'Yên Tử - Ngọa Vân gắn liền với cuộc đời tu tập, hành đạo và hóa Phật của Phật hoàng Trần Nhân Tông...'

Yên Tử - Ngọa Vân vốn có sự gắn kết ngay từ lịch sử hình thành và phát triển của chúng. Nhằm có thêm những kiến giải mang tính khoa học rõ nét hơn về vấn đề này, góp phần vào quá trình bảo tồn, phát huy, kết nối các di sản tương xứng giá trị, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Văn Anh, Giảng viên Khoa Lịch sử, Trường ĐH Khoa học xã hội - Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, người từng có nhiều năm nghiên cứu sâu về các di sản kể trên.

TS Nguyễn Văn Anh (thứ 2, phải sang) giới thiệu cho các đồng chí lãnh đạo trung ương, tỉnh và địa phương về di sản nhà Trần tại Đông Triều, trong một đợt khai quật khảo cổ học. Ảnh: Ngọc Lâm (CTV)

TS Nguyễn Văn Anh (thứ 2, phải sang) giới thiệu cho các đồng chí lãnh đạo trung ương, tỉnh và địa phương về di sản nhà Trần tại Đông Triều, trong một đợt khai quật khảo cổ học. Ảnh: Ngọc Lâm (CTV)

- Yên Tử - Ngọa Vân từng được biết tới vì gắn liền với cuộc đời tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Vậy thực tế lịch sử qua các nghiên cứu của anh thì 2 di tích có mối quan hệ cụ thể như thế nào?

+ Mối quan hệ giữa Yên Tử và Ngọa Vân là mối quan hệ tự thân. Yên Tử theo cách hiểu của chúng ta hôm nay chỉ gói gọn trong Khu di tích - danh thắng Yên Tử, từ chùa Long Động (tức chùa Lân) lên đến chùa Đồng thuộc địa bàn TP Uông Bí. Không gian này thường được gọi là Hoa Yên (trước đó là Vân Yên) - Long Động. Thực tế, Yên Tử theo quan niệm xưa là một không gian rộng lớn, nơi có hàng loạt chùa tháp của Thiền phái Trúc Lâm được xây dựng, trong đó có những quần thể chùa tháp lớn, như: Hoa Yên - Long Động, Hồ Thiên - Quỳnh Lâm, Ngọa Vân, Côn Sơn - Thanh Mai... phân bố chạy dài từ Uông Bí đến Côn Sơn hiện nay.

Hơn nữa, Hoa Yên - Long Động và Ngọa Vân gắn liền với cuộc đời tu hành, hành đạo và hóa Phật của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Trong đó, Hoa Yên - Long Động là nơi Ngài tu hành đắc đạo, sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - dòng thiền thuần Việt với tinh thần nhập thế, gắn đạo với đời. Các ghi chép, nghiên cứu cho thấy, sau khi đất nước thái bình thịnh trị, Ngài đã nhường ngôi cho con trai là Trần Anh Tông, trở về hành cung Vũ Lâm - Ninh Bình làm lễ xuất gia, tập sự tu hành. Năm 1299, Ngài chính thức lên núi Yên Tử quyết chí tu hành... Còn Ngọa Vân là nơi kết thúc hành trình tu hành, thành đạo, giảng pháp và độ tăng của Phật hoàng Trần Nhân Tông, là thánh địa của Thiền phái Trúc Lâm.

Am Ngọa Vân - nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn, tại xã Bình Khê, TX Đông Triều. Ảnh: Phan Hằng

- Về địa giới hành chính, Ngọa Vân, Yên Tử hiện nằm trên địa bàn 2 địa phương khác nhau, vậy trong lịch sử thì sao? Và liệu có con đường mòn nào từng kết nối giữa 2 điểm di tích trong lịch sử không khi cả 2 đều nằm trên những ngọn núi cao của dãy Yên Tử thuộc vòng cung Đông Triều?

+ Hoa Yên - Long Động, Ngọa Vân trước thế kỷ 19 vẫn thuộc địa bàn huyện Đông Triều, khi thành lập Uông Bí, một phần của quần thể Hoa Yên - Long Động thuộc địa bàn Uông Bí.

Ngọa Vân, Hoa Yên - Long Động và những quần thể chùa tháp của Thiền phái Trúc Lâm tại Yên Tử không chỉ quan hệ chặt chẽ với nhau về mặt pháp phái mà còn được kết nối với nhau về mặt địa lý và giao thông. Các quần thể chùa tháp này luôn có các con đường liên kết với nhau. Giữa Hoa Yên - Long Động và Ngọa Vân, ngoài con đường dưới chân núi, giữa hai khu này còn được kết nối qua các con đường mòn trên núi, đường mòn này đi qua Hồ Thiên và hàng loạt các điểm chùa như Trại Cắp, Am Hoa ở xã Tràng Lương rồi đến Long Động.

- Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử có 3 vị tổ, lần lượt là Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang, phật giáo cũng rất thịnh trị dưới thời Trần. Vậy thiết nghĩ, tại sao mối quan hệ giữa các di tích lại không tính đến hệ thống chùa theo dòng Thiền phái ở Quảng Ninh và thậm chí là các tỉnh, thành khác nữa chứ không chỉ riêng Ngọa Vân - Yên Tử?

+ Như đã nói ở trên, quần thể chùa tháp Hoa Yên - Long Động, Hồ Thiên - Quỳnh Lâm, Ngọa Vân, Côn Sơn - Thanh Mai và Vĩnh Nghiêm có mối quan hệ tự thân, được hình thành và duy trì trên cơ sở sơn môn pháp phái của Phật giáo. Việc các quần thể chùa tháp này có mối quan hệ chưa thật khăng khít như hiện nay một mặt là do sự chia cắt bởi địa giới hành chính, mỗi di tích được quản lý bởi một cơ quan khác nhau và chưa chủ động mở rộng liên kết với nhau. Theo tôi, một nguyên nhân quan trọng nữa là sự suy giảm của chất kết dính, cơ sở nền tảng tạo ra mối quan hệ của các chùa tháp này là quan hệ sơn môn, pháp phái đã bị suy giảm. Do vậy, để kết nối lại các di tích này cần kết nối trên ba phương diện: Quản lý, giao thông và sơn môn pháp phái.

Tháp Huệ Quang, một trong những nơi đặt xá lị của Phật hoàng Trần Nhân Tông, cũng là nơi còn lưu lại những dấu vết kiến trúc thời Trần tại Yên Tử. Ảnh: Phan Hằng

- Giữa Ngọa Vân - Yên Tử có vị trí, ý nghĩa khác biệt, vậy thì sự đầu tư trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích này theo ý kiến cá nhân anh nên theo hướng nào để thể hiện rõ sự khác biệt đó?

+ Sự đầu tư với Ngọa Vân, Yên Tử không chỉ cần sự khác biệt mà còn cần sự đặc biệt nữa. Bởi vì, nơi đặc biệt nhất của Yên Tử xưa là Ngọa Vân, còn nơi đặc biệt nhất của Ngọa Vân là am Ngọa Vân - điểm kết thúc hành trình tu hành, đắc đạo của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Vì vậy, việc đầu tư cũng phải toát lên được ý nghĩa đó, thông qua 2 yếu tố. Thứ nhất là về nội dung, phải đầu tư nghiên cứu kỹ giá trị của nó để quảng bá giá trị đó mạnh hơn. Thứ hai là về hình thức, khi người ta đến với Ngọa Vân, người ta phải biết Trúc Lâm Yên Tử khác các tông phái khác bởi cái gì, cả về mặt nội dung và hình thức. Ví dụ như về quy hoạch xây dựng, các chùa theo dòng Trúc Lâm Yên Tử, vì là phái thiền nên bao giờ cũng sẽ có cấu trúc của khu tịnh thất - khu dành riêng cho việc tu học của sư tăng.

Thêm nữa, nói về Trúc Lâm là nói về thời Trần, nhưng cho đến nay chúng ta chưa có 1 công trình kiến trúc nào cho người ta thấy bóng dáng chùa tháp thời Trần như thế nào, cả ở Ngọa Vân và Yên Tử đều không có. Với Yên Tử hiện nay thì không còn cơ hội làm việc đó nhưng ở Ngọa Vân thì khác, vì vậy cần cố gắng để có những điểm nhấn kiến trúc cho Ngọa Vân.

- Hiện nay đã có tuyến đường nối giữa Yên Tử - Hồ Thiên - Ngọa Vân, theo anh liệu có cần thêm sự kết nối nào khác nữa không để các khu di tích có sự phát triển tương xứng với giá trị lịch sử?

+ Tuyến đường kết nối Ngọa Vân - Hồ Thiên và Yên Tử hiện nay là tuyến giao thông quan trọng và chắc chắn sẽ góp phần thúc đẩy sự kết nối và phát triển của hai khu di tích. Tuy nhiên, việc kết nối ấy là chưa đủ. Việc kết nối các di tích lớn của Thiền phái Trúc lâm đã được các nhà khoa học đề xuất ngay từ năm 2008, theo đề xuất đó cần xây dựng các trục giao thông kết nối các khu di tích lớn: Yên Tử, Ngọa Vân, Hồ Thiên, Thanh Mai, Côn Sơn - Kiếp Bạc và Hạ Long. Trục giao thông kết nối Ngọa Vân - Hồ Thiên và Yên Tử hiện nay chính là hiện thực hóa đề xuất đó. Tuy nhiên, để kết nối và phát huy tốt các giá trị di tích thì cần hoàn thiện kết nối Ngọa Vân - Hồ Thiên - Yên Tử với các di tích Côn Sơn, Thanh Mai, Kiếp Bạc. Thêm nữa, cần xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hạ Long chạy qua Hải Dương, Đông Triều, Uông Bí để kết nối các khu di tích này với các trung tâm lớn Hà Nội, Hạ Long.

Nói đến việc xây dựng các trục giao thông kết nối các di tích, tôi cũng muốn nói thêm rằng, khi thiết kế xây dựng cần chú ý đến việc bảo vệ cảnh quan, để làm sao, đó không chỉ là con đường mà còn phải là một cơ hội để du khách cảm nhận sự hùng vĩ của núi thiêng Yên Tử, tránh việc xâm phạm cảnh quan môi trường như tuyến đường Ngọa Vân - Yên Tử đã làm.

- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Phan Hằng (Thực hiện)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/201904/yen-tu-ngoa-van-gan-lien-voi-cuoc-doi-tu-tap-hanh-dao-va-hoa-phat-cua-phat-hoang-tran-nhan-tong-2436617/