Yes or 'Lo'

Những dự án ngoại ngữ 9.400 tỉ, những '7 năm toàn ngữ pháp, làm bài tập, học từ vựng'..., và kết quả là 86,8% học sinh lớp 12 không có khả năng giao tiếp tiếng Anh.

Ảnh minh họa. Ảnh: VOV

ĐBQH Trần Hoàng Ngân vừa đặt ra câu hỏi trước Quốc hội: “Tại sao học sinh công lập sáng ra sợ đến trường, còn học sinh trường quốc tế thì đến trường thấy rất vui”. Và ĐBQH Cao Đình Thưởng thì băn khoăn: Vì sao nhiều học sinh không hạnh phúc.

Hãy lấy ngay môn tiếng Anh ra làm ví dụ.

Trong khi ở trường quốc tế, hay trung tâm ngoại ngữ, một từ "orange" được dạy bằng cách cho bọn trẻ con học hát về trái cam, học vẽ trái cam, và có khi ăn cam... thì ở trường phổ thông, bài học luôn ở dạng: "Orange" là trái cam, trái cam là "orange". Tuồn tuột một từ "orange", chưa ra khỏi cửa lớp có khi đã quên xong.

Sự khác biệt, nhìn thấy rất rõ, chỉ là ở sự sáng tạo trong cách dạy.

Chúng ta đang giữ cách dạy ngoại ngữ “toàn ngữ pháp” với 7 năm học toàn “đi vào phân tích, học cấu trúc, buộc phải nhớ những nguyên tắc, công thức” - nhận xét của chính các giáo viên tiếng Anh.

Chúng ta có một bộ SGK tiếng Anh được xuất bản từ năm... 1986 và dù đã sửa chữa tái bản tới 15 lần, nó vẫn đầy những bài học ngô nghê. Chẳng hạn bài “Money” (trong SGK tiếng Anh lớp 10) vẫn giữ hình minh họa bằng tờ giấy bạc 50 đồng cũ. Hay SGK lớp 11, về sự xuất hiện của computer với những kiến thức lỗi thời đến mức ngay cả cô giáo cũng phát ngượng.

Và chúng ta từng có những dự án ngoại ngữ trị giá 9.400 tỉ đồng. Kết quả là các nhà quản lý giáo dục thậm chí không trả lời nổi câu hỏi: Con tôi sau 8 năm học ngoại ngữ có dùng được không.

Kết quả của sách ấy, cách dạy ấy, tư duy ấy là: Học sinh có thể đạt điểm 8,9,10 tiếng Anh trong những... bài thi nhưng một câu xã giao ngay ngắn không nói nổi.

Kết quả, như công bố trên Tuổi trẻ: 86,8% học sinh lớp 12 không có khả năng giao tiếp tiếng Anh.

Kết quả ấy chẳng lạ. Bởi ngay chất lượng chất lượng đội ngũ giáo viên cũng đang là một câu hỏi. Một thầy giáo tiếng Anh kể trong nhiều cuộc hội thảo tiếng Anh, bản thân giáo viên còn đùn đẩy nhau vì ngại nói bởi chính bản thân họ cũng không giao tiếp nhiều. Và hôm qua, khi báo chí bàn câu chuyện phát âm l,n, một bạn đọc ví dụ thực tế thế này: Cháu mình nó bị ngọng ở đâu không biết vì cả dòng họ, địa phương khu mình ở không ai ngọng. Thậm chí nói tiếng Anh mà nó còn Yes or Lo nữa.

Học ngữ pháp, làm bài tập, học từ vựng ròng rã 7 năm học nhưng tới lớp 12, 86,8% học sinh không có khả năng giao tiếp; Tiếng Anh là một trong những môn có nhiều HS chán học nhất... Một môn học lẽ ra mới mẻ, hấp dẫn mà lại rơi vào tình trạng ấy thì bảo sao học sinh “cảm thấy không hạnh phúc”.

Anh Đào

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/yes-or-lo-640674.ldo