Yên Bái: Tăng cường kiểm soát đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm

Năm 2022, nhờ tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cơ sở chế biến, SXKD thực phẩm Sở Công Thương Yên Bái đã làm tốt công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm

Thực hiện Chỉ thị số 17 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới, căn cứ vào kế hoạch của UBND tỉnh và Ban chỉ đạo An toàn thực phẩm tỉnh, ngay từ đầu năm 2022, Sở Công Thương tỉnh Yên Bái đã chủ động xây dựng, ban hành kịp thời các kế hoạch, các văn bản chỉ đạo, thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm gửi các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm triển khai thực hiện theo quy định.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng đã triển khai thực hiện Dự án nhân rộng mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ Trung tâm huyện Yên Bình. Đồng thời, thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và hướng dẫn cách phân biệt hàng thật – hàng giả cho người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.

Ông Phạm Trung Lân- Phó Giám đốc Sở Công Thương Yên Bái cho biết, năm 2022 Sở đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng quản lý thị trường của địa phương trưng bày giới thiệu gian hàng thật, hàng giả cho người tiêu dùng, người dân cách nhận biết, phân biệt thực phẩm giả, thực phẩm không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện Trấn Yên. Các cơ quan chức năng cũng tăng cường tuyên truyền các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, để các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, các cơ sở thức ăn đường phố, các bếp ăn tập thể hiểu và tham gia triển khai tích cực các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật. Sở cũng đã có văn bản hướng dẫn các quy định về an toàn thực phẩm đến 45 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm do Sở Công Thương trực tiếp quản lý trong các dịp Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội Xuân, trong tháng hành động vì an toàn thực phẩm, Tết Trung thu năm 2022…

Qua đó công tác tuyên truyền được đẩy mạnh đã lan tỏa trong cộng đồng tới nhiều các đối tượng khác nhau, người sử dụng, sản xuất, kinh doanh đã dần nâng cao nhận thức về An toàn thực phẩm”, ông Lân chia sẻ.

Nhằm thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm theo lĩnh vực được giao, Sở Công Thương cũng đã tổ chức các đợt thanh kiểm tra trong các dịp Tết Trung thu, Nguyên đán.. Qua các đợt thanh kiểm tra liên ngành cho thấy cơ bản các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo đúng quy định (thực phẩm, nguyên liệu, phụ gia có hóa đơn, nguồn gốc, xuất sứ rõ ràng, nhân viên sản xuất, kinh doanh thực phẩm có trang bị bảo hộ lao động….

Đoàn kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố Yên Bái

Đoàn kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố Yên Bái

Hiện ngành Công Thương quản lý: 3.638 cơ sở (sơ chế, sản xuất, chế biến thực phẩm 640 cơ sở; sản xuất rượu thủ công 668 cơ sở; kinh doanh thực phẩm 2.330 cơ sở), các cơ sở chủ yếu là quy mô hộ gia đình sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, bao gồm nhóm ngành hàng thực phẩm. Do là tỉnh miền núi, chủ yếu là đồng bào dân tộc sinh sống nên công tác quản lý an toàn thực phẩm ở địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều cơ sở chưa chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về an toàn thực phẩm.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Trung Lân cho biết, là tỉnh miền núi, trình độ dân trí không đồng đều giữa các vùng; phong tục, tập quán lạc hậu vẫn còn tồn tại ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...Bên cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống tổ chức quản lý về còn có một số chồng chéo chưa thực sự phù hợp với điều kiện thực tiễn. Nguồn lực cho an toàn thực phẩm công tác bảo đảm an toàn thực phẩm còn hạn chế; Đời sống kinh tế một bộ phận người dân còn thấp, còn sử dụng thực phẩm giá rẻ, chất lượng chưa đảm bảo… được xem là nguyên nhân chính khiến công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn.

Mặc dù vậy năm 2022, Sở Công Thương đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và giải quyết các thủ tục hành chính cho các cơ sở sản xuất kinh doanh. Sở cũng đã tham mưu cho tỉnh ban hành 22 quyết định thành lập đoàn thẩm định điều kiện an toàn thực phẩm tại cơ sở, tiếp nhận và ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm cho 30 cơ sở kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn lưu tại đơn vị; Tiếp nhận bản tự công bố các sản phẩm cho 11 cơ sở sản xuất thực phẩm với 9 loại sản phẩm đã gửi hồ sơ tự công bố đến Sở Công Thương theo đúng quy định.

Có thể khẳng định, công tác an toàn thực phẩm đã được thực hiện rộng khắp và đạt được những kết quả quan trọng. Sở đã thực hiện tốt công tác phối hợp kiểm tra giám sát về an toàn thực phẩm. Qua đó đã giúp các đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm khắc phục các tồn tại, hạn chế cũng như thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.

Năm 2023, để nâng cao hơn nữa công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, Sở Công Thương Yên Bái xác định tiếp tục nâng cao công tác truyền thông về vệ sinh an toàn thực phẩm; Xây dựng cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm; Nâng cao năng lực quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; Xây dựng và nâng cao năng lực của hệ thống tổ chức quản lý vệ sinh an toàn thực phẩmtừ cấp thành phố đến từng địa phương, cơ sở; Thường xuyên tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và đánh giá việc thực hiện kế hoạch hàng năm là hết sức cần thiết.

Đặc biệt, ngành Công Thương Yên Bái sẽ xây dựng và phát triển vùng sản xuất thực phẩm an toàn; Hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện chứng nhận đủ điều kiện sản xuất nông sản thực phẩm an toàn và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, hỗ trợ chứng nhận áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; Nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm; Thường xuyên kiểm tra, kiểm soát các hoạt động kinh doanh thực phẩm trên thị trường, đặc biệt các nhóm thực phẩm có nguy cơ cao, kiểm soát nhãn thực phẩm, thực phẩm giả, có các biện pháp quản lý, cung ứng, vận chuyển thực phẩm an toàn; Phát triển mạng lưới kinh doanh thực phẩm an toàn. Xây dựng và quy hoạch các mô hình chợ văn minh. Tăng cường năng lực kiểm nghiệm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm…

Yên Bái đã tổ chức các chương trình giới thiệu sản phẩm sạch tại các địa phương có sức tiêu thụ lớn như Hà Nội nhằm phát triển chuỗi kinh doanh thực phẩm an toàn và bền vững

Đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, quản lý, điều hành của chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận tổ quốc các đoàn thể trong công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.Đẩy mạnh xây dựng mô hình và mở rộng sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm an toàn.

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới; Tiếp tục triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh; Tập trung triển khai thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong các dịp cao điểm như tháng hành động năm, Tết nguyên đán, Trung thu, các lễ hội, các sự kiện quan trọng của đất nước, của tỉnh theo chỉ đạo của Bộ Công Thương và Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm tỉnh.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/yen-bai-tang-cuong-kiem-soat-dam-bao-an-toan-ve-sinh-thuc-pham-232805.html