Yêu cầu chủ nuôi hổ cắn người ở Bình Dương tăng cường biện pháp an toàn

Liên quan vụ hổ cắn đứt tay người ở Bình Dương xảy ra chiều ngày 4-6, lực lượng chức năng đã yêu cầu chủ trại nuôi thí điểm doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Thanh Cảnh tiến hành ngay các biện pháp bảo đảm an toàn cho công nhân, người nuôi thú và nhân dân quanh vùng.

DNTN Thanh Cảnh, nơi xảy ra vụ hổ cắn người.

DNTN Thanh Cảnh, nơi xảy ra vụ hổ cắn người.

Theo biên bản làm việc về việc hổ gây thương tích cho người do Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương lập, vào lúc 14 giờ 12 phút ngày 4-6, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương nhận tin báo của bà Huỳnh Thị Mỹ, chủ trại nuôi thí điểm DNTN Thanh Cảnh, có một người đi vào chuồng nuôi hổ bị hổ cắn mất hai cánh tay. Chi cục Kiểm lâm đã phối hợp các cơ quan có liên quan đến trại nuôi thí điểm DNTN Thanh Cảnh để ghi nhận vụ việc.

Khi Chi cục Kiểm lâm và các lực lượng chức năng đến hiện trường thì không gặp được người bị hổ cắn, nhưng gặp ông Nguyễn Văn Giang, cán bộ Công an phường Vĩnh Phú đang ghi nhận vụ việc. Ông Giang cho biết, người bị hổ gây thương tích là Võ Thành Quới (SN 1970, thường trú tỉnh An Giang). Theo lời ông Giang, khi đến hiện trường thì thấy ông Quới đang nằm tại hành lang bên ngoài đường nội bộ của trại nuôi trong tình trạng mất cánh tay phải đến sát nách, tay trái mất tới nửa cẳng tay.

Làm việc với lực lượng chức năng, ông Trương Văn Hai, nhân viên chăm sóc thú cho biết: khoảng 14 giờ ngày 4-6, khi đang ở bên ngoài đối diện trại nuôi thì ông nghe vợ (làm việc tại trại nuôi) điện thoại báo có một người bị hổ cắn. Khi ông chạy về thì thấy một người đang nằm tại hành lang bên ngoài đường nội bộ của trại nuôi và người này được nhân viên y tế đưa lên xe cấp cứu đi bệnh viện. Theo ông Hải, nạn nhân là công nhân làm việc cho trại nuôi trước đây, ông này đã nghỉ việc cách nay 10 năm và không biết vì sao xuất hiện ở đây.

Bà Huỳnh Thị Mỹ, chủ trại nuôi cho biết, khoảng 13 giờ 50 phút ngày 4-6, khi đang ở trong nhà thì bà nghe tiếng thợ hàn tên Tý (người phát hiện nạn nhân bị hổ cắn) báo có người bị hổ cắn đứt hai tay, cho nên bà gọi xe cứu thương và thông báo sự việc đến Công an phường và Chi cục Kiểm lâm, đồng thời bảo anh Tý đưa người bị nạn ra ngoài để đi cấp cứu. Bà Mỹ cũng không biết nạn nhân là ai, chỉ nghe ông Trương Văn Hai nói từng làm việc tại trại nuôi thời gian trước.

Tại chuồng nuôi hổ, nơi xảy ra vụ việc, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương ghi nhận: có ba cá thể hổ đang được nuôi nhốt, dãy chuồng nuôi hổ gồm sáu ô chuồng, ba cá thể hổ này được nuôi trong ba ô chuồng đầu tiên từ ngoài vào, còn lại ba ô chuồng liền kề thì được bỏ trống từ trước. Do nâng cấp sửa chữa ba ô chuồng nuôi nhốt hổ cho nên chủ nuôi đã di chuyển ba cá thể hổ sang ba ô chuồng kế bên. Kết cấu chuồng được xây bằng gạch 10 cm, cửa chuồng làm bằng sắt tròn đặc đường kính 14 mm, khoảng cách giữa các thanh sắt khoảng 8 cm, chuồng cao khoảng 2 m, có vết máu bên trong và ngoài cửa chuồng.

Qua làm việc, các cơ quan chức năng đề nghị bà Huỳnh Thị Mỹ lập tức tăng cường gia cố ba ô chuồng đang nuôi nhốt hổ để bảo đảm an toàn trong thời gian sửa chữa; ba ô chuồng sửa chữa phải khẩn trương hoàn thành trong thời gian 10 ngày để di dời ba cá thể hổ qua ba ô chuồng này, rồi mới tiếp tục sửa chữa các ô chuồng còn lại.

Đối với cửa đi vào khu vực chuồng nuôi hổ giáp với đường đê bao, đề nghị chủ nuôi phải khóa cửa này để tránh người lạ đi vào khu vực nuôi hổ. Yêu cầu chủ nuôi rà soát, bổ sung ngay các quy định chặt chẽ đối với công nhân khi làm việc trong chuồng thú hung dữ và tăng cường phổ biến, kiểm tra các quy định này.

Lực lượng chức năng cũng yêu cầu chủ nuôi tuyệt đối không cho người không có phận sự và trẻ em vào khu vực chuồng, trại nuôi nhốt thú; trong thời gian sửa chữa chuồng nuôi hổ, không để hổ sổng chuồng; bảo đảm an toàn cho công nhân, người nuôi thú và nhân dân quanh vùng.

Vụ việc cũng đã được Công an thị xã Thuận An (tỉnh Bình Dương) đến hiện trường xác minh, làm rõ nguyên nhân.

TRỊNH BÌNH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/40440702-yeu-cau-chu-nuoi-ho-can-nguoi-o-binh-duong-tang-cuong-bien-phap-an-toan.html