Yêu cầu cấp thiết về đổi mới hoạt động tổ chức đảng trong doanh nghiệp

Sáng nay (13-6), Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội phối hợp với Ban Tổ chức Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức hội thảo chuyên đề 'Đổi mới mô hình, nội dung, phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp'.

Toàn cảnh buổi hội thảo.

Dự và phát biểu chỉ đạo tại hội thảo có Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn; Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối Doanh nghiệp (DN) Trung ương Trần Hữu Bình. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo và Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Trưởng ban Tổ chức Đảng ủy Khối DN Trung ương Hoàng Giang chủ trì hội thảo. Tham dự còn có đại biểu các tổ chức Đảng trong các DN trung ương và TP Hà Nội, các chuyên gia, nhà khoa học.

Phát biểu mở đầu hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn khẳng định, trước yêu cầu của sự phát triển, các DN đã và đang ngày càng đổi mới mô hình hoạt động, tác động mạnh đến công tác tổ chức, hoạt động của các tổ chức Đảng trong các DN. Tại Hà Nội, xu hướng chuyển đổi mô hình hoạt động của các tổng công ty, DN nhà nước cũng đang đặt ra những áp lực, đòi hỏi phải đổi mới làm sao để vừa phát huy được vai trò của tổ chức Đảng, vừa duy trì và nâng cao được hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN.

Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, hội thảo chuyên đề "Đổi mới mô hình, nội dung, phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng trong các DN" có ý nghĩa thiết thực, nhất là khi Hội nghị Trung ương 5 khóa XII vừa kết thúc, ban hành 3 nghị quyết quan trọng về kinh tế. Đây là là dịp để Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội và Ban Tổ chức Đảng ủy Khối DN Trung ương đánh giá đúng tình hình công tác xây dựng đảng trong các DN, qua đó tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và Ban Thường vụ Đảng ủy Khối DN Trung ương những giải pháp cần thiết để đổi mới hoạt động của tổ chức Đảng trong DN ngày càng hiệu quả.

Đồng quan điểm với Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối DN Trung ương Trần Hữu Bình cho biết, để giải quyết những bất cập về mô hình tổ chức, nội dung, phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng trong DN, ý kiến của các đại biểu tại hội thảo có ý nghĩa rất quan trọng. Đồng chí Trần Hữu Bình khẳng định: "Chúng tôi sẽ lắng nghe, ghi nhận các ý kiến tham luận. Đây sẽ là căn cứ quan trọng để Đảng ủy Khối DN Trung ương nghiên cứu, xây dựng báo cáo, kiến nghị với Trung ương về các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức Đảng trong DN".

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo nhấn mạnh, mặc dù đã đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng công tác xây dựng đảng trong các DN còn có những hạn chế. Đó là: Mô hình tổ chức Đảng trong DN còn nhiều bất cập, đang tồn tại nhiều mô hình tổ chức khác nhau như đảng bộ cơ quan, đảng bộ cơ quan mở rộng, đảng bộ công ty mẹ, đảng bộ công ty mẹ mở rộng, đảng bộ toàn DN.

Nhiều DN thành viên có cùng cấp bộ đảng với tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Còn có cấp ủy trong DN có vốn nhà nước dưới 50% không theo kịp tình hình, chậm đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo nên không hiệu quả, vai trò lãnh đạo có phần suy giảm. Việc nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ chưa được quan tâm đúng mức. Công tác quản lý và phân công công tác cho đảng viên gặp nhiều khó khăn. Lãnh đạo cấp ủy trong DN đa số là các đồng chí lãnh đạo DN, do kiêm nhiệm nhiều việc nên có lúc, có nơi, việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng đảng lẫn với công tác chuyên môn...

Những hạn chế trên đây đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng trong DN. Hiệu quả của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty chưa tương xứng với nguồn lực đang nắm giữ. Hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh không cao. Hiệu lực quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu nhà nước vẫn còn bất cập.

Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội nêu 6 vấn đề để các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ. Đáng chú ý, theo đồng chí Vũ Đức Bảo, về mô hình tổ chức Đảng trong các DN, có cần quy định tiêu chí để sắp xếp lại các đảng bộ tập đoàn kinh tế, tổng công ty hay không? Sắp xếp lại theo hướng ưu tiên ngành, DN hay lãnh thổ và trực thuộc cấp trên nào? Quy định số 196-QĐ/TƯ của Ban Bí thư đã đề ra tiêu chí lập đảng bộ toàn DN, quá trình thực hiện cho thấy cũng cần sửa đổi, bổ sung.

Có nên chuyển giao tổ chức Đảng trong DN không còn vốn của tập đoàn kinh tế, tổng công ty về trực thuộc cấp ủy địa phương nơi DN đặt trụ sở không? Có cần quy định hướng dẫn cụ thể về việc này không? Nếu duy trì mô hình tổ chức Đảng như hiện nay thì nội dung lãnh đạo, phương thức lãnh đạo của đảng bộ cấp trên đối với các tổ chức cơ sở đảng có chức năng, nhiệm vụ khác nhau thế nào? Ngày 13-2-2017, Ban Bí thư đã ban hành quy định số 69-QĐ/TƯ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của đảng ủy cấp trên cơ sở trong DN nhà nước và DN có vốn nhà nước chi phối. Quy định này có những nội dung mới cần được thảo luận, làm rõ...

Cùng với hàng chục tham luận gửi về hội thảo, trong hơn 2 giờ thảo luận trực tiếp, đã có hơn 10 lượt ý kiến phát biểu sôi nổi về các vấn đề đặt ra.

PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội nhận định, khi đối tượng thay đổi (từ tổng công ty nhà nước thành tổng công ty cổ phần) thì việc tìm tòi để tính đến mô hình, nội dung, phương thức lãnh đạo mới nhằm bảo đảm vai trò, vị trí lãnh đạo của Đảng trong DN là yêu cầu tất yếu.

Từ kinh nghiệm tổ chức Đảng trong DN với 70% vốn nhà nước chi phối, Phó Bí thư Đảng ủy Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam Võ Sỹ Lực đề nghị tiếp tục duy trì mô hình đan xen hiện nay, nghĩa là tổ chức Đảng trong DN thành viên có nơi trực thuộc Đảng bộ tập đoàn, có nơi trực thuộc Đảng bộ địa phương. Theo ông, điều quan trọng là phải xây dựng được quy chế phối hợp với các tỉnh, thành phố nơi có DN thành viên ở đó.

Trong khi đó, từ thành công của mô hình Đảng bộ toàn tổng công ty 14 năm qua, ông Bùi Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Tổng công ty Vận tải Hà Nội khẳng định, đây là mô hình tốt. Tuy nhiên, việc thực hiện mô hình này đòi hỏi phải có 3 tiêu chí, trong đó hoạt động của công ty mẹ và DN thành viên phải gắn kết chặt chẽ với nhau, tài chính do công ty mẹ chi phối, tốt nhất là cùng đóng chung trên địa bàn.

Là một mô hình tổ chức Đảng trong DN chuyển đổi thành công sau khi cổ phần hóa, Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI) trực thuộc Đảng bộ quận Đống Đa (TP Hà Nội) có cách làm rất đáng chú ý. Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Phạm Hữu Sơn cho biết, Đảng bộ Tổng công ty đã tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo theo hướng xóa bỏ các hình thức hành chính hóa. Không chỉ thu hút người có tâm tham gia cấp ủy, Đảng bộ đã đề ra các quy chế, quy định để gắn quyền lợi với trách nhiệm, tạo hứng thú cho người làm công tác Đảng. Theo ông Phạm Hữu Sơn, để tổ chức Đảng trong DN hoạt động tốt, nhất quyết phải xây dựng cho được quy chế phối hợp giữa Đảng ủy, hội đồng quản trị và ban giám đốc. “Để có một mô hình chung về tổ chức Đảng trong DN là rất khó. Trung ương chỉ nên xây dựng khung tiêu chí làm cơ sở để xây dựng tổ chức Đảng phù hợp với từng doanh nghiệp cụ thể”, ông Phạm Hữu Sơn nói.

Từ góc độ chuyên gia, PGS. TS Phan Hữu Tích, giảng viên cao cấp Học viên Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Bảo vệ chính trị nội bộ Ban Tổ chức Trung ương chỉ ra rằng, cần thiết phải có định hướng về mô hình tổ chức Đảng, đoàn thể trong DN sao cho thống nhất, không để quá nhiều mô hình như hiện nay. Nhưng dù theo mô hình nào, vai trò, vị trí, hiệu quả hoạt động của tổ chức Đảng trong DN phụ thuộc chủ yếu vào năng lực, trình độ và tâm huyết của người đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt của tổ chức Đảng đó…

Kết luận cuộc hội thảo, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo cho biết sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến, sớm kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định, hướng dẫn. Bên cạnh đó, Ban Tổ chức Thành ủy sẽ tiếp tục tìm hiểu sâu hơn về tổ chức Đảng trong các tổng công ty của Hà Nội để có căn cứ xác đáng thực hiện tốt công tác tham mưu.

Võ Lâm

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Chinh-tri/871121/yeu-cau-cap-thiet-ve-doi-moi-hoat-dong-to-chuc-dang-trong-doanh-nghiep