đã được thiết lập với hai trạm nghiên cứu mới cùng một trung tâm nghiên cứu được xây dựng trước đó trên Đá Vành Khăn ở Trường Sa.

Đá Vành Khăn, Đá Chữ Thập và Đá Subi là 3 trong 7 thực thể bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp ở Trường Sa của Việt Nam. Trong nhiều năm qua, Bắc Kinh đã bồi lấp, xây đảo nhân tạo và quân sự hóa biến các thực thể này thành tiền đồn ở Biển Đông.

Với việc xây dựng các trạm nghiên cứu, CAS có kế hoạch "thúc đẩy năng lực khai phá và cung cấp các sản phẩm về khoa học và công nghệ biển để đáp ứng nhu cầu của cả Trung Quốc và các nước ven biển Đông", theo Tân Hoa Xã.

Các cơ sở này cũng sẽ góp phần "cải thiện năng lực quan sát thực địa và thí nghiệm về sinh thái học, địa chất học, môi trường, vật liệu và tối ưu hóa năng lượng từ biển trong môi trường biển nhiệt đới".

Nhận xét về nội dung trên TS Patrick Cronin (Chủ tịch chương trình An ninh châu Á - Thái Bình Dương, Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) cho rằng: “Về mặt lý thuyết, tất cả các quốc gia cần cùng nhau hợp tác cho an ninh biển và tài nguyên, tìm ra cách thức bền vững để các quốc gia ven biển khai thác tài nguyên biển. Tương tự, Trung Quốc cũng như các nước, đều nên là một phần của cấu trúc khu vực tự do, cởi mở”.

Tuy nhiên, ông Cronin cũng đặt vấn đề: “Nhưng điều đó có thể bị đặt niềm tin sai chỗ khi nghĩ rằng Trung Quốc giờ đây muốn bảo vệ hệ sinh thái biển - trong khi thực tế thì nước này suốt nhiều năm qua đã phá hoại hệ sinh thái biển. Không chỉ gây hại cho hệ sinh thái, Trung Quốc còn nhiều lần quấy rối vùng biển và tàu bè của Việt Nam, Malaysia, Philippines, Indonesia..., hay gần đây là chiếu laser vào tàu và máy bay Mỹ. Chính vì thế, cộng đồng quốc tế khó có thể đặt niềm tin vào một quốc gia như Trung Quốc”.

Theo đó, cộng đồng quốc tế không thể tin vào việc Bắc Kinh đưa ra những tuyên bố về việc xây dựng cơ sở ở bãi đá Chữ Thập hay Xu Bi là để nghiên cứu khoa học.

Liên quan thông tin Đài Loan (Trung Quốc) diễn tập bắn đạn thật xung quanh Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.

Như đã nhiều lần khẳng định, việc Đài Loan (Trung Quốc) tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo này, đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải, gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình ở Biển Đông.

"Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Đài Loan không được tiến hành hoạt động diễn tập trái phép nêu trên cũng như lặp lại vi phạm trong tương lai". - Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.

Bảo Lam

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/yeu-cau-trung-quoc-ton-trong-chu-quyen-cua-viet-nam-169588.html