Yên Tử - Chốn linh thiêng ngàn năm

Tạm quên bao khó khăn, mệt mỏi của cuộc sống đời thường, ta hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp Yên Tử - nơi rừng đại ngàn bao phủ, hàng Tùng ngàn năm tuổi, rừng trúc mai vàng chốn phật linh thiêng.

Yên Tử chính là nơi trở về, nơi xa rời sự náo nhiệt lo toan, nơi tâm hồn thênh thang trong mỗi con người. Rừng trúc vẫn còn đó, và những thân đại già nua vẫn nở những bông hoa thơm tinh khiết, suối Giải Oan vẫn rì rầm lời kinh sám hối như những lời tự tình sâu kín… Nơi thiên nhiên mang lại cho ta những thứ trong lành nhất, nơi đây ta có thể cảm nhận được rõ ràng nhất bốn mùa trong cùng một lúc.

Về Yên Tử mùa này trăm hoa đua nở của mùa xuân khi ta đặt chân đến đây, nóng nực đổ mồ hôi của mùa hè khi cố gắng vượt qua những bậc đá lên với đỉnh thiêng Yên Tử, từng làn gió mát mơn trớn lên da thịt sau mỗi bước ta đi cho ta nhận ra sắc thu và nơi đây đứng giữa đại ngàn cảm nhận được cái mênh mang, tĩnh mịch làm ta giật mình lạnh buốt như tiết trời mùa đông. Nơi đây, nơi ta có thể quên hết những lo toan cuộc đời, vẫn tĩnh tại phiêu diêu nơi đỉnh Phù Vân, thoát duyên trần thế mới cảm thấy được chất Thiền.

Hàng Tùng nghìn năm tuổi.

Xưa kia, đường lên đỉnh Yên Tử chỉ có cách duy nhất là đi theo đường bộ, giờ du khách có thêm một sự lựa chọn theo đường cáp treo hiện đại, nơi bạn có thể ngắm nhìn thiên nhiên hùng vĩ, rừng cây xanh mướt phía dưới tầm mắt của bạn, đắm mình với thiên nhiên từ trên cao. Tuy vậy, nhiều người vẫn chọn con đường leo bộ ngày xưa để có thể chậm rãi thăm thú tất cả những gì mà thiên nhiên đất trời tạo lập nơi đây, mỗi bước chân ta như được nâng được đỡ bởi niềm tin hướng về với Phật, với chính sức mạnh trong mỗi chúng ta, hay như nhiều khách hành hương vẫn thường nói leo bộ để kiểm tra sức khỏe khi ta tìm về cội nguồn. Tin rằng vùng đất này sẽ cho con người thêm sức lực, sự thanh thản và tự tin vào cuộc sống.

Chùa Đồng Yên Tử.

Đây là nơi ra đời Thiền phái Trúc Lâm do Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập, trên cơ sở tiếp thu và kế thừa những tinh hoa của Phật giáo Ấn Độ và Phật giáo Trung Hoa; một dòng Thiền nhập thế, mang đậm bản sắc dân tộc. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử chỉ ra rằng: Phật ở ngay trong Tâm mình, không phải ở đâu trên cõi trời xa xôi, không hẹn kiếp khác. Đức Phật chỉ là Người thầy dẫn đường, không phải thánh thần ban phước, giáng họa. Nếu để cho Tâm mình an định, sáng suốt, buông mọi vọng niệm, tham-sân-si... để sống với bản tâm an nhiên thanh tịnh thì trí sáng, tuệ giác phát sinh, vô minh phủi sạch, khổ đau chấm dứt, sẽ giác ngộ thành Phật. Phật chính là mình, không phải cầu tìm ở bên ngoài.

Với quan điểm ấy, Thiền phái Trúc Lâm thực sự lấy con người làm gốc, tôn trọng và đề cao giá trị của con người. Thực hành thập thiện theo chủ trương của Thiền phái Trúc Lâm đã trở thành chuẩn mực đạo đức, trở thành nền tảng tư tưởng và đạo đức của một giai đoạn hoàng kim thời Trần lúc bấy giờ.

Đường lên chùa Đồng – Yên Tử.

Dấu tích lịch sử văn hóa hiện tồn ở Yên Tử là hàng trăm ngôi tháp thờ xá lợi thiền sư; hàng chục nền móng chùa, am thời Trần - Lê phía dưới những ngôi chùa được phục dựng; hàng nghìn di vật cổ: tượng, chuông, bia đá, ngói, gạch, sứ, sành… với những họa tiết, hoa văn, kiến trúc độc đáo và sáng tạo.

Về Yên Tử, ta lạc vào một miền cổ tích với những huyền thoại, truyền thuyết về Ông Vua hóa Phật, về Cõi Thiêng Yên Tử, ta về với Cõi Tiên, Cõi Phật - nơi con người tu thành Phật. Tương truyền, hơn hai ngàn năm trước, Yên Kỳ Sinh về núi này tu Tiên, hái lượm cây thuốc, luyện thần dược trường sinh bất lão và chữa bệnh cứu người, khi mất đã hóa thành tượng đá, tên gọi “thầy Yên” thành “Yên Tử”. Gần một nghìn năm qua, đây là nơi tu hành, thành đạo của của các bậc anh hào hiền lương mà cuộc đời, sự nghiệp đã trở thành bất tử.

Yên Tử, nơi ông vua hiển Phật. Đức Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông (1258 - 1308) làm vua ở tuổi 20. Sau khi tập hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, hai lần đánh thắng giặc Nguyên Mông - đội quân hùng mạnh nhất thời ấy, Ngài thực hiện thành công các cuộc hòa giải, xây dựng đất nước Đại Việt thịnh vượng. Từ bỏ ngôi vua ở tuổi 35, Ngài về hành cung Vũ Lâm rồi lên Yên Tử tu khổ hạnh. Từ chức vị cao sang nhất, vua Trần trở về ngôi tôn quý của Nhà Phật. Ngài mất ở am Ngọa Vân trên dãy núi Yên Tử. Ngôi tháp Huệ Quang thờ xá lợi của Ngài.

Về Yên Tử, ta về nơi đất phúc địa linh, nơi hội tụ khí thiêng sông núi, được người xưa tôn kính ghi vào điển thờ. Nhiều người tin những quả núi lâu đời như Yên Tử có lực từ trường rất lớn, làm tăng thêm lực cho dòng lưu nhân điện trong thân thể những người ngồi thiền, luyện thân và tâm trên núi đó. Núi rừng Yên Tử, cũng là nơi dung dưỡng tinh thần, giúp ta có được sự bình an, thanh thản, trở về bản tâm chân thật của chính mình.

Mai vàng Yên Tử.

Đến nơi đây du khách còn được đắm mình với sắc Mai vàng, bạn có còn dịp trải lòng hòa quyện với cảnh vật thiên nhiên, được ngắm và hít thở thứ hương thơm lan tỏa đến nhẹ nhàng và thanh khiết từ một loài hoa có tên là mai vàng. Mai vàng Yên Tử độc đáo, tượng trưng cho sự cao thượng, vinh hiển, cao sang và may mắn

Mai vàng Yên Tử - dịu dáng sắc xuân.

Không gian Yên Tử mờ ảo sương mù quyện với khói nhang bồng bềnh. Gió quất mạnh vào người hành hương, kéo họ xuống như một sự thử thách cái tâm hướng Phật, rồi gió lại nâng bước chân người lên đến đỉnh một cách nhẹ nhàng. Tiếng gió vi vu va đập vào những phiến đá phát ra âm thanh trầm bổng du dương như đang trình diễn một bản nhạc thiên nhiên không dứt. Gió dữ dội là thế, nhưng lại hiền hòa, sự tĩnh tại, cô đọng của cả không gian và thời gian, sự trang nghiêm nơi đất Phật trong khoảng khắc nào đó đã đẩy lui những ưu tư, phiền muộn đời thường ra khỏi con người bụi bặm.

Việt Hưng

Nguồn Ngày Nay: http://www.ngaynay.vn/yen-tu-chon-linh-thieng-ngan-nam-p216198.html