Yến ngoại kém chất lượng 'đội lốt' hàng Việt tuồn vào thị trường, kéo giá yến sào Việt Nam rớt thê thảm

Covid-19 khiến các hộ nuôi yến khó tiêu thụ yến, giá giảm, trong khi đó yến ngoại kém chất lượng cũng đội lốt hàng Việt tuồn vào thị trường, khiến cho giá yến sào Việt Nam bị rớt giá thê thảm. Thị trường yến sào cũng điêu đứng do đại dịch Covid-19.

Thị trường yến sào điêu đứng trong đại dịch Covid-19

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nghề nuôi yến ở các nước Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng đang bị ảnh hưởng nặng nề. Theo ông Phạm Duy Khiêm, Chủ tịch Hội Yến sào Phú Yên, giá mua yến xô trước dịch Covid-19 là 17-20 triệu đồng/kg, thì hiện đang giảm ở mức 15-17 triệu đồng/kg. Nghề nuôi yến cũng bị ảnh hưởng không nhỏ, giống như hàng loạt các ngành hàng khác.

Theo ý kiến của một số người nuôi yến, giá yến hạ giá là tất yếu, vì ở các quốc gia có nghề yến sào phát triển đều tập trung khai thác thị trường lớn nhất là Trung Quốc và các nước có cộng đồng người Hoa sinh sống. Do đại dịch, yến sào không xuất khẩu đi được nên dẫn đến bị ùn lại trong nước và hạ giá là điều không tránh khỏi. Đó là chưa kể các nước Đông Nam Á có nghề nuôi yến như Malaysia, Indonesia cũng bị ùn ứ hàng không tiêu thụ được, dẫn đến nhiều tiểu thương ở các nước Đông Nam Á đã tuồn hàng sang Việt Nam kéo theo giá thị trường lại càng giảm sâu.

“Theo Hiệp hội yến sào Malaisia từ đầu năm 2020 tới giờ họ chỉ xuất khẩu được 1,1 tấn yến xô, thay vì vài chục tấn ở cùng kỳ năm trước khi chưa có dịch. Thị trường Trung Quốc là thị trường xuất khẩu yến chủ lực, do đó khi Trung Quốc gặp đại dịch, thiên tai, cộng với chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã khiến sản lượng yến xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh”, ông Phạm Duy Khiêm cho biết.

Về việc một số công ty đang thu gom mua yến với giá rẻ, ông Phạm Duy Khiêm cho hay, đúng là do ảnh hưởng của dịch nên giá của tổ yến trong nước cũng giảm xuống do mất cân bằng cung và cầu trong ngắn hạn vì kinh tế suy thoái. Thực chất nhu cầu thị trường trong dài hạn đối với sản phẩm yến sào vẫn còn rất lớn do người tiêu dùng có khuynh hướng chú trọng vào các sản phẩm sức khỏe và làm đẹp.

Giá tổ yến tại Việt Nam giảm do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu nhất vẫn là do hàng nhập khẩu đội mác yến Việt Nam tràn về nhiều hơn trước. Trước đây có nhiều thời điểm mỗi khi tổ yến xuống giá đều do yến từ Indonesia và Malaysia tràn vào. Ở nước ngoài, những tổ yến đạt chất lượng đều tìm đường qua Trung Quốc, còn những tổ yến dưới sàn (yến không đạt chuẩn) như: Yến vụn, yến bể, yến loại... đều có người từ Việt Nam qua gom về.

Thực chất ở thị trường Việt Nam hiện nay, yến sào loại ngon nhất (super) vẫn giá rất cao, trên 30 triệu đồng/kg, yến xấu hơn (về hình thức) thì giá có giảm do bị yến nhập từ nước ngoài cạnh tranh. Vốn dĩ yến Việt Nam được đánh giá chất lượng cao nhất thế giới, giá bán cũng rất cao nên nhiều xưởng tại Việt Nam gom hàng từ nước ngoài gia công tại Việt Nam, sau đó xuất qua Trung Quốc lấy mác là tổ yến Việt Nam.

Những đợt cửa khẩu không thông quan được, hàng hóa không qua được biên giới trong dịch Covid-19, hàng tổ yến từ nước ngoài đã tuồn qua Việt Nam tồn ứ và xuống giá, kéo theo giá tổ yến Việt Nam cũng bị xuống giá theo.Nhưng người sành dùng yến vẫn chọn loại đắt giá mà từ trước tới giờ họ vẫn ăn chứ không chọn loại hàng kém chất lượng.

Sản lượng tổ yến Việt Nam chưa nhiều, lượng cung thực sự từ các nhà yến Việt thực tế chưa đủ cho thị trường. Nếu các xưởng chế biến, các nhà máy, các nhà kinh doanh ... có tâm hơn, các doanh nghiệp chú trọng đến việc truy xuất nguồn gốc nguyên liệu yến sào Việt Nam thì chắc chắn tổ yến Việt Nam sẽ có giá tốt hơn.

Với người nuôi yến mới đầu tư tại thời điểm này, đương nhiên việc thu hồi vốn rất chậm, lý do nhà yến thành công không còn nhiều như trước. Những nhà bình thường thì lượng chim chịu vào làm tổ ít hơn trước rất nhiều, do lượng nhà yến mới mọc ra như nấm, người người đua nhau đầu tư, nạn săn bắt yến lấy thịt, phóng sinh... cũng đang diễn ra làm giảm tổng đàn chim yến trên cả nước.

Loại chim yến đang bị tận diệt do nạn săn bắt yến để làm thịt.

Loại chim yến đang bị tận diệt do nạn săn bắt yến để làm thịt.

Nghề nuôi yến cần hợp sức để củng cố nội lực

Vậy nghề nuôi yến Việt Nam cần phải có hành động gì khi mà thị trường xuất khẩu yến bị giảm sút.Theo ông Phạm Duy Khiêm, việc cần nhất là phải củng cố nội lực cho các chủ nhà nuôi yến. Trước mắt, Hiệp hội Yến sào Việt Nam cùng phối hợp với các cơ quan ban ngành tổ chức các hội thảo tuyên truyền việc bảo vệ chim yến đang bị bắt bẫy để ăn thịt, dẫn đến đàn yến bị giảm mạnh. Bên cạnh đó, cần phải chuyển giao kỹ thuật nghề yến để giúp các chủ nhà yến bảo trì tốt nhà yến, nhằm giúp cho chất lượng tổ yến tốt hơn để chuẩn bị cho xuất khẩu khi có thể.

Hiện nay, không ít người đặt câu hỏi: Nếu thị trường xuất khẩu trở lại, thì yến Việt Nam có đủ sản lượng để xuất khẩu hay không? Hay là chỉ tạo đường vòng cho yến (thường là loại kém chất lượng) ở các nước khác chạy sang Việt Nam rồi xuất khẩu sang Trung Quốc. Câu trả lời lại nằm ở chính chủ các nhà yến Việt Nam, liệu yến Việt Nam đạt chuẩn có đủ sản lượng để xuất khẩu hay không? Khi nhu cầu xuất khẩu tăng lên thì có hiện tượng nhiều đầu nậu tuồn yến từ nước ngoài vào Việt Nam.

Yến sào Việt Nam được đánh giá có chất lượng tốt nhất thế giới.

Để có giá tốt hơn thì hộ nuôi yến cần nắm kỹ thuật xây dựng nhà yến, kỹ thuật bảo trì, vận hành nhà yến để tổ yến khi thu hoạch đạt được chất lượng tốt: Trắng, đẹp, ít lông. Các xưởng chế biến chú trọng đầu vào, tạo ra các sản phẩm chế biến sâu có chất lượng để tiêu thụ ngay trong nước. Đồng thời phải ngăn chặn được đầu nậu đưa yến kém chất lượng từ nước ngoài vào Việt Nam.

Ông Khiêm cũng kiến nghị lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có biện pháp hỗ trợ tích cực cho Hiệp hội Yến sào Việt nam và các doanh nghiệp chủ lực của ngành yến phối hợp chung sức ngăn chặn tình trạng tư thương núp bóng đưa yến nước ngoài vào Việt Nam để phá hoại uy tín và làm thiệt hại to lớn cho ngành yến Việt Nam mà trực tiếp là những hộ đầu tư dẫn dụ chim yến.

Đỗ Quyên

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/tieu-dung/yen-ngoai-kem-chat-luong-doi-lot-hang-viet-tuon-vao-thi-truong-keo-gia-yen-sao-viet-nam-rot-the-tham/20200805044326228