Yêu cầu làm rõ việc Big C phân biệt đối xử hàng hóa Việt Nam

Tại phiên họp trực tuyến của Chính phủ với 63 tỉnh thành phố, phát biểu vào cuối giờ chiều nay (7/4), Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã chỉ đạo Bộ Công Thương làm rõ việc Big C có sự phân biệt đối xử hàng hóa Việt Nam ngay trên lãnh thổ của chúng ta hay không?.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình

Trước thông tin Big C Việt Nam tạm dừng hoạt động thu mua các sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp tại Việt Nam kể từ tháng 7/2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đã chỉ đạo Bộ Công Thương làm rõ việc Big C có sự phân biệt đối xử hàng hóa Việt Nam ngay trên lãnh thổ của chúng ta hay không?.

Liên quan đến vụ việc, vào ngày 2/7, trong thư gửi các đối tác Việt Nam, Tập đoàn Central (sở hữu chuỗi siêu thị Big C) cho biết, nhằm chuẩn bị cho kế hoạch tái cấu trúc ngành hàng may mặc của Tập đoàn tại thị trường Việt Nam, đơn vị này quyết định tạm dừng hoạt động thu mua các sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp ngành hàng may mặc tại Việt Nam kể từ tháng 7/2019.

"Kể từ tháng 7 cho đến khi có thông báo mới, chúng tôi sẽ tạm thời ngừng đặt hàng của đối tác theo hợp đồng hợp tác thương mại ký kết giữa đối tác và Central Group Việt Nam", thông báo của Tập đoàn Central nêu.

Theo đó, tất cả các vấn đề phát sinh trước ngày 2/7/2019 sẽ được tiếp tục giải quyết theo quy định của hợp đồng hợp tác thương mại. Việc tạm ngừng đặt hàng nói trên của Tập đoàn Central được lý giải là do có sự thay đổi chiến lược trong phát triển mô hình ngành hàng may mặc cho phù hợp với chỉ đạo của Tập đoàn Central tại Thái Lan.

Sau động thái đột ngột của tập đoàn Central Group, chiều ngày 3/7 nhiều đại diện của các doanh nghiệp dệt may đã có mặt tại văn phòng đại diện của tập đoàn Central ở TP.HCM để làm rõ và phản đối quyết định này. Tối 3/7, Big C Việt Nam phát ra thông báo chính thức, khẳng định không dừng hoạt động kinh doanh của ngành hàng may mặc tại Việt Nam.

Theo thông báo này, Big C Việt Nam đang trong quá trình phát triển các thương hiệu mới trong chuỗi bán lẻ của mình, trong đó có ngành may mặc. Để bảo đảm mô hình kinh doanh mới có thể phát triển thành công, Big C Việt Nam đang xây dựng lộ trình cụ thể để hiện thực hóa kế hoạch này, trong đó việc ưu tiên hàng đầu là tìm kiếm các nguồn cung ứng tại Việt Nam.

"Big C Việt Nam đang xem xét lại danh mục hàng hóa và tính khả thi từ nhà cung cấp nhằm đem đến các sản phẩm Việt Nam chất lượng cao nhất để phục vụ khách hàng. Hiện tại, Big C Việt Nam có hơn 4000 nhà cung cấp trong chuỗi siêu thị của mình. Big C Việt Nam đang trong quá trình xem xét cùng với hơn 200 nhà cung cấp hàng may mặc để phát triển các sản phẩm với chất lượng tốt nhất nhằm thỏa điều kiện không chỉ cho thị trường trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng”, đại diện Big C cho hay.

“Việc tạm dừng các đơn đặt hàng chỉ là tạm thời và Big C Việt Nam khẳng định không dừng hoạt động kinh doanh của ngành hàng may mặc tại Việt Nam", đại diện Big C Việt Nam khẳng định.

N. Huyền

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/yeu-cau-lam-ro-viec-big-c-phan-biet-doi-xu-hang-hoa-viet-nam-post304824.info