Yên Bái: Có hay không hành vi vi phạm pháp luật tại dự án xây dựng cầu Tuần Quán?

Công ty CP Tập đoàn Quốc tế Đông Á được cho là đã 'bán thầu' cho nhà thầu phụ và hưởng phần chênh lệch hơn 60 tỷ đồng của gói thầu số 12 dự án thi công xây dựng cầu Tuần Quán ở TP. Yên Bái...

Bán thầu hưởng chênh lệch?

Báo Tài nguyên và Môi trường nhận được phản ánh về những vi phạm pháp luật tại gói thầu số 12 dự án thi công xây dựng cầu Tuần Quán, TP. Yên Bái, tỉnh Yên Bái, trong đó nhấn mạnh việc Công ty CP Tập đoàn Quốc tế Đông Á (đơn vị trúng thầu) có dấu hiệu bán thầu lại cho nhà thầu phụ và hưởng phần chênh lệch hơn 60 tỷ đồng.

Theo phản ánh, gói thầu số 12 dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Tuần Quán do Sở Giao thông vận tải tỉnh Yên Bái làm chủ đầu tư (đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án công trình giao thông Yên Bái).

Dự án xây dựng cầu Tuần Quán bắc qua sông Hồng, được khởi công từ tháng 06/2015, với tổng chiều dài 3,9 km, rộng 17 m, tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng. Trong đó, gói thầu số 12 thuộc dự án trên có tổng giá trị 323 tỷ đồng, được giao cho Công ty CP Tập đoàn Quốc tế Đông Á (gọi tắt là Công ty Đông Á) là nhà thầu chính.

Ngay sau khi ký hợp đồng với đại diện chủ đầu tư, ngày 02/08/2015, Công ty Đông Á đã ký Hợp đồng giao khoán với Công ty CP Xây dựng Thương mại Bắc Dương (gọi tắt là Công ty Bắc Dương) với tổng giá trị hợp đồng hai bên ký gần 164 tỷ đồng, tương đương hơn 50% tổng giá trị gói thầu số 12.

Có dấu hiệu bán thầu hưởng chênh lệch tại dự án xây dựng cầu Tuần Quán, TP. Yên Bái.

Điểm vô lý trong hợp đồng giao khoán này là trong phụ lục hợp đồng nói trên, Công ty Bắc Dương “cam kết sẽ chiết khấu lại cho Công ty Đông Á bằng 18% giá trị hợp đồng theo đơn giá trúng thầu. Công ty Đông Á có nghĩa vụ thanh toán cho Công ty Bắc Dương giá trị khối lượng thanh toán bằng 62% đơn giá trúng thầu với chủ đầu tư”.

Theo đó, với hiệu lực và phạm vi của Hợp đồng trên, Công ty Đông Á đã chuyển dự án cho nhà thầu phụ, cùng với đó, Công ty Đông Á được “bỏ túi” 38% tổng giá trị hợp đồng xây dựng cầu Tuần Quán (tương đương với hơn 60 tỷ đồng). Trên thực tế, Công ty Bắc Dương đã chuyển khoản gần 10 tỷ đồng vào tài khoản cá nhân của ông Nguyễn Quang Mãi, Chủ tịch HĐQT Công ty Đông Á.

Trả lời về một số vấn đề chuyển thầu, chiết khấu gói thầu và những vấn đề khác liên quan tới dự án, đại diện Ban Quản lý các công trình giao thông Yên Bái xác nhận, Công ty Đông Á là nhà thầu chính, độc lập thực hiện gói thầu số 12 xây dựng cầu Tuần Quán.

Về việc chuyển thầu giữa Công ty Đông Á và Công ty Bắc Dương có hay không vi phạm pháp luật, đại diện chủ đầu tư cho rằng, hiện các cơ quan chức năng đang điều tra, làm rõ một số nội dung liên quan đến công trình cầu Tuần Quán. Khi có kết luận chính thức của các cơ quan chức năng, phía chủ đầu tư sẽ thông tin cho báo chí.

Về trách nhiệm của Ban Quản lý các công trình giao thông Yên Bái trong việc chuyển thầu giữa Công ty Đông Á và Công ty Bắc Dương gói thầu số 12 xây dựng cầu Tuần Quán, ông Nguyễn Hồng Ba – Phó Giám đốc Ban quản lý các công trình giao thông Yên Bái cho biết, sau khi nhận phản ánh, kiến nghị, UBND tỉnh Yên Bái đã giao cho Sở Giao thông vận tải làm việc với các bên liên quan. Cụ thể, ngày 28/02/2018, Sở GTVT đã tổ chức các buổi làm việc với đơn vị có liên quan để làm rõ kiến nghị, phản ánh.

''Ngày 23/03/2018, Sở GTVT đã có Văn bản số 282/SGTVT-QQLCLCTGT trả lời nội dung phản ánh kiến nghị về dự án xây dựng cầu Tuần Quán. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Yên Bái cũng đã giao cơ quan Công an tỉnh điều tra, làm rõ các nội dung phản ánh. Hiện chủ đầu tư đang phối hợp với các cơ quan điều tra và chuẩn bị tài liệu để cung cấp cho Kiểm toán Nhà nước theo kế hoạch'', ông Ba nói.

Có dấu hiệu vi phạm Luật Hình sự

Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Văn Kiệm - Văn phòng Luật sư Phạm Sơn (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, hành vi trên không chỉ đặc biệt nghiêm trọng khi vi phạm Luật Đấu thầu, mà còn có dấu hiệu vi phạm Luật Hình sự vì không loại trừ khả năng họ thu lợi từ rút ruột công trình hoặc nâng khống giá công trình.

Ngày 28/02/2018, theo chỉ đạo của UBND tỉnh Yên Bái, Sở Giao thông vận tải tỉnh Yên Bái triệu tập cuộc họp với các bên liên quan để giải quyết kiến nghị của Văn phòng Luật sư Phạm Sơn. Tại đây, đại diện Công ty Đông Á cũng như đơn vị tư vấn giám sát công trình cho rằng, Công ty Bắc Dương - doanh nghiệp ký hợp đồng xây dựng hơn 50% giá trị công trình xây dựng của gói thầu số 12 là của ông Phạm Ánh Dương - Đội trưởng thi công của Công ty Đông Á. Vì vậy, việc Công ty Đông Á thu 38% giá trị hợp đồng xây dựng cầu Tuần Quán là chuyện nội bộ của hai công ty.

Theo Luật sư Kiệm, chủ đầu tư cần làm rõ số tiền 38% nhà thầu chính lấy ra từ công trình xây dựng cầu Tuần Quán là tiền rút ruột công trình hay tiền chủ đầu tư cùng các đơn vị liên quan nâng khống giá trị công trình, để nhà thầu chính tham nhũng tiền ngân sách của Nhà nước?

Ban Quản lý dự án công trình giao thông Yên Bái (Sở Giao thông vận tải) làm chủ đầu tư dự án xây dựng cầu Tuần Quán.

Được biết, vừa qua, UBND tỉnh Yên Bái đã đề nghị Thanh tra tỉnh, Công an Kinh tế và Kiểm toán Nhà nước vào cuộc điều tra làm rõ nghi vấn bán thầu ăn chênh lệch hơn 60 tỷ đồng tại gói thầu 12 dự án xây dựng cầu Tuần Quán. Ngay sau đó, Thanh tra tỉnh Yên Bái đã công bố quyết định thanh tra công tác đầu tư xây dựng cơ bản, tập trung vào dự án cầu Tuần Quán. Cơ quan Công an cũng đã thu thập hồ sơ để xem xét. Đồng thời, UBND tỉnh Yên Bái cũng có văn bản chỉ đạo Sở Giao thông vận tải tỉnh Yên Bái phối hợp cung cấp thông tin với Kiểm toán Nhà nước.

Về việc nhà thầu chính thu 38% giá trị hợp đồng (tương đương với 60 tỷ đồng) của doanh nghiệp xây dựng cầu Tuần Quán, Luật sư Nguyễn Văn Kiệm cho biết, về hành vi vi phạm của ông Nguyễn Quang Mãi, Chủ tịch HĐQT Công ty Đông Á trong thực hiện gói thầu số 12, dự án xây dựng cầu Tuần Quán là hành vi báo cáo, thông tin sai sự thật, gian dối trong thực hiện gói thầu.

Cụ thể, ông Nguyễn Quang Mãi với tư cách là người đại diện theo pháp luật Công ty Đông Á đã làm hồ sơ trình chủ đầu tư báo cáo ông Phạm Ánh Dương, Giám đốc Công ty Bắc Dương (doanh nghiệp ký hợp đồng xây dựng hơn 50% giá trị công trình xây dựng của gói thầu số 12) là Đội trưởng thi công của Công ty Đông Á là (vi phạm điểm c, khoản 4 Điều 89 Luật Đấu thầu).

Cũng theo Luật sư Kiệm, Công ty Đông Á là nhà thầu chính duy nhất, trong hồ sơ dự thầu không có nhà thầu phụ, tuy nhiên khi trúng thầu, Công ty Đông Á đã chuyển nhượng 100% gói thầu số 12 cho các nhà thầu khác.

Cụ thể, Công ty Đông Á đã chuyển nhượng cho Công ty Bắc Dương hơn 50% khối lượng công việc, yêu cầu Công ty Bắc Dương phải xuất hóa đơn đến 80% khối lượng công việc của toàn bộ gói thầu. Còn lại 20% công việc khác cho pháp nhân khác thực hiện. Như vậy, khẳng định Công ty Đông Á không thực hiện bất cứ công việc gì liên quan đến dự án cầu Tuần Quán, mà chuyển nhượng trái phép lại cho các doanh nghiệp khác là vi phạm điểm a, khoản 8 Điều 89 Luật Đầu thầu.

Việc ông Nguyễn Quang Mãi, Chủ tịch HĐQT Công ty Đông Á chuyển nhượng 100% giá trị gói thầu cho các nhà thầu khác thu lợi bất chính với tư cách cá nhân 38% giá trị công trình. Trên thực tế ông Nguyễn Quang Mãi đã nhận của Công ty Bắc Dương gần 10 tỷ đồng tiền chuyển nhượng trái phép gói thầu. Hành vi này là đặc biệt nghiêm trọng, thu lợi từ rút ruột công trình hoặc nâng khống giá trị công trình.

''Hơn nữa, việc chuyển nhượng không có hóa đơn, chứng từ là vi phạm điểm g khoản 1 Điều 222 Bộ Luật Hình sự. Ngoài ra, ông Nguyễn Quang Mãi có có dấu hiệu rõ ràng về hành vi trốn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân'', Luật sư Kiệm nhận định.

Để rộng đường dư luận, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã đặt lịch làm việc với Công ty CP Tập đoàn Quốc tế Đông Á và liên hệ với ông Phạm Ánh Dương nhiều ngày nay, tuy nhiên vẫn chưa nhận được phản hồi.

Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin.

Doãn Hưng - Đức Mậu

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/ban-doc/yen-bai-co-hay-khong-hanh-vi-vi-pham-phap-luat-tai-du-an-xay-dung-cau-tuan-quan-1251621.html