Yêu cầu cấp sổ khi người bán khiếu nại vô cớ

ng Hoàng Quốc Nam, ở Mỹ Đình, Hà Nội có câu hỏi: Gia đình tôi mua 350m2 đất của nhà hàng xóm. Hai bên đã ký hợp đồng mua bán từ năm 2003. Đến cuối năm 2004, gia đình tôi đã trả đủ toàn bộ số tiền mua bán. Đến đầu năm 2016, khi biết lô đất đó sẽ ra mặt đường lớn thì nhà hàng xóm nộp đơn kiện đòi lại đất với lí do hợp đồng mua bán trước kia không đúng thủ tục, chỉ là hợp đồng giữa hai bên, chưa công chứng. Đầu năm 2017, tôi nộp đơn xin cấp sổ đỏ thì chính quyền địa phương nói là đất đang tranh chấp nên không cấp sổ cho gia đình tôi. Xin hỏi, bây giờ tôi phải làm thế nào để được cấp sổ đỏ. Nhà tôi đã nộp hết tiền mua bán từ vài năm nay, chẳng nhẽ, quyền lợi của chúng tôi lại không được đảm bảo?

Ảnh minh họa (nguồn Internet).

Trả lời

Câu hỏi của ông Báo Tài nguyên & Môi trường xin tư vấn như sau:

Theo Khoản 1 Điều 99 Luật Đất đai 2013: “Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho những trường hợp sau đây:

a) Người đang sử dụng đất có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại các điều 100, 101 và 102 của Luật này;

b) Người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất từ sau ngày Luật này có hiệu lực thi hành;

c) Người được chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, được thừa kế, nhận tặng cho quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất; người nhận quyền sử dụng đất khi xử lý hợp đồng thế chấp bằng quyền sử dụng đất để thu hồi nợ;

d) Người được sử dụng đất theo kết quả hòa giải thành đối với tranh chấp đất đai; theo bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án hoặc quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành;

đ) Người trúng đấu giá quyền sử dụng đất;

e) Người sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế;

g) Người mua nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất;

h) Người được Nhà nước thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; người mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước;

i) Người sử dụng đất tách thửa, hợp thửa; nhóm người sử dụng đất hoặc các thành viên hộ gia đình, hai vợ chồng, tổ chức sử dụng đất chia tách, hợp nhất quyền sử dụng đất hiện có;

k) Người sử dụng đất đề nghị cấp đổi hoặc cấp lại Giấy chứng nhận bị mất”.

Như vậy, gia đình ông thuộc trường hợp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và sẽ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Mặt khác, Khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013 quy định như sau: Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này".

Theo quy định trên, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (mua bán đất đai) thì bắt buộc phải công chứng tại cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, trường hợp hợp đồng mua bán đất đai được xác lập trước thời điểm Luật Đất đai 2003 có hiệu lực (01/7/2004) thì hợp đồng mua bán này không bắt buộc phải công chứng.

Như vậy, gia đình ông đã nhận chuyển nhượng từ năm 2003, nên đồng mua bán này không bắt buộc phải công chứng. Nếu nhà hàng xóm kiên quyết đòi lại mảnh đất thì gia đình ông có thể làm đơn gửi lên tòa án yêu cầu nhà hàng xóm chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật này. Đồng thời, yêu cầu cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho mình.

Báo TN&MT

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/tu-van-phap-luat/hoi-dap-chinh-sach/201711/yeu-cau-cap-so-khi-nguoi-ban-khieu-nai-vo-co-2865688/