Yên Bái: Nhà máy tuyển quặng sắt Làng Mỵ bức hại dân

Kể từ khi Nhà máy tuyển quặng sắt Làng Mỵ đi vào hoạt động, người dân hai xã Chấn Thịnh, Bình Thuận (Văn Chấn, Yên Bái) tiêu tan mọi hy vọng.

 Cổng Nhà máy tuyển quặng sắt Làng Mỵ.

Cổng Nhà máy tuyển quặng sắt Làng Mỵ.

Thay vào đó là nỗi bức xúc về những việc làm bức hại dân, khiến họ phải kéo nhau ra đường chặn xe đòi hỏi những quyền lợi chính đáng của mình…

Sống trong sợ hãi

Nhà máy tuyển quặng sắt Làng Mỵ thuộc Cty Phát triển số I - TNHH Một thành viên, có trụ sở tại thôn Dày xã Chấn Thịnh, được Bộ Tài nguyên Môi trường cấp phép khai thác khoáng sản tại giấy phép số 2026/GP-BTNMT, ngày 10/10/2018 trên diện tích 60,97ha, thời hạn khai thác 30 năm. Ngay sau khi nhà máy tiến hành khai thác và tuyến quặng đã vấp phải sự phản ứng dữ dội của người dân.

Gia đình ông Hoàng Văn Lịch và Đặng Văn Thịnh ở thôn Dày 2 nằm dưới chân mỏ sắt Làng Mỵ đang khai thác, ông Lịch dẫn tôi ra xem bãi đất thải của mỏ nằm bên cạnh nhà cao như núi. Đất đá thải đã từng xô đất vào khu chuồng trại chăn nuôi, lo ngại mưa lớn đất thải sạt lở sẽ vùi lấp ngôi nhà, cách đây ít ngày UBND xã Chấn Thịnh đã yêu cầu nhà máy ủi một con mương để ngăn đất thải và tiêu thoát nước từ trên mỏ đổ xuống ngôi nhà của gia đình ông Lịch.

Từ bãi đất thải nhìn vào ngôi nhà lợp lá cọ của gia đình ông Lịch, như bị lút chìm giữa những núi đất đỏ au, chỉ cần một trận mưa lớn nhà ông sẽ bị san phẳng. Bởi bãi đất thải đã cao hơn nóc nhà ông cả chục mét, đấy là chưa nói phía sau nhà là khu mỏ đang khai thác, cả núi đất bất ngờ đổ ập bất cứ lúc nào. Ông Lịch cho hay: Đất đá từ trên mỏ đã lăn xuống nhà ông Đặng Văn Thịnh cạnh nhà tôi đây làm sân láng xi măng nứt toác.

Nhà ông Hoàng Văn Lịch bị bao vây bởi đất thải và khu mỏ.

Ông Lịch ngán ngẩm: Kể từ khi mỏ sắt đi vào khai thác, không đêm nào gia đình chúng tôi ngủ ngon, nhất là vào mùa mưa cả núi đất nằm trên cao mấy trăm mét phía sau nhà mà đổ xuống thì gia đình chúng tôi bị chôn sống bất cứ lúc nào không ai hay…

Để đảm bảo mạng sống, ông Lịch mong muốn các cấp chính quyền bố trí nơi ở mới cách xa khu vực mỏ đang khai thác, chứ hàng ngày sống dưới chân bãi hàng ngàn khối đất đá chỉ lo sợ cũng đã chết rồi.

Ông Hoàng Văn Lịch trước núi đất thải cạnh nhà.

Cách nhà ông Lịch một đoạn không xa là gia đình ông Hoàng Văn Sơn, hôm nay trời mưa nên ông ở nhà. Ông cho hay: Nhà tôi trước đây là ngôi nhà sàn, nằm ở cạnh bờ ao và mấy đám ruộng. Khi mỏ khai thác, nước đục từ trên mỏ chảy xuống sau mỗi trận mưa tràn vào, khiến lúa cấy không lên nổi, cá cũng chết, gia đình phải lấp ruộng và ao chuyển nhà lên đây…

Hơn 1.300m2 ruộng và ao của gia đình ông Hoàng Văn Sơn được nhà máy hỗ trợ một lần 46 triệu đồng, nên gia đình ông dỡ ngôi nhà sàn mua một khung nhà gỗ chuyển lên bãi đất cao hơn. Ngồi trong ngôi nhà của ông thấy chỗ nào cũng bụi phủ đỏ lòm từ chăn màn đến bàn ghế. Bộ ấm chén uống nước để trên bàn cũng phải bọc túi nilon, khi có khách thì mới mở ra.

Nước và bùn đất từ khu mỏ chảy xuống mương nước của dân

Vợ ông bà Hà Thị Loan thở dài: Nước giếng nhà tôi trước đây trong và ngọt, sau khi ruộng ao bị lấp, nước giếng tanh ngòm mùi sắt. Cứ uống nước nhiễm quặng sắt thế này chắc vài năm nữa chúng tôi bị bệnh ung thư chết thôi…

Cuộc sống của dân bị đe dọa

Kể từ khi Nhà máy tuyển quặng Làng Mỵ đi vào hoạt động, mỗi lần mưa xuống bùn đất từ khu mỏ và nhà máy tuyển tràn xuống các khu ruộng ở các thôn: Dày 1, Dày 2, Ngõa, Ao Lay vùi lấp ruộng lúa hai vụ của người dân, khiến bà con vô cùng bất bình. Theo báo cáo của UBND huyện Văn Chấn có 7,38ha lúa bị vùi lấp, trong đó có 5,3 ha bị vùi lấp sau thân đập bãi thải, 2,08 ha bị vùi lấp dưới thân quặng 30, 31 đang khai thác.

Ông Hoàng Văn Sơn không ngần ngại dẫn tôi đến khu ruộng nhận khoán có diện tích 1.800m2 cho hay: Năm ngoái nước từ trên mỏ tràn xuống lấp 500m2, số còn lại bùn đỏ tràn vào đặc quánh, 5 sào ruộng chỉ thu được 5 tạ lúa thử hỏi chúng tôi sống thế nào hả trời?

Nói rồi ông vục tay xuống ruộng lúa bốc lên những vốc đất đỏ đặc quánh: Năm nay chúng tôi không dám lấy nước chảy từ trên mỏ xuống, nhưng hễ mưa to bùn đất tràn vào ruộng thì cũng khó được ăn…

Thấy nhà báo đến làm việc, bà Ngô Thị Tâm và Hà Thị Vân từ bên kia cánh đồng te tái chạy sang, bà Vân giọng như mếu: Mùa mưa năm ngoái cả cánh đồng thôn Dày 2 của chúng tôi đây như cái ao bùn đỏ. Nhà máy xuống kiểm tra hỗ trợ mỗi mét vuông 4 lạng thóc một vụ, hai vụ là 8 lạng. Cánh đồng lúa đang trổ bông kia, chưa biết chừng sau trận mưa ngập mất sạch. Nhà tôi có 3 người trông vào 700m2 ruộng, mỗi khi mưa xuống đều ngó ra đồng xem lúa có ngập bùn đỏ không…

Bà Ngô Thị Tâm chỉ ruộng và ao cá của gia đình bị vùi lấp.

Bà Hà Thị Vân lo lắng cánh đồng bị vùi lấp mỗi lần mưa xuống.

Bà Ngô Thị Tâm vội về nhà lấy xe máy dẫn tôi đến khu ruộng và ao cá dưới chân mỏ, giờ đã lấp đầy đất thải, giọng bà cay đắng: Nhà tôi ở đây có hơn 2.000m2 ruộng, ao cá khoảng 100m2 cùng với khu đồng cây Quéo gần 5.000m2 dưới chân bãi thải của nhà máy bị vùi lấp hết cả rồi. Người ta đền bù một lần được 62 triệu, không còn ruộng để cày cấy thì chúng tôi sống bằng gì? Khi chúng tôi kêu quá thì có ông lãnh đạo xã còn bênh doanh nghiệp, bảo xã đòi cho bà con giá đó là cao lắm rồi…

Mập mờ đền bù một lần với thu hồi đất

Làm việc với ông Hà Văn Thịnh, Chủ tịch UBND xã Chấn Thịnh về việc hỗ trợ đền bù 30.000đ/m2 ruộng căn cứ vào quy định nào, ông Thịnh thành thật: Việc này tôi giao cho anh Hoàng Quý Kiệt - Phó Chủ tịch xã, tôi mời anh Kiệt sang giải thích cho các anh rõ.

Ông Kiệt cho biết, hỗ trợ và đền bù 30.000đ/m2 ruộng là căn cứ vào giá đất của tỉnh Yên Bái năm 2014.

Câu hỏi đặt ra việc đền bù và hỗ trợ một lần có phải là thu hồi đất không? Ông Kiệt lắc đầu: Thu hồi đất phải có quyết định của tỉnh.

Như vậy, người dân có thể hiểu việc đền bù và hỗ trợ một lần giống như việc thu hồi đất. Một sự mập mờ khó hiểu, nên người dân càng bức xúc không thể hiểu đất của mình đã bị thu hồi hay chỉ được đền bù và hỗ trợ một lần? Chính vì thế họ mới đổ ra đường ngăn cản xe vận chuyển quặng vào nhà máy để gây áp lực.

Người dân bức xúc trước núi đất thải vùi lấp ruộng vườn

Theo vợ chồng ông Hoàng Văn Sơn và Hà Thị Loan, năm 2018 người dân đã 3 lần chặn xe, năm 2019 cũng 3 lần chặn xe trước cửa nhà văn hóa thôn Dày 2 yêu cầu làm rõ việc đền bù. Thế là Nhà máy “xuống nước” lại đền bù thêm từ 20.000 - 30.000đ/m2 tùy theo hạng đất ruộng.

Chính quyền địa phương nói gì?

Sau khi cánh cổng xả thải bị vỡ, bùn thải của Nhà máy tuyển quặng Làng Mỵ tràn ra, biến 5,3ha ruộng lúa hai vụ của người dân thành “sa mạc” cát.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Yên Bái số 314/STNMT-BVMT ngày 26/7/2019 được mô tả như sau: “Thời điểm kiểm tra cho thấy công trình xử lý bùn thải quặng đuôi không còn khả năng xử lý, lắng đọng bùn đất, dẫn tới nước thải chảy ra môi trường đem theo nhiều bùn đất đã gây vùi lấp đất sản xuất nông nghiệp… đập chắn hồ chứa bùn thải quặng đuôi có vết nứt, xói trên vai và sườn đập, đặc biệt là trên tuyến đập bố trí cống nước thải có nguy cơ xảy ra vỡ đập, nhất là khi thời tiết có mưa lớn”.

Hồ chứa bùn thải của nhà máy có nguy cơ tràn ra môi trường.

Ngày 31/7/2019 UBND tỉnh Yên Bái ban hành văn bản số 2023/UBND-TNMT yêu cầu Nhà máy tuyển quặng Làng Mỵ khắc phục tình trạng vỡ cánh cống xả thải, chấm dứt tình trạng xả nước thải và bùn thải ra môi trường, xác định diện tích đất lúa bị ảnh hưởng sớm thống nhất việc bồi thường thiệt hại cho người dân…

Ngày 1/8/2019 Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái có văn bản số 2058/UBND-TNMT, gửi Bộ Tài nguyên Môi trường đề nghị tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với Nhà máy tuyển quặng sắt Làng Mỵ.

Ông Mai Mộng Tuân (ảnh) - Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn: Khi xảy ra sự cố tràn bùn và nước thải ra môi trường, chúng tôi đã yêu cầu nhà máy tạm dừng hoạt động. Huyện đã thành lập tổ giám sát hoạt động xả thải của nhà máy, đề nghị nhà máy đối thoại với người dân để tìm ra phương án bồi thường hợp lý…

THÁI SINH

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/yen-bai-nha-may-tuyen-quang-sat-lang-my-buc-hai-dan-post248410.html