Yêu cầu giải ngân hết 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, đâu sẽ là những doanh nghiệp hưởng lợi?

Đầu tư công sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2020 và ngành vật liệu xây dựng sẽ hưởng lợi chính, VNDIRECT cho biết.

Ảnh minh họa.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2020 diễn ra sáng ngày 5/5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo về dự thảo Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Đối với đầu tư công, tiếp tục rà soát các quy định về ngân sách, đầu tư, xây dựng, tháo gỡ kịp thời các rào cản khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công…

“Phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện từng dự án, lập kế hoạch giải ngân của từng dự án, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng dự án. Kết quả giải ngân của từng dự án được phân công theo dõi là căn cứ chủ yếu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2020.

Trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra, kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân liên quan; trường hợp kết quả giải ngân năm 2020 đạt dưới 100% thì không xét thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ và cho người đứng đầu, chủ đầu tư dự án và các cá nhân liên quan năm 2020”, dự thảo Nghị quyết nêu rõ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh: “Việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công khoảng 700.000 tỷ đồng trong năm nay là vô cùng quan trọng. Các đồng chí phải xông vào trận, nếu có vướng mắc thì báo cáo kịp thời, bám ngày, bám đêm để triển khai cho được; không được để ngành nào, địa phương nào không giải ngân hết số vốn”.

Đầu tư công sẽ tăng tốc sớm hơn dự kiến

Trong các nhận định vào cuối năm 2019, CTCK VNDIRECT đã cho rằng giải ngân đầu tư công sẽ khó có thể tăng tốc cho tới cuối năm nay. Tuy nhiên, sự bùng phát của dịch Covid-19 kể từ tháng 1/2020 đã thay đổi toàn bộ bức tranh kinh tế vĩ mô.

Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), tăng trưởng GDP trong quý I/2020 đạt 3,82% so với cùng kỳ, là mức tăng trưởng quý 1 thấp nhất trong 11 năm qua khi tất cả các ngành kinh tế đều bị tác động mạnh bởi dịch COVID-19.

VNDIRECT dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 ở mức 5% so với cùng kỳ (so với mức 7,1% của năm 2019), trong đó ngành công nghiệp-xây dựng, dịch vụ và nông nghiệp tăng lần lượt 5,6%, 5,3% và 2% so với cùng kỳ.

Theo VNDIRECT, tất cả các động lực tăng trưởng kinh tế đều đang chậm lại. Xuất khẩu cũng phải đối mặt với áp lực lớn hơn trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa suy giảm trên toàn cầu do dịch bệnh. Trong khi đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng đã trải qua đợt sụt giảm mạnh trong quý I/2020 với tổng vốn đăng ký cấp mới chỉ đạt 8,6 tỷ USD (giảm 20,9% so với cùng kỳ).

Do đó, VNDIRECT cho rằng đầu tư công sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2020. Trong khi đó, chính sách tài khóa vẫn còn nhiều dư địa để đẩy mạnh đầu tư công. Vốn đầu tư công sẽ tập trung giải ngân vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt thông qua các dự án lớn trong đó các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam sẽ là điểm nhấn.

Ngành vật liệu xây dựng sẽ hưởng lợi chính từ đầu tư công

Với kịch bản cơ sở của VNDIRECT, khoảng 40% vốn đầu tư công sẽ được giải ngân tại 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, và việc xây dựng sẽ cần đến khoảng 8.900 tỷ đồng nhựa đường, 7.600 tỷ đồng thép xây dựng và 3.800 tỷ đồng xi măng. VNDIRECT cho rằng ngành vật liệu xây dựng sẽ hưởng lợi chính từ chủ đề đầu tư công.

Theo VNDIRECT, nhu cầu đá xây dựng sẽ nhận cú hích lớn nhất, khi nhu cầu đá của các dự án này tương đương với khoảng 30-35% công suất khai thác được cấp phép của các doanh nghiệp khai thác trong khu vực. Ngoài ra, để hoàn thành 100% các dự án trên, ước tính chi phí cho nhựa đường, thép xây dựng và xi măng sẽ cần lần lượt 22.300 tỷ đồng, 19.100 tỷ đồng và 9.500 tỷ đồng.

Mặc dù đều được hưởng lợi từ chủ đề đầu tư công, tuy nhiên mức độ tác động đối với các tiểu ngành vật liệu xây dựng là khác nhau. Do đó, VNDIRECT đưa ra một số doanh nghiệp có lợi thế để tận dụng cơ hội từ “làn sóng” đầu tư công.

Đá xây dựng: KSB và DHA

Do đặc thù của ngành, chi phí vận chuyển thường chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành đá xây dựng. Tùy thuộc vào khoảng cách và loại hình vận chuyển, giá đá được giao tại công trình có thể cao gấp đôi so với giá giao tại mỏ.

Bộ Xây dựng đã đề nghị 13 tỉnh có cao tốc Bắc-Nam đi qua tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, các nhà thầu thi công trong việc khai thác mỏ vật liệu phục vụ thi công các dự án này, qua đó giảm thời gian xây dựng và chi phí vận chuyển.

Theo ước tính của VNDIRECT, hai dự án cao tốc Bắc-Nam và cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ sẽ cần khoảng 6-7 triệu tấn đá xây dựng, tương đương 30-35% công suất khai thác được cấp phép của các công ty niêm yết.

VNDIRECT cho rằng các mỏ đá của các công ty niêm yết nằm gần dự án sẽ được ưu tiên huy động do lợi thế về thời gian vận chuyển cũng như quy mô và chất lượng sản phẩm. KSB và DHA là hai cái tên được VNDIRECT đánh giá cao nhờ sở hữu nhiều mỏ đá ở vị trí tốt, công suất khai thác lớn và thời hạn khai thác dài.

Nhựa đường: PLC

VNDIRECT cho rằng kết quả kinh doanh của các công ty ngành nhựa đường sẽ được hưởng lợi lớn từ việc Chính phủ đẩy nhanh giải ngân tại các dự án cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, giá dầu thấp trong năm 2020 sẽ đem lại tỷ suất lợi nhuận cao hơn cho các doanh nghiệp trong ngành. PLC, doanh nghiệp nhựa đường duy nhất niêm yết và hiện chiếm khoảng 30% thị phần nội địa được VNDIRECT đánh giá cao.

Doanh thu nhựa đường của PLC đạt mức cao trong giai đoạn 2014-15, thời điểm giải ngân vốn đầu tư công cho đầu tư cơ sở hạ tầng mạnh mẽ. Khi chi tiêu cho cơ sở hạ tầng quay trở lại mức thấp trong giai đoạn 2016-19, doanh thu mảng nhựa đường của PLC cũng lập tức suy giảm ~50% so với giai đoạn 2014-15.

Thép xây dựng: HPG

Ngành thép xây dựng Việt Nam hiện đang phải đối mặt với tình trạng dư cung, trong khi sản lượng toàn ngành tại thời điểm cuối năm 2019 mới chỉ đạt 80% công suất thiết kế.

VNDIRECT ước tính nhu cầu tăng thêm từ 11 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam tương đương với khoảng 6,2% nhu cầu thép xây dựng hiện tại. Qua đó sẽ giảm phần nào áp lực cạnh tranh trong ngành, đặc biệt trong bối cảnh công suất toàn ngành dự kiến sẽ tăng khoảng 15% trong năm nay.

Theo VNDIRECT, khu liên hợp thép Dung Quất sẽ là chìa khóa giúp HPG thay đổi “cuộc chơi” của toàn bộ ngành thép trong nước. Khi thành phần của Dung Quất giai đoạn 1 đi vào hoạt động, HPG sẽ rút ngắn được thời gian vận chuyển thép xuống miền Nam xuống chỉ còn 3 ngày, so với mức 7 ngày trước đây.

Cùng với chiến lược cạnh tranh về giá, VNDIRECT cho rằng HPG sẽ hiện thực hóa được mục tiêu giành khoảng 35-40% thị phần tại khu vực phía Nam (so với mức 13,8% của năm 2019).

Xi măng: HT1 và BCC

Sau giai đoạn mở rộng công suất liên tục, ngành xi măng bắt đầu phải đối mặt với tình trạnh dư cung từ năm 2009, cạnh tranh trong ngành ngày một gay gắt.

VNDIRECT ước tính nhu cầu xi măng trong năm 2020 từ 11 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam chỉ tương đương khoảng 2,6% tiêu thụ xi măng hiện tại. Các dự án khác nằm trong kế hoạch giải ngân đầu tư công năm 2020 của chính phủ sẽ hỗ trợ thêm nhu cầu tiêu thụ của ngành.

Tuy vậy, tác động tích cực từ đầu tư công sẽ không phải là một cú hích quá lớn dành cho các doanh nghiệp ngành xi măng, đặc biệt trong bối cảnh 2 thị trường xuất khẩu chủ lực là Philippines và Bangladesh (chiếm 25,9% tổng sản lượng xuất khẩu và 8,8% tổng sản lượng tiêu thụ trong năm 2019) đã bắt đầu áp dụng các biện pháp thuế tự vệ từ nửa cuối năm 2019.

Theo VNDIRECT, HT1 và BCC do 2 doanh nghiệp đang cho thấy sự cải thiện trong kết quả kinh doanh cốt lõi, dựa vào tăng trưởng sản lượng tiêu thụ tốt, chi phí sản xuất thấp hơn và hạn chế được rủi ro biến động tỷ giá. Đặc biệt, HT1 là nhà sản xuất xi măng lớn nhất miền Nam, có lợi thế cạnh tranh mạnh do sở hữu phần lớn các mỏ đá vôi tại khu vực (vốn khan hiếm).

THANH HÀ

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/doanh-nghiep/yeu-cau-giai-ngan-het-700000-ty-dong-von-dau-tu-cong-dau-se-la-nhung-doanh-nghiep-huong-loi-3543179.html