Yên Bái: Giáo viên lo lắng khi phải học từ 'cao' xuống 'thấp'

Tiếp tục tìm hiểu vụ việc theo phản ánh của bạn đọc về đề án giáo dục ở huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, nhiều vấn đề bất cập được 'phát lộ'.

Theo tài liệu cung cấp của UBND huyện Lục Yên, quá trình thực hiện đề án nói trên, huyện Lục Yên có 46/47 (một giáo viên đã tốt nghiệp trung cấp mần non - PV) giáo viên nhóm 2 thuộc các môn: Âm nhạc, thể dục, mỹ thuật được xếp vào diện dôi dư của huyện. Trong đó hầu hết đang hưởng bằng cấp đại học và cao đẳng, một số ít được hưởng trung cấp nhưng đã đi đào tao nâng cao trình độ chuyên môn lên Đại học và đang chờ chuyển ngạch.

Một cô giáo đã có bằng Đại học hệ vừa học vừa làm nằm trong danh sách dôi dư phải đào tạo lại trung cấp mầm non

Một cô giáo đã có bằng Đại học hệ vừa học vừa làm nằm trong danh sách dôi dư phải đào tạo lại trung cấp mầm non

Tìm hiểu của PV Công lý & xã hội cho thấy tuy đã có giáo viên đi day lại, nhiều giáo viên đã được tăng cường xuống trường mầm non nhưng hiện tại có giáo viên vẫn hết sức hoang mang. Bởi sau bao nhiêu năm công tác ổn định với bằng cấp hiện tại họ không ngờ sẽ có ngày phải đi học một bằng chuyên môn thấp hơn và công tác ở một lĩnh vực họ chưa nghĩ đến. Hơn nữa, giáo viên vẫn chưa có hướng dẫn thực hiện chế độ tiền lương sau khi đào tạo bằng Trung cấp mầm non và chuyển đổi vị trí việc làm.

Một người trong nhóm giáo viên tiểu học nhóm II thuộc danh sách đào tạo lại để dạy mầm non ngán ngẩm cho biết: “Tôi đã có bằng Đại học, giờ cũng thuộc danh sách dôi dư phải đi đào tạo trung cấp mầm non để sau này chuyển xuống dạy mầm non. Trong Công văn số 506 của Sở nội vụ có ghi đối tượng là cả giáo viên nhóm I, nhưng ở đây giáo viên nhóm I không thấy xét. Chúng tôi mất bao công sức, tiền của để đi học hành mới được như thế, giờ đã lập gia đình con cái nhiều vướng bận lại cử chúng tôi đi học trung cấp để về chuyển xuống dạy mầm non. Lại không rõ sau này hưởng chế độ như thế nào. Tôi rất lo lắng.”

Các giáo viên thuộc diện dôi dư phải đi đào tạo trung cấp mầm non là giáo viên nữ nhóm II (Ảnh: Bạn đọc cung cấp)

Về vấn đề này, ông An Hải Nam – Phó chủ tịch UBND huyện Lục Yên cho biết: Chúng tôi thực hiện theo chủ trương kế hoạch của tỉnh, vấn đề bằng cấp và hưởng bậc lương chúng tôi cũng thấy bất cập này chúng tôi cũng đã hỏi tỉnh nhưng tỉnh chưa trả lời.

Còn phía Phòng giáo dục và Đào tạo huyện Lục Yên, tuy không trả lời PV với lí do không được quyền phát ngôn nhưng thông qua nguồn tin bạn đọc cung cấp (băng ghi âm - PV) thì nguyên nhân của việc cử hàng loạt giáo viên nữ nhóm II đi học trung cấp mầm non là vì mầm non quá thiếu mà hiện tại lại chưa được tuyển mới, trong khi không thể điều giáo viên nam nhóm II đi dạy mầm non.

Từ thực tiễn đó câu hỏi dư luận đặt ra là: Đối với những người đã có bằng Đại học, cao đẳng từ trước, trong khi nhu cầu hiện tại của huyện phải có thì trước đây mới tuyển dụng, nếu đưa họ đi học trung cấp để chuyển sang một lĩnh vực khác thì có phải lãng phí nguồn nhân lực?

Đối với những người trong quá trình công tác được tạo điều kiện đi học để nâng bằng thì đều có sử dụng ngân sách Nhà nước, nếu không sử dụng liệu có lãng phí ngân sách Nhà nước? Giáo dục là quốc sách, quyền được học tập là một trong những quyền cơ bản hàng đầu, nhưng tình trạng thiếu giáo viên mầm non trầm trọng như vậy diễn ra trong một thời gian dài trong khi nhu cầu việc làm và đội ngũ nguồn nhân lực được đào tạo hàng năm rất dồi dào, nếu không muốn nói là thừa?

Đây là một đề án lớn ảnh hưởng sâu sắc đến nền giáo dục và đời sống cán bộ giáo viên ở địa phương, đã triển khai nhưng tại sao các giáo viên trong danh sách đi đào tạo lại vẫn chưa nắm được sau khi học xong họ sẽ được hưởng mức lương của hiện tại hay chuyển qua trung cấp?

Tìm hiểu thêm của PV cho thấy, theo đề án và báo cáo của UBND huyện Lục Yên sau một năm thực hiện đề án cho thấy, trong khi điều chuyển điều động 46 giáo viên tiểu học đi đào tạo lại làm giáo viên mầm non thì bậc tiểu học vẫn đang thiếu giáo viên nhóm I, trong trong thời gian tiếp theo vẫn phải tuyển thêm.

Giả sử nếu các giáo viên này sau khi đào tạo lại và xuống hẳn bậc mầm non mà vẫn hưởng bậc lương cao đẳng, hoặc đại học thì rõ ràng nguồn ngân sách đang được xem là thiếu nên mới để tình trạng thiếu giáo viên mầm non xảy ra ở tỉnh Yên Bái hiện nay thì lấy gì ra để chi trả cho giáo viên “chất lượng cao” – dạy mầm non nhưng ăn lương cao đẳng đại học.

Được biết nhiều giáo viên sẵn sàng bỏ nghề đã gắn bó bao nhiêu năm nếu phải hưởng bậc lương từ cao đẳng xuống trung cấp. Đây chính là bất cập cần mà quá trình thực hiện đề án sắp xếp lại quy mô trường lớp ở Lục Yên.

Công lý & Xã hội sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

NPV

Nguồn CL&XH: http://conglyxahoi.net.vn/ket-noi-ban-doc/yen-bai-giao-vien-lo-lang-khi-phai-hoc-tu-cao-xuong-thap-6125.html