'Yên Tử có một không gian văn hóa tâm linh hết sức hấp dẫn'

Giáo sư- Tiến sĩ Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, hiện công tác tại Viện Nghiên cứu Văn hóa, là một chuyên gia nghiên cứu về lễ hội. Nhân dịp giáo sư đến Quảng Ninh dự một hội thảo khoa học về Yên Tử, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc trò chuyện với ông xung quanh việc lập hồ sơ di tích - danh thắng Yên Tử trình UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Giáo sư - Tiến sĩ Lê Hồng Lý.

Giáo sư - Tiến sĩ Lê Hồng Lý.

- Thưa giáo sư, trong quá trình nghiên cứu về Yên Tử, ông đặc biệt chú ý đến những giá trị nổi trội nào?

+ Yên Tử luôn là điểm đến lý tưởng của du khách, không chỉ vì là một khu di tích nổi tiếng, mà còn là một vùng sinh thái lý tưởng đối với con người hiện đại. Yên Tử có hàng chục ngôi chùa và hàng trăm tháp, am nằm rải rác trong một không gian rộng lớn của núi rừng hùng vĩ. Ngoài ngọn tháp cổ cao ba tầng bằng đá và rừng tháp gắn liền với biết bao huyền thoại về vị vua Trần, thì một điều hấp dẫn khách hành hương là những chùa, am, tháp ẩn hiện trong rừng núi làm người ta khi leo núi vừa đến lúc mệt lại hiện ra một di tích, vậy là mọi mệt nhọc lại tiêu tan bởi sự háo hức khám phá bất ngờ. Mỗi di tích đều kèm theo nhiều giai thoại hay những câu chuyện lịch sử có thật càng làm cho du khách thêm tò mò, thích thú.

Môi trường sinh thái Yên Tử là tiềm năng cho lễ hội duy trì và phát triển. Đương nhiên, mỗi lễ hội hay danh lam thắng cảnh đều có tiềm năng riêng của nó. Song, ở Yên Tử quy mô của nó khác hẳn ở chỗ nó không chỉ đẹp về cảnh quan, mà hấp dẫn bởi môi trường sinh thái với rừng trúc, với những rừng thông, những cây tùng cổ thụ xen kẽ trong các di tích tôn giáo.

Từ những triết lý của Phật giáo, qua trí tuệ mẫn tiệp một vị vua anh minh của một trong những triều đại huy hoàng nhất trong lịch sử Việt Nam, một dòng Phật giáo riêng của Việt Nam xuất hiện – dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Nó đã tồn tại hơn 700 năm và vẫn đang tồn tại hay cũng có thể nói từ triết lý Phật giáo ấy mà các di tích và các sinh hoạt văn hóa xuất hiện vừa bổ trợ vừa làm cho Phật giáo ấy phong phú thêm, góp phần tích cực vào đời sống tín ngưỡng và văn hóa của người dân đất Việt. Nó đã và đang được các thế hệ người Việt vun đắp, phát triển thêm để gìn giữ truyền thống tổ tiên và cũng làm sinh động cho cuộc sống hiện tại.

- Trong tất cả những giá trị nổi trội của Yên Tử như vừa kể, theo giáo sư, ta nên khai thác theo hướng nào?

+ Di tích và cảnh quan của toàn bộ dãy Yên Tử thực sự có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, kiến trúc và tâm linh đối với Việt Nam, đã ăn sâu vào tâm thức của mỗi người dân đất Việt. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng điều này là đối với chúng ta; còn để danh thắng này được thế giới công nhận theo những quy chuẩn quốc tế thì lại là chuyện khác. Những điều quy định của Công ước về việc bảo vệ di sản văn hóa và tự nhiên của thế giới, của UNESCO thì Yên Tử đều có, đều được chúng ta coi trọng và tôn vinh nhưng vấn đề ở chỗ là có giá trị nổi tiếng toàn cầu hay không đối với thế giới thì sẽ là một thách thức để thuyết phục các chuyên gia của UNESCO. Bởi vậy, từ kinh nghiệm hồ sơ Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, chúng tôi nghĩ đến Không gian văn hóa Yên Tử (hay Không gian văn hóa tín ngưỡng Yên Tử hay Không gian văn hóa tâm linh Yên Tử).

Theo Giáo sư Lê Hồng Lý, mỗi di tích ở Yên Tử đều kèm theo nhiều giai thoại hay những câu chuyện lịch sử có thật càng làm cho du khách thêm tò mò, thích thú.

- Không gian văn hóa Yên Tử có sức bao quát ra sao, thưa giáo sư?

+ Không gian văn hóa Yên Tử sẽ bao trùm tất cả các giá trị văn hóa của Yên Tử. Như vậy phải chăng sẽ dễ thuyết phục các học giả quốc tế hơn chăng? Vả lại khi đặt vấn đề không gian văn hóa có tính tổng hợp, bao quát và đa dạng của nó lại càng lớn hơn. Một điều vô cùng quan trọng đó là khi đề cập đến không gian văn hóa Yên Tử chúng ta sẽ lấy dãy Yên Tử làm xương sống để tập hợp tất cả các giá trị văn hóa xung quanh nó của cả 3 tỉnh: Hải Dương, Bắc Giang và Quảng Ninh. Như vậy rất phù hợp với mục đích là dùng văn hóa để kết nối các khu vực địa lý và các cộng đồng dân cư khác nhau liên quan đến nó, tôn trọng sự đa dạng văn hóa của từng địa phương. Trong những nội dung kể trên thì chỉ riêng di sản văn hóa phi vật thể đã đa dạng và phong phú chưa kể đến các di sản vật thể và danh thắng khác. Ở đây, tôi chỉ xin dừng lại ở một loại hình để thấy được sự phong phú của không gian văn hóa Yên Tử đó là lễ hội dân gian.

- Giáo sư có thể nói rõ hơn về điều này?

+ Theo không gian của dãy Yên Tử thì lễ hội dân gian trong khu vực này không chỉ thuộc khu vực Yên Tử mà còn là một hệ thống chuỗi lễ hội suốt dãy Yên Tử trải qua các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang và Quảng Ninh. Vì thế, lễ hội dân gian cũng như các loại hình khác không dừng lại ở một điểm mà trải rộng trên một không gian lớn và có sự kết nối giữa các nơi để thành một không gian văn hóa tâm linh hết sức hấp dẫn.

Hơn nữa, các lễ hội này không phải chỉ là những lễ hội tôn giáo đơn thuần như hành hương về nơi đất Phật mà là rất nhiều lễ hội dân gian diễn ra xung quanh khu vực này để tạo nên một không gian văn hóa tín ngưỡng hấp dẫn và linh thiêng lôi kéo người hành hương khắp mọi miền đất nước. Có thể bắt đầu từ Côn Sơn- Kiếp Bạc của Hải Dương sang Đông Triều, Uông Bí kéo dài tiếp qua các địa phương của Quảng Ninh. Còn có cả một phần phía Tây đó là Tây Yên Tử của Bắc Giang cũng kết nối với các khu vực khác của Bắc Giang giống như phía Hải Dương và Quảng Ninh.

Riêng ở Quảng Ninh có thể điểm ra các lễ hội như: Lễ hội đền An Sinh, lễ hội của các làng ven dãy Yên Tử, lễ hội chùa Ba Vàng. Kết nối với các lễ hội theo dãy Yên Tử là nhiều lễ hội khác liên quan đến nhà Trần trên đất Quảng Ninh như: Lễ hội Bạch Đằng, lễ hội chùa Long Tiên, lễ hội đền Cửa Ông, lễ hội chùa Cái Bầu v.v.. Như vậy, nếu khai thác ở khía cạnh không gian văn hóa dù nói chung hay không gian văn hóa tâm linh nói riêng thì cũng là tập hợp được rất nhiều giá trị văn hóa của Quảng Ninh nói riêng, của các địa phương khác liên quan đến khu vực Yên Tử nói chung.

- Bên trên giáo sư đã đề cập đến lễ hội hành hương Yên Tử. Nếu chúng ta tổ chức được một lễ hội hành hương theo đúng con đường mà Phật hoàng đã đi thì sẽ có ý nghĩa như thế nào?

+ Nếu chúng ta khôi phục được con đường hành hương ngày xưa đức Phật hoàng đã đi thì quá tốt. Đó là mơ ước. Thực tế, phải thẳng thắn nói rằng, Yên Tử có những di tích đã bị công trình hiện đại chồng lấn lên. Trong khi đó UNESCO lại chú trọng đến những di tích nguyên gốc. Vì thế, nếu chúng ta khôi phục được thì quá tốt. Nếu chúng quan tâm đến văn hóa phi vật thể thì dần dần người ta sẽ hiểu biết hơn rồi quay lại trải lại những dấu xưa của lịch sử. Cái đó tôi cho là rất tốt.

Giáo sư Lê Hồng Lý mong muốn tổ chức lễ hội hành hương Yên Tử theo con đường Phật hoàng đã đi.

- Ở Yên Tử những năm qua còn có một lễ hội khác, lễ hội hiện đại tôn vinh loài hoa mai vàng đặc hữu. Giáo sư đánh giá như thế nào về điều này?

+ Bây giờ, UNESCO quy định cả những cái gì mà cộng đồng làm ra dù có mới đi chăng nữa cũng vẫn được công nhận. Cho nên di sản mới do dân tự sáng tạo ra người tham gia là dân chúng là cộng đồng thì hoàn toàn được công nhận. Như thế, bên cạnh một lễ hội xuân truyền thống chúng ta còn có một lễ hội mai vàng Yên Tử. Cái đó là sự sáng tạo của cộng đồng và cái đó hoàn toàn được công nhận. Vấn đề là chúng ta tổ chức lễ hội thế nào mà thôi.

- Nếu hoàn thiện hồ sơ theo hướng di sản văn hóa phi vật thể cho Yên Tử như trên đã nói thì phải mất bao lâu thưa giáo sư?

+ Hiện nay, tư liệu về Yên Tử Quảng Ninh đã làm rồi. Nếu chúng ta làm di sản văn hóa phi vật thể tôi nghĩ phải cần một năm để chuẩn bị hệ thống hóa những tư liệu mà ta đã có.

- Theo giáo sư, nếu Yên Tử được UNESCO công nhận danh hiệu di sản văn hóa thế giới thì sẽ có ý nghĩa như thế nào?

+ Lợi ích rất lớn. Thế giới sẽ biết đến Quảng Ninh bên cạnh một Vịnh Hạ Long nổi tiếng rồi chúng ta có thêm một Yên Tử. Thứ hai là kéo theo sinh hoạt của cả một cộng đồng. Thực tế, thì trước đây Yên Tử đã có giờ lại được công nhận danh hiệu thì bản thân danh hiệu đạt được sẽ như một tấm lá chắn bảo vệ cho Yên Tử. Rồi thì kéo theo rất nhiều vấn đề khác về du lịch, văn hóa, kinh tế - xã hội phát triển.

Các di sản vật thể của Yên Tử đều rất xứng đáng nhưng nếu so với bình diện thế giới thì cái gì phải thật nổi trội, thậm chí là phải duy nhất thì mới được. Làm hồ sơ di sản thế giới cho Yên Tử, theo tôi nghĩ nó cũng giống như một cuộc thi nếu được loại hình di sản văn hóa phi vật thể thì sẽ kéo theo rất nhiều cái khác. Mà Yên Tử đâu chỉ có riêng ở Uông Bí nó là một vệt kéo dài từ Hải Dương ra Quảng Ninh sang Bắc Giang. Di sản văn hóa phi vật thể đó là lễ hội, phong tục, tập quán, các nghề thủ công... Rồi chủ thể sở hữu di sản là cái mà UNESCO rất quan tâm. Đó là cộng đồng các dân tộc cả những người đang sống xung quanh ở Yên Tử nữa.

- Trân trọng cảm ơn giáo sư về cuộc trò chuyện này!

Phạm Học (Thực hiện)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/202009/yen-tu-co-mot-khong-gian-van-hoa-tam-linh-het-suc-hap-dan-2499782/