Yên Thế - Bắc Giang: Cần hiểu đúng bản chất vụ kiện hành chính lớn nhất tỉnh

Sau gần 1 tháng kể từ phiên xét xử ngày 29/10, TAND tỉnh Bắc Giang chuẩn bị tuyên án vụ việc liên quan tới 147 hộ dân khởi kiện một quyết định hành chính của UBND tỉnh Bắc Giang. Đây được coi là vụ án hành chính lớn nhất từ trước đến nay ở tỉnh này.

Theo điều tra của phóng viên, ngày 27/01/2015, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định số 35/QĐ-UBND, cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Yên Thế thuê rừng gắn với thuê đất lâm nghiệp để sản xuất kinh doanh lâm nghiệp tại huyện Yên Thế. Người dân 10 xã, thị trấn cho rằng quyết định này đã gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Quyết định 35 của UBND tỉnh Bắc Giang

Theo một số người dân, UBND tỉnh Bắc Giang đã “tước đoạt” những diện tích rừng của họ đang trồng để cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Yên Thế thuê trong khi họ là những người ngày ngày bám trụ với rừng lại không được giao quyền sử dụng đất(?).

Được biết, năm 1963, Lâm trường Yên Thế được giao quản lý trên 15.750 ha rừng nguyên sinh. Tuy nhiên, từ năm 1963 đến 1993, việc quản lý rừng của Lâm trường Yên Thế quá lỏng lẻo, rừng nguyên sinh bị tàn phá thảm hại. Nhiều khoảnh rừng chỉ còn đất trống, đồi núi trọc. Chính vì vậy, người dân địa phương đã phủ những khoảnh đất trống đó để trồng ngô, khoai, sắn, đỗ… phát triển kinh tế gia đình ổn định trong nhiều năm.

Đất đã được người dân canh tác lâu năm

Cũng trong khoảng thời gian đó, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt (nay là Thủ tướng Chính phủ) tại Quyết định số 327-CT ngày 15/9/1992 về “một số chủ trương, chính sách sử dụng đất trống, đồi núi trọc, rừng, bãi bồi ven biển và mặt nước” lấy hộ gia đình làm đơn vị sản xuất để ổn định các bản đã định canh, định cư để chuyển người dân sang định canh làm nghề rừng, trồng cây công nghiệp, cây lương thực nên UBND tỉnh Hà Bắc có Quyết định số 745/CT ngày 07/8/1993 thu hồi 9.170ha diện tích đất rừng của Lâm trường Yên Thế để chuyển sang cho người dân địa phương. Lúc này, Lâm trường Yên Thế chỉ còn lại hơn 6.580ha.

Để thực hiện các Quyết về trồng mới 5 triệu ha rừng và Quyết định về chính sách quản lý và sử dụng rừng trồng bằng nguồn vốn tài trợ của chương trình lương thực thế giới (PAM) và chủ trương của Chính phủ triển khai “giao đất, giao rừng cho người dân nhằm phủ xanh đất trống, đồi núi trọc”. Những hộ dân đã thực hiện trồng rừng, chăm sóc bảo vệ và có các hợp đồng giao khoán với Lâm trường Yên Thế trên phần diện tích đất trước đây trồng sắn, khoai vừng, đỗ và lúa nương của mình không phải nộp thuế, không những vậy họ còn được nhận tiền hỗ trợ của Ban Quản lý Dự án PAM. Việc trồng rừng theo các dự án trên đất của người dân được thực hiện bằng hợp đồng giao khoán 5 năm, 10 năm và có cả hợp đồng 50 năm chăm sóc bảo vệ và khai thác rừng.

Tính từ năm 1993 đến năm 2015, UBND tỉnh Hà Bắc (UBND tỉnh Bắc Giang sau này) đã 5 lần ban hành các Quyết định thu hồi đất lâm nghiệp của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Yên Thế để giao cho địa phương quản lý và Công ty này chỉ còn 2.237,5ha đất rừng được giao quản lý. Nếu cộng thêm 655,7ha đất rừng được UBND tỉnh Bắc Giang giao lại theo Dự án PAM (dự án 661) tại Quyết định số 144/QĐ-UBND ngày 31/12/2009 thì tổng diện tích đất rừng mà Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Yên Thế được giao là 2.893,2 ha.

Ngày 27/01/2015, UBND tỉnh Bắc Giang ký Quyết định số 35/QĐ-UBND cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Yên Thế thuê rừng gắn với thuê 1.837,66 ha đất trên diện tích của 10 xã, thị trấn bao trùm vào số diện tích mà bao năm qua người dân cải tạo, trồng rừng theo Dự án 327; Dự án PAM và Dự án 661.

Các hộ dân cho rằng: Trình tự, thủ tục ban hành Quyết định số 35/QĐ-UBND đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật bởi theo quy định tại Điều 53, Luật Đất đai 2013 về giao đất, cho thuê đất đối với đất đang có người sử dụng cho người khác thì: "Việc Nhà nước quyết định giao đất, cho thuê đất đối với đất đang có người sử dụng cho người khác chỉ được thực hiện sau khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi đất theo quy định của Luật này và phải thực hiện xong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật". Như vậy, đối với đất đang có người sử dụng thì trước khi cho người khác thuê, Nhà nước phải thực hiện thủ tục thu hồi, bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, như trên đã trình bày, các hộ dân được Nhà nước giao đất rừng và đã cấp sổ xanh 30 năm (sổ xanh là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do lâm trường cấp để quản lý, khai thác và trồng rừng có thời hạn) nhưng Nhà nước chưa thực hiện việc thu hồi đất của họ mà đã cho Công ty Lâm nghiệp Yên Thế thuê là trái quy định của pháp luật.

Trao đổi với PV về vấn đề này, đại diện sở TN&MT tỉnh Bắc Giang cho biết: Trong tổng số diện tích 1.837,66 ha đất được UBND tỉnh chuyển từ giao đất sang cho thuê đất tại Quyết định số 35/QĐ-UBND ngày 27/01/2015 cơ bản đều có rừng trồng trên đất. Trong đó, có 71,3 ha rừng trên đất chuyển sang cho thuê là rừng được hình thành do vốn ngân sách Nhà nước đầu tư theo các Dự án 327, Dự án 661, do đó đã chuyển sang thuê rừng. Diện tích rừng còn lại do Công ty đầu tư trồng nên không phải chuyển sang thuê rừng. Trình tự thủ tục thuê đất, thuê rừng là thực hiện việc hoàn thiện thủ tục theo chủ trương của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới tổ chức hoạt động của các Công ty lâm nghiệp chứ không phải làm thủ tục cho thuê rừng theo dự án mới đầu tư. Do đó việc chuyển từ rừng giao sang rừng cho thuê là thực hiện theo Điều 7 Thông tư số 07/2011/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 29/01/2011 của Liên Bộ Nông nghiệp - Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Theo Luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty luật Thiên Minh (Đoàn Luật sư Hà Nội): Căn cứ Điều 5 của Luật Đất đai quy định về người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này. Như vậy, trong trường hợp này người sử dụng đất hợp pháp theo quy định của Luật Đất đai là Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Yên Thế (đã được Nhà nước giao đất từ năm 1963 và các Quyết định sau này của UBND tỉnh); không phải là các hộ gia đình, cá nhân đang nhận khoán trồng rừng với Công ty. Do đó, khi thực hiện cho thuê đất không phải thực hiện thu hồi đất theo quy định tại Điều 53 của Luật Đất đai.

Đối với việc cấp sổ lâm bạ (sổ bìa xanh) và thu hồi sổ lâm bạ. Theo đại diện của UBND huyện Yên Thế và Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Yên Thế, việc này như sau: Thực hiện Quyết định số 327/QĐ-CT ngày 15/9/1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về một số chủ trương, chính sách sử dụng đất trống, đồi núi trọc, rừng, bãi bồi ven biển và mặt nước; cơ quan Kiểm lâm cùng với Lâm trường Yên Thế, UBND các xã, các cơ quan chuyên môn trên địa bàn huyện Yên Thế đã tiến hành giao đất cho nhân dân địa phương thực hiện dự án (Dự án 327) và tham mưu cho UBND huyện cấp Sổ lâm bạ (sổ bìa xanh) cho người dân tham gia dự án. Trong diện tích giao các hộ thực hiện Dự án 327 có nhiều diện tích đất Lâm trường đã được UBND tỉnh giao đất trước đây.

Năm 1996, thực hiện Nghị định số 01/CP ngày 04/01/1995 của Chính phủ quy định về việc giao khoán đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp...trong các doanh nghiệp Nhà nước; sau khi tiến hành rà soát, do diện tích các hộ được cấp sổ bìa xanh trước đây có nhiều diện tích nằm trong diện tích Lâm trường đã được giao quản lý, sử dụng. Vì vậy, Lâm trường Yên Thế đã đề xuất và UBND huyện Yên Thế đã ban hành Công văn số 206/UB ngày 18/5/1996 thu hồi Sổ lâm bạ đã cấp cho các hộ trước đây để thay bằng Hợp đồng khoán giữa Lâm trường với các hộ.

Việc thu hồi "Sổ bìa xanh" do Lâm trường thực hiện; cơ bản các hộ đã chấp hành và đã chuyển sang ký Hợp đồng nhận khoán với Lâm trường dưới hình thức khoán theo chu kỳ hoặc khoán theo công đoạn sản xuất từ nhiều năm nay. Việc thu hồi "Sổ bìa xanh" xuất phát từ nhận thức diện tích đất các hộ được cấp sổ thuộc quyền quản lý của Lâm trường, nay phải chuyển sang ký Hợp đồng giao khoán.

Bích Động - Yên Thế

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/yen-the--bac-giang-can-hieu-dung-ban-chat-vu-kien-hanh-chinh-lon-nhat-tinh-d2057526.html