Yên Bái: Xót xa bản nghèo bị cuốn theo lũ, người chết không có nơi thờ tự

Căn lều tạm nơi anh Dựng đang ngồi chỉ mấy hôm trước là tổ ấm của hai vợ chồng và cậu con trai 3 tuổi. Trong phút chốc, mưa lũ đã cuốn phăng nhà cửa cùng vợ con anh. Một số người hàng xóm tốt bụng đã giúp anh nấu bát cơm nhão cùng mấy gói mì tôm đặt lên tảng đá để cúng tế người quá cố…

Bàn thờ tạm ông Hòa được dựng lên ngay ở đống hoang tàn, đổ nát. Ảnh: PV

Người và nhà cửa nằm lại trong đống hoang tàn

Sau gần 4 ngày nỗ lực tìm kiếm, trưa 23/7, lực lượng chức năng tỉnh Yên Bái và người dân địa phương đã tìm thấy thêm một thi thể nạn nhân bị lũ cuốn trôi. Nạn nhân được xác định là ông Hà Sơn Hòa (sinh năm 1965) – một trong 3 người vong mạng của bản Tủ, xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn. Nhà cửa bị cuốn trôi tất cả, bà Đinh Thị Quý, vợ ông Hòa đành lấy nền đất cũ dựng chiếc bàn thờ cùng thùng mì tôm được phát cúng tế linh hồn chồng.

Bản Tủ có 69 hộ dân sinh sống dọc hai bên bờ suối dưới chân núi Khe Ma, hầu hết người dân trong bản là đồng bào dân tộc Thái. Ông Hà Văn Huyên, Trưởng bản Tủ cho hay, người dân sống yên bình nơi đây đã bao nhiêu đời nay chưa bao giờ gặp trận lũ nào khủng khiếp như vậy. Chỉ trong phút chốc, lũ đổ về cuốn phăng mọi thứ 11 ngôi nhà bị hư hại, 6 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 3 người chết và mất tích.

Thương tâm nhất là hộ gia đình anh Lò Văn Dựng, nhà đã bị lũ cuốn sạch; vợ con anh người chết, người mất tích. Buổi sáng hôm đó khi lũ tràn về, anh đi làm xa, mẹ anh dậy sớm được mọi người giúp đỡ đưa chạy lên đồi nên thoát nạn. Còn vợ anh Dựng là chị Ngân Thị Thủy, hai tay bế hai đứa con chưa kịp chạy ra khỏi nhà thì ngôi nhà đổ ụp xuống, cả ba mẹ con chìm vào trong nước lũ. Đứa con lớn là Lò Văn Tân 10 tuổi, bị bại liệt nằm giường từ bé bị lũ cuốn trôi nhưng may mắn được mọi người cứu sống, còn chị Thủy và cháu Lò Quang Duy 2 tuổi bị nhấn chìm trong đất đá, nước lũ.

Sau lũ, gia đình anh Dựng chuyển sang ở nhờ nhà họ hàng trong bản. Bà Dừn, mẹ anh Dựng ngày ngày vẫn ra ngoài lán ngồi khóc than, thắp hương lên bàn thờ tạm những mong vong linh con dâu báo cho chồng để sớm tìm được thi thể. Còn anh Dựng cứ đi đi lại lại, trên tay anh cầm bát hương đang cháy nghi ngút, nhìn về mọi hướng trong vô vọng, nơi mà vợ anh đang nằm đâu đó trong đống đổ nát vẫn chưa được tìm thấy. Lâu lâu người chồng mất vợ và con lại ngồi trên mỏm đá cạnh suối, gục mặt xuống. Trong ánh mắt đỏ hoe, thất thần của anh Dựng, ai cũng hiểu nỗi đau, sự mất mát quá lớn anh đang gánh chịu.

Ông Lường Quang Đạt, ở bản Tủ với khuôn mặt thất thần như chưa hiểu chuyện gì xảy ra, đứng bên cạnh ngôi nhà bị lũ quét tan hoang với hàng đống đất đá, cây cối ngổn ngang. Ông kể lại: Vào sáng sớm 20/7 xảy ra lũ, tại bản Tủ có mưa rất to, vợ chồng ông dậy từ rất sớm ra ngoài đồng thăm ruộng, kiểm tra ao cá. Khi trở về gần đến nhà nhìn lên đỉnh núi khe Ma thấy mưa xối xả, đất đá bắt đầu lở kéo theo hàng trăm cây cối đổ ầm ầm từ trên đỉnh núi xuống dưới bản, trong chốc lát bùn đất đã bao trùm lên ngôi nhà của của ông.

Lúc đó, nhìn lên ngôi nhà ông Hà Sơn Hòa ở phía trên, thấy bà Đinh Thị Quý, vợ ông Hòa đang chới với giữa đám bùn đất nên ông Đạt vội chạy tới kéo bà vượt qua bức tường ngăn đưa vào nơi an toàn. Khi quay lại, ông Đạt thấy ngôi nhà của ông Hòa đã sập hoàn toàn, không thấy ông Hòa đâu.

Còn ông Lò Văn Muồn (56 tuổi) vẫn chưa hết rùng mình khi nghĩ về trận lũ dữ vừa qua. Ba ngày nay, ông Muồn cùng các con chỉ biết gom nhặt những thanh gỗ từ ngôi nhà sàn còn sót lại và những vật dụng gia đình còn dùng được. “Chiếc tủ gỗ đựng toàn bộ tài sản cũng trôi đi đâu mất không còn thấy. Chưa biết bao giờ mới có thể bắt đầu lại cuộc sống. Không còn thứ gì, cứ đưa tay lên dọn dẹp là lại rệu rã”, người đàn ông bị lũ cuốn mất nhà cửa, tài sản, lo lắng.

Trận lũ sáng 20/7 cũng cuốn phăng mọi thứ của người dân bản Đồng Hẻo (xã Sơn Lương), hầu hết nhà cửa, tài sản và hoa màu của người dân trong bản bị dòng lũ dữ cuốn trôi. Trước đó, theo dự kiến, trưa 20/7, gia đình sẽ tổ chức đám cưới cho anh Hà Văn Thoái (SN 1988), Mọi công việc như dựng rạp, nấu cỗ và mời khách dự đám cưới đã hoàn tất.

Rủi thay, cơn lũ dữ lúc gần 5 giờ sáng cùng ngày quét qua đã cuốn trôi toàn bộ ngôi nhà, phông bạt, bàn ghế và các mâm cỗ cưới. Nhà cô dâu ở bản bên cũng đã chuẩn bị sẵn cỗ bàn cho lễ cưới của con gái. Đám cưới phải vội hoãn để mọi người chung tay chạy lũ, rất may không có mất mát về người…

Huy động trên 18.000 người tham gia cứu hộ, cứu nạn

Bà Dừn khóc nấc vì chỉ trong chốc lát đã mất đi nhà cửa cùng người thân.

Chiều 23/7, trao đổi với PV Báo GĐ&XH, ông Đỗ Đức Duy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết: Trong tình hình hiện nay, việc tái định cư tạm thời cho người dân tỉnh Yên Bái đưa ra hiện có 3 phương án: Ở xen kẽ; tạm thời ở với anh em họ hàng, tìm cách vận động người thân chia sẻ đất đai; các ngành chức năng tập trung nghiên cứu từng điểm hợp lý rồi di dân. Hiện những người dân không có chỗ ở đa phần đều đang ở nhà người thân hoặc nhà văn hóa thôn.

Để khắc phục hậu quả, toàn tỉnh đã huy động trên 18.000 người thuộc các lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ để tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, giúp nhân dân khắc phục hậu quả. Yên Bái ước tính thiệt hại trên 270 tỷ đồng, đây cũng là địa phương thiệt hại nặng nề nhất về người và tài sản trong đợt mưa lũ này. Hiện tại chính quyền địa phương cũng hỗ trợ tiền, gạo cùng các vật dụng thiết yếu để người dân vượt qua cơn hoạn nạn.

Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT&TKCN cho biết, đến thời điểm hiện tại, mưa lũ đã làm 22 người chết (Yên Bái 11, Sơn La 1, Lào Cai 1, Phú Thọ 3, Hòa Bình 1, Thanh Hóa 2) cùng 12 người khác bị mất tích (Yên Bái 6, Sơn La 2, Phú Thọ 1, Thanh Hóa 3). Bên cạnh thương vong về người, 231 ngôi nhà bị sập, hơn 5.800 căn nhà ngập trong nước và hơn 4.200 nhà bị hư hỏng, cần di dời khẩn cấp.

Cứu người trong mưa lũ, Phó Bí thư xã tử nạn

Gia đình anh Đặc Phúc Tài (57 tuổi, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nậm Mười, huyện Văn Chấn) vừa tổ chức ma chay cho người quá cố. Sau khi bị lũ cuốn trôi, người ta tìm thấy thi thể của anh Tài ở nơi cách nhà khoảng 17km đường chim bay.

Trong mắt bà con thôn Bó Siu, anh Tài luôn là người tới tận nhà vận động các gia đình cho con em đi học. “Sáng sớm 20/7, trời mưa như thác đổ, anh Tài gọi điện cho tất cả Bí thư chi bộ ở Nậm Mười lệnh phải di tản dân lên vùng an toàn, phải đi ngay, vì sợ có lũ quét”, ông Đặng Kim Thọ, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Mười, cũng là hàng xóm của anh Tài chia sẻ.

Kể về những khó khăn của một xã vùng cao, nằm tít sâu trong núi rừng Yên Bái, ông Thọ nói: “Ở đây người dân khổ lắm, mãi mới có được chút đường bê tông, ngày xưa toàn đường đất thôi. Thế nhưng cứ có việc là anh Tài lại tự lội bộ xuống với bà con”. “Chạy đi...”, anh chỉ kịp nói câu ấy, chỉ có thế thôi. Anh Tài chỉ kịp cứu được một cháu bé rồi bị dòng nước xiết cuốn đi”, ông Thọ xúc động.

Nhóm Phóng Viên

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/yen-bai-xot-xa-ban-ngheo-bi-cuon-theo-lu-nguoi-chet-khong-co-noi-tho-tu-20180724065511948.htm