Yêu cầu các trường đại học dừng tuyển sinh hệ cao đẳng có hợp lý?

Một số ý kiến cho rằng, trong cả Luật Giáo dục Đại học và Giáo dục nghề nghiệp đều không có nội dung cấm các trường ĐH không được đào tạo hệ CĐ.

Mới đây, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB-XH) đã yêu cầu 45 trường ĐH dừng tuyển sinh hệ cao đẳng ngay từ 1/7/2019.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội cho rằng, về mặt pháp lý, văn bản của Tổng cục có nhiều điểm chưa hợp lý.

Thứ nhất, văn bản có trích Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 tại Điều 1 có ghi: "Các trình độ của giáo dục đại học bao gồm trình độ đại học, trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ" để cho rằng các trường đại học không được đào tạo trình độ cao đẳng là chưa hợp lý. Lý do là, Luật Giáo dục đại học chỉ chi phối trình độ đại học nên không thể ghi thêm trình độ cao đẳng vào luật. Trường đại học là một tổ chức, Trường đại học không đồng nghĩa với trình độ đại học, không có điều nào trong Luật giáo dục đại học nói rằng các trường đại học không được đào tạo trình độ cao đẳng.

Thứ 2, trong Luật giáo dục nghề nghiệp, luật chuyên ngành chi phối đào tạo trình độ cao đẳng cũng không có điều nào cấm các trường đại học đào tạo trình độ cao đẳng.

“Việc Tổng cục thông báo dừng vào thời điểm 1/7/2019 là chưa hợp lý trong khi các trường đã thông báo công khai đến người học để tuyển sinh cao đẳng từ cuối năm 2018. Chưa kể đến việc sau khi có 2 luật trên ra đời, chưa có văn bản dưới luật nào hướng dẫn các trường đại học thực hiện việc này cho đúng luật. Thông báo của Tổng cục GDNN chưa đề cập đến tính đặc thù của một số ngành như ngành dệt may khi mà nguồn cung đào tạo nhân lực trên cả nước hiện tại (tính cả đại học và cao đẳng) cũng chưa đáp ứng đủ 30% nhân lực cần thiết cho ngành dệt may”, ông Hiệp nhấn mạnh.

Nhận định về vấn đề này, ông Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) cho rằng, việc Tổng cục GDNN đưa ra thông báo ngay sát thời điểm tuyển sinh của các trường là quá gấp gáp. “Trong những văn bản chỉ đạo Nhà nước nên có những chỉ đạo linh hoạt cụ thể, có biện pháp cụ thể và có lộ trình cho các trường”, ông Vinh nhấn mạnh.

Về mặt văn bản pháp luật, ông Vinh lý giải, Luật Giáo dục Đại học năm 2012 quy định các trình độ đào tạo của giáo dục đại học gồmtrình độ cao đẳng, trình độ đại học, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ.

Luật Giáo dục Nghề nghiệp năm 2014 quy định, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp khi có đủ các điều kiện luật định. Cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp chỉ được tuyển sinh, tổ chức đào tạo khi đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, đồng thời bãi bỏ trình độ cao đẳng trong quy định nêu trên của Luật Giáo dục Đại học 2012.

Luật sửa đổi Luật Giáo dục Đại học 2018 vẫn giữ quy định "Các trình độ đào tạo của giáo dục đại học bao gồm trình độ đại học, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ".

Như vậy, trong Luật Giáo dục Đại học mới nhất không nói trường ĐH có được đào tạo trình độ cao đẳng hay không.

Trong khi đó, Luật GDNN vẫncho phép cơ sở giáo dục ĐH cũng có thể được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp (điều 19) nếu đáp ứng đủ yêu cầu. Do đó, ngay khi có thông báo dừng tuyển sinh hệ cao đẳng, nhiều trường đại học đã tỏ ra hoang mang, lúng túng.

Song bên cạnh đó, ông Hoàng Ngọc Vinh cho hay, cá nhân ông ủng hộ quan điểm của Bộ LĐ-TB-XH khi yêu cầu một số trường ĐH dừng tuyển sinh. Bởi lẽ, chất lượng giáo dục đại học hiện nay đang có nhiều vấn đề cần quan tâm. Nếu như các trường ĐH vẫn đào tạo bậc CĐ, thì đồng nghĩa với việc giảng viên ĐH phải dạy cả bậc CĐ, nhất là CĐ nghề, Bộ GD-ĐT không kiểm soát. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo đại học.

Các trường đào tạo cao đẳng nghề nếu có hệ đại học thì thường có chất lượng tốt, khi dạy cao đẳng nghề việc đào tạo cao đẳng và đại học chung vào làm một, như vậy quy hoạch mạng lưới các trường cao đẳng bị phá vỡ (học liên thông).

Trong khi đó có rất nhiều cơ sở cao đẳng không thể tuyển sinh, cơ sở vật chất ngày càng tàn tạ, thầy cô chán nản, trường không có nguồn thu. Do đó cần tiến tới độc lập trong khâu quản lý giữa đại học và cao đẳng nghề./.

Nguyễn Trang/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/yeu-cau-cac-truong-dai-hoc-dung-tuyen-sinh-he-cao-dang-co-hop-ly-938075.vov