Yêu cầu một số cửa hàng photocopy đóng cửa suốt kỳ thi: Có đúng luật?

Để chống gian lận trong thi cử, các cơ quan chức năng đã và đang ngăn chặn nhiều hành vi khác nhau, trong đó, tăng cường kiểm tra các cửa hàng bán các thiết bị điện tử, photocopy.

Một cửa hàng photocopy nằm trên đường Nguyễn Phong Sắc (cạnh Học Viện Báo chí và Tuyên truyền). Ảnh: CN

Ngoài ra, phía Công an Hà Nội cũng yêu cầu sẽ đóng cửa một số cửa hàng photocopy trong suốt kỳ thi THPT Quốc gia. Việc rà soát, kiểm tra chặt chẽ để có kỳ thi trong sạch là rất tốt. Tuy nhiên, trường hợp yêu cầu đóng cửa một số cửa hàng photocopy trong suốt quá trình thi sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc kinh doanh của họ.

Nhiều ý kiến trái chiều

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia TP.Hà Nội năm 2018 diễn ra ngày 24.5, để chống gian lận trong thi cử, trung tá Nguyễn Quốc Hùng - Phó Trưởng phòng PA83, Công an TP.Hà Nội - cho biết, công an TP sẽ phối hợp tăng cường kiểm tra các cửa hàng bán thiết bị điện tử, Photocopy...

Theo ông Hùng, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối phía đơn vị sẽ cho rà soát tất cả điểm Photocopy ở nơi diễn ra điểm thi và yêu cầu các cửa hàng này phải đóng cửa trong suốt quá trình thi. Không photo các tài liệu phục vụ thi cử. Phía PA83 cùng phòng công nghệ cao sẽ phát hiện những đối tượng dùng công nghệ cao để gian lận thi cử.

Trung tá Hùng cho biết thêm, cách đây khoảng một tuần, trong kỳ thi đánh giá năng lực, phía đơn vị phát hiện một đối tượng mua bán khoảng 38 thiết bị tai nghe siêu nhỏ như năm ngoái. Trong một vài ngày tới, PA83 sẽ tuyên truyền để chống gian lận trong thi cử.

Nhiều ý kiến cho rằng, để đảm bảo tránh gian lận trong thi cử là rất tốt và cần phải làm quyết liệt. Tuy nhiên, việc đóng cửa các quán photocopy là bất hợp lý.

Anh Thanh, chủ cửa hàng photocopy Sỹ Thanh - cạnh trường Đại học Thương Mại (quận Cầu Giấy, Hà Nội) - chia sẻ, bản thân anh Thanh đã đọc qua báo đài về việc sẽ đóng cửa một vài quán photocopy trong thời gian thi. Tuy nhiên, đến nay thì cửa hàng của anh Thanh chưa nhận được thông báo nào liên quan đến việc này.

Anh Thanh nói và khẳng định mặc dù cửa hàng photocopy nằm sát ngay cạnh trường ĐH Thương Mại nhưng anh không sản xuất các dạng phao thi hay thiết bị điện tử phục vụ gian lận thi cử. Ngoài việc photocopy giấy tờ và luận văn cho sinh viên, cửa hàng anh Thanh còn nhận làm giấy tờ cho nhiều công ty bên ngoài khác.

“Cơ quan có thẩm quyền phải tuyên truyền cho các cửa hàng photocopy không được photocopy phao thu nhỏ... Chứ sao lại bắt đóng cửa. Nếu cho đóng cửa thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công việc làm ăn và uy tín của cửa hàng mình” - anh Thanh nói thêm.

Cùng chung quan điểm anh Dương Văn Hiên - chủ 3 cửa hàng photocopy nằm trên đường Chùa Láng, cạnh trường Đại học Ngoại Thương - cũng bất ngờ với thông tin trên, anh Hiên cho rằng, việc quyết định đóng cửa những cửa hàng photocopy có nhiều bất cập. “Chúng tôi kinh doanh đã đóng thuế, lại thuê nhân công làm việc. Trong thời gian này, sinh viên in ấn luận văn khá nhiều, nếu đóng cửa sẽ ảnh hưởng lớn tới công việc, hoạt động của chúng tôi” - anh Hiên chia sẻ.

Không phù hợp, gây thiệt hại

Theo khảo sát của phóng viên tại các quán Photocopy khu vực gần các trường học. Phần lớn những chủ quán này đều tỏ ra bất bình nếu bị yêu cầu đóng cửa. Họ cho rằng sẵn sàng hợp tác với cơ quan chức năng để tránh gian lận trong thi cử nhưng không đồng ý với việc đóng cửa suốt kỳ thi. “Thời điểm này là “mùa” làm ăn của chúng tôi. Khách đặt hàng và chốt thời gian để in ấn các tài liệu học tập như luận văn, tài liệu nghiên cứu… mà đóng cửa thì không đúng hẹn” - một chủ cửa hàng ở trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) - chia sẻ.

Trong khi đó, về vấn đề này trao đổi với Lao Động, luật sư Nguyễn Mạnh Thuật (Cty luật Hợp danh Đông Nam Á) cho rằng, khi Công an yêu cầu đóng cửa một số cửa hàng photocopy ở nơi diễn ra điểm thi trong suốt quá trình thi có thể không phù hợp pháp luật và gây thiệt hại, nếu: Cơ sở kinh doanh dịch vụ photocopy đó không vi phạm về an ninh trật tự hay vi phạm Điều 9 Nghị định 60/2014/NĐ-CP quy định về hoạt động in. Thực hiện đăng ký, thông báo hoạt động và không vi phạm Điều 25, Điều 26 Nghị định 60/2014/NĐ-CP quy định về hoạt động in.

Ngoài ra, luật sư Thuật cho rằng, cửa hàng photocopy đó đăng ký kinh doanh đầy đủ theo Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp mà yêu cầu đóng cửa thì không phù hợp luật pháp.

Cũng theo luật sư Nguyễn Mạnh Thuật, việc Cơ quan Công an yêu cầu đóng cửa không phải là một trong các “hình thức xử phạt” và “biện pháp khắc phục hậu quả” theo Điều 21, Điều 28 Luật xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình và Nghị định 50/2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày 1.6.2016, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.

“Cơ quan Công an chỉ có thể đình chỉ hoạt động của các cơ sở dịch vụ đó khi họ có hành vi vi phạm hành chính và xử lý vi phạm hành chính đúng trình tự, thủ tục. Nếu bị xử lý sai, họ có quyền khiếu nại, khởi kiện và đòi bồi thường thiệt hại thực tế phát sinh. Trong trường hợp vì lý do an ninh, trật tự, đặc biệt, cần tạm thời đóng cửa các cơ sở dịch vụ thì cơ quan Công an cần phải có sự thống nhất, thỏa thuận với chủ cơ sở trên tinh thần tự nguyện” - luật sư Thuật nói thêm.

CAO NGUYÊN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/yeu-cau-mot-so-cua-hang-photocopy-dong-cua-suot-ky-thi-co-dung-luat-609248.ldo