Yên bình xã đảo Thổ Châu

Đảo Thổ Chu là hòn đảo tiền tiêu phía Tây Nam của Tổ quốc thuộc xã đảo Thổ Châu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Tuy còn nhiều khó khăn, thiếu thốn so với Phú Quốc và càng khó khăn hơn so với đất liền, nhưng quân dân xã đảo luôn nỗ lực cố gắng xây dựng đảo ngày càng phát triển.

Đảo Thổ Chu cách Phú Quốc 54 hải lý (100km) và cách đất liền 120 hải lý (200km). Quần đảo Thổ Chu gồm 8 hòn đảo lớn nhỏ: Đảo Thổ Chu, Hòn Tử, Hòn Cao Cát, Hòn Nhạn, Hòn Khô, Hòn Xanh, Hòn Cái Bàn và Hòn Đá Bạc.

Một góc xã đảo Thổ Châu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang

Một góc xã đảo Thổ Châu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang

Đảo Thổ Chu được các nhà thám hiểm phương Tây biết đến với tên Mã Lai là Poulo Panjang Văn Giang. Năm 1782, trên đường chạy trốn sự truy đuổi của nghĩa quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã đến lánh nạn hầu hết các đảo trên vùng biển Tây Nam trong đó có đảo Thổ Chu, vì vậy, hầu như đảo nào cũng có bãi biển được đặt tên là Bãi Ngự (Vua ngự trên bãi biển). Điều này khẳng định rằng ông cha ta đã khẳng định chủ quyền đảo Thổ Chu từ rất sớm.

Nhắc đến Thổ Chu là nhắc nhớ đến một lịch sử oai hùng nhưng cũng đầy bi thảm của nhân dân ta trong cuộc chiến chống lại chế độ diệt chủng Pôn Pốt. Đến Thổ Chu, du khách không thể không đến thăm Đền thờ Thổ Châu, dâng hương tưởng niệm hơn 500 đồng bào bị quân Pôn Pốt xâm lược, thảm sát vào năm 1975 và tưởng niệm những chiến sĩ đã hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ đảo.

Đảo Thổ chu nằm sát đường hàng hải quốc tế, là tuyến vận tải biển quan trọng Băng Kốc - Kông pông som - Thành phố Hồ Chí Minh - Hồng Kông nên được xem là một vị trí chiến lược quan trọng trên biển.

Khu vực biển Thổ Chu cũng như vùng biển Tây Nam có độ sâu trung bình từ 15- 30m, là ngư trường đánh bắt hải sản lớn của ngư dân các tỉnh tập trung về như Bình Định, Cà Mau, Kiên Giang. Đảo Thổ Chu có tiềm năng lớn về du lịch sinh thái, các bãi biển trên đảo rất bằng phẳng và kín gió.

Theo Nghị định số 19/CP ngày 24/4/1993 của Chính phủ, xã Thổ Châu được tỉnh Kiên Giang đưa ra 17 hộ dân đầu tiên ra sinh sống, có sự hỗ trợ kinh phí ban đầu để định cư tại đảo. Từ 17 hộ đầu tiên, đến nay đã có hơn 594 hộ gia đình với hơn 2.000 nhân khẩu. Trên đảo có trường mầm non, cấp 1, cấp 2, có trạm y tế khang trang, có bưu điện, có các trạm thu phát sóng điện thoại di động của Viettel, Vinaphone, MobiFone...

Cứ 5 ngày mới có một chuyến tàu ra đảo do vậy điều kiện sinh hoạt, ăn ở, đi lại của nhân dân và các lực lượng trên đảo còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là mùa biển động. Tuy vậy, quân dân trên xã đảo luôn một lòng đoàn kết, nỗ lực xây dựng đảo ngày càng phát triển.

Cầu cảng Thổ Châu- cửa ngõ giao thương của cư dân trên đảo với tàu thuyền các tỉnh

Đền thờ Thổ Châu, nơi tưởng niệm 500 đồng bào bị quân Pôn Pốt xâm lược, thảm sát vào năm 1975 và tưởng niệm những chiến sĩ đã hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ đảo

Một giờ học ngoài trời của lớp học mầm non trên đảo

Chiều về trên bến cảng Thổ Châu

Dọc theo tuyến phố chính trên xã đảo, người dân buôn bán khá sầm uất

Thổ Chu cũng là ngư trường đánh bắt hải sản lớn của ngư dân các tỉnh tập trung về như Bình Định, Cà Mau, Kiên Giang

B.D

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/yen-binh-xa-dao-tho-chau-69468.html