Yêu cầu Bình Định đề xuất phương án bảo vệ di tích tháp Chăm

Nhiều ý kiến cho rằng, việc khoan đục di tích trong quần thể tháp Chăm cổ để lắp biển quảng bá du lịch không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn là hành vi xâm phạm di tích.

Tháp Đôi bị khoan vào tường gạch, bắt vít sắt thép để gắn biển giới thiệu tên di tích. (Ảnh: TTXVN)

Tháp Đôi bị khoan vào tường gạch, bắt vít sắt thép để gắn biển giới thiệu tên di tích. (Ảnh: TTXVN)

Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định đề xuất phương án bảo vệ di tích đối di tích Tháp Đôi (phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn) và cụm Tháp Bánh Ít (xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước) trong quần thể tháp Chăm cổ.

Đó là một trong những nội dung đáng chú ý tại Văn bản số 301/DSVH-DT của Cục Di sản Văn hóa gửi Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định về kiểm tra, xử lý thông tin báo chí phản ánh việc khoan đục di tích để lắp biển quảng bá du lịch tại Tháp Đôi và cụm Tháp Bánh Ít.

Công văn nêu rõ, ngày 6/5 vừa qua, Báo Thanh Niên (điện tử) đăng tải bài viết “Khoan đục tháp Chăm hàng ngàn năm tuổi để treo bảng quảng bá du lịch,” trong đó phản ánh việc Tháp Đôi, Tháp Bánh Ít bị khoan vào tường gạch, bắt vít sắt thép để gắn bảng giới thiệu tên di tích, quảng bá điểm đến cho ngành du lịch Bình Định. Dư luận bày tỏ sự bức xúc trước hình thức quảng bá nói trên, cho rằng việc này không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn là hành vi xâm phạm di tích (khi khoan thủng, gây ảnh hưởng tới kết cấu của khối gạch cổ).

Ông Đặng Hữu Thọ - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Định cho biết, những biển quảng bá nói trên tại di tích Tháp Đôi và cụm Tháp Bánh Ít do Quản lý di tích tỉnh Bình Định (thuộc Bảo tàng Bình Định) thực hiện nhằm giới thiệu tên di tích, quảng bá điểm du lịch. “Ngay sau khi báo chí phản ánh sự việc, chúng tôi đã cho tháo dỡ những biển quảng bá này trong ngày 6/5. Chúng tôi sẽ có báo cáo cụ thể gửi các cấp lãnh đạo về sự việc này,” ông Đặng Hữu Thọ cho hay.

Hệ thống sắt, thép được khoan, gắn vào tường gạch Tháp Đôi. (Ảnh: TTXVN)

Tháp Đôi là công trình kiến trúc được xây dựng từ cuối thế kỷ 12 với kết cấu hai khối liền kề. Tháp Đôi được xếp hạng di tích cấp quốc gia vào năm 1980.

Cụm Tháp Bánh Ít là một trong những cụm tháp có niên đại sớm (cuối thế kỷ XI, đầu thế kỷ XII) và là quần thể còn nhiều tháp nhất (bốn tháp) trong các di tích kiến trúc Chăm ở Bình Định. Từ năm 1982, cụm tháp này được xếp hạng là di tích cấp quốc gia./.

Điều 4 - Nghị định số 98/2010/NĐ-CP (ngày 21/9/2010) quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản Văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hóa) nêu rõ những hành vi làm sai lệch di tích:

- Làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích như đưa thêm, di dời, thay đổi hiện vật trong di tích hoặc tu bổ, phục hồi không đúng với yếu tố gốc cấu thành di tích và các hành vi khác khi chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch, tuyên truyền, giới thiệu sai lệch về nội dung và giá trị của di tích.

- Làm thay đổi môi trường cảnh quan của di tích như chặt cây, phá đá, đào bới, xây dựng trái phép và các hành vi khác gây ảnh hưởng xấu đến di tích.

An Ngọc (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/yeu-cau-binh-dinh-de-xuat-phuong-an-bao-ve-di-tich-thap-cham/568271.vnp