Yên Bái bùng nổ du lịch cộng đồng

Mấy năm gần đây du lịch cộng đồng đã trở thành hình thái du lịch được du khách trong và ngoài nước ưa chuộng. Đây là loại hình du lịch do chính người dân bản địa tổ chức, quản lý và phát triển.

Qua du lịch cộng đồng du khách khám phá những giá trị văn hóa truyền thống của từng vùng miền, từng dân tộc. Sự bùng nổ của du lịch cộng đồng để đáp ứng nhu cầu của du khách ngày một tăng…

Khu nhà nghỉ cộng đồng Ecolodge Mucangchai ở xã Nậm Khắt

Khoảng chục năm nay gia đình chị Hoàng Thị Phượng ở bản Đêu, xã Nghĩa An, TX Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái không mấy khi vắng khách, nhất là trong Tuần Văn hóa du lịch Mường Lò, khách đăng ký ăn nghỉ trước cả tháng trời. Hôm tôi đến chị đang tất bật chuẩn bị những món ăn dân dã của dân tộc Thái Mường Lò cho đoàn khách hơn chục người từ Pháp tới. Trong số đó có 3 đôi vợ chồng, nhà chị không đủ chỗ ở chị phải chia cho gia đình ông Chu Văn Dậu cách nhà chị chừng năm chục mét.

Nhà ông Dậu có nhiều cây quế mọc xanh um quanh nhà, ao cá trước cửa lăn tăn sóng nước thật mát mẻ và thanh bình phù hợp cho khách đến nghỉ dưỡng. Nếu khách đông hơn hai chục người thì chị Phượng gửi qua nhà chị Chu Thị Mặc cũng trong bản Đêu. Chị cho hay: Du lịch cộng đồng mới xuất hiện vài năm nay ở xã Nghĩa An, năm 2008 gia đình tôi tiếp nhận 9 đoàn khách du lịch của Cty A Mi Ka (Thân thiện) từ Hà Nội gửi lên, với tổng số khách là 39 người. Mới đầu cũng bỡ ngỡ lắm, bởi đã bao giờ mình làm du lịch đâu? Trước tiên là sửa sang lại nhà cửa, mua sắm chăn đệm, xây nhà vệ sinh khép kín...

Với sự chân thành và tấm lòng chân thật của người miền núi, chị Phượng chế biến các món ăn của người Thái, như: Canh rau thập cẩm, nộm hoa chuối, xôi rau rớn, rau hoa ban, ngọn đu đủ ngoài ra là các loại rau thông thường cải bắp, xu hào, rau cải… Các món thịt có gà tần thuốc bắc, thịt băm gói lá dong nướng, thịt trâu sấy khô, trứng tráng, cá hun khói... Không ngờ những món ăn dân dã đó lại được khách ngoại quốc khen ngon, nhiều vị khách còn xắn tay vào cùng làm với gia chủ, rồi ghi chép rất tỷ mỉ cách làm từng món.

Khách nước ngoài đến nghỉ tại nhà nghỉ cộng đồng

Gia đình chị đón nhiều khách ngoại quốc, phần lớn là những người trung tuổi, họ rất thích đi lang thang vào những bản làng ngắm cảnh và xem cuộc sống của người dân, hỏi han đủ thứ. Những điều vô cùng đơn giản mà người dân bản địa ai cũng biết: Vì sao người ta cắm lá xanh ở chân cầu thang, khi được biết đấy là cấm người lạ lên nhà, vì trong nhà có người ốm. Nghe thế thì họ rất thích thú. Hoặc họ xúm vào giã gạo, sàng sảy hay dệt vải…

Chị giao cho chồng là anh Chu Văn Luật và cậu con trai làm hướng dẫn viên du lịch đạp xe đưa họ qua các bản: Bản Đêu, bản Đường, bản Mớ, bản Thón, bản Lanh, bản Viềng Công, bản Nụ, bản Vệ. Anh Luật kể rằng, rất nhiều khách nán lại xem cách dệt vải truyền thống của đồng bào, họ vô cùng ngạc nhiên và say mê nghe nghệ nhân Thanh Giảng biểu diễn các nhạc cụ của người dân tộc nơi đây.

Chị Hoàng Thị Phượng chuẩn bị giường chiếu cho khách

Cùng ở bản Đêu có gia đình bà Chu Thị Dương du khách trong và ngoài nước nhiều người biết đến gia đình bà bởi những món ăn truyền thống của người Thái: Pa pỉnh tộp, gà đen, thịt nướng gói lá dong, chân bò ninh với lá chua làm canh, người Thái gọi là món tin ngua canh phắc xổm lôm, thịt lợn sấy khô treo trên gác bếp, người châu Âu gọi là món thịt hun khói. Thịt hun khói ăn với xôi 5 màu uống rượu men lá rừng do các cô gái Thái chưng cất, thì nhiều chàng trai quên mất đường về là điều dễ hiểu...

Sau khi rượu đã ngà ngà say, thực khách còn được xem các thiếu nữ biểu diễn những điệu xòe Thái cùng những bài khắp (hát) gọi trong những đêm trăng sáng mông lung trên cánh đồng Mường Lò nhòa nhạt sương đêm, nhiều đoàn khách nán lại thêm một đêm nữa mới chia tay Mường Lò.

Khách ngoại quốc thích thú xem người Mông lựa lanh dệt vải

Ở bản Thái thị trấn Mù Cang Chải có 90 hộ dân, trong đó có 20 hộ làm du lịch cộng đồng, từ giữa tháng 8, khách đã đặt kín phòng nghỉ cho hết mùa lúa chín. Năm nào cũng vậy, cứ vào cuối tháng 9, khi lúa chín vàng trên các sườn núi, huyện Mù Cang Chải tổ chức Lễ hội khám phá danh thắng quốc gia ruộng bậc thang, hàng ngàn du khách từ khắp nơi ngược núi lên Mù Cang Chải chiêm ngưỡng mùa vàng.

Mấy năm nay Mù Cang Chải thêm mùa hoa cải vàng, tháng 5/2018 Triển lãm nghệ thuật cảnh quan “Mây pha lê” trên ruộng bậc thang La Pán Tẩn, khiến du khách lên huyện vùng cao này càng đông. Mùa du lịch năm nay, có thêm đua xe địa hình sẽ diễn ra tại Mù Cang Chải. Đây là sản phẩm du lịch mới chắc chắn sẽ thu hút cả chục ngàn du khách tới tham quan. Du lịch cộng đồng của tỉnh Yên Bái nhờ thế có cơ hội nở rộ.

Du khách ở nhà nghỉ cộng đồng

Xã Nậm Khắt giáp với tỉnh Sơn La, khi tuyến đường nối giữa Mù Cang Chải với huyện Mường La đã hoàn thành trong trong mấy năm nay đã kết nối nửa vòng cung Tây Bắc cho khách du lịch từ Sơn La sang Mù Cang Chải thuận tiện hơn. Ông Thào A Vàng đã cùng với bà Nguyễn Thị Minh Huyên xây dựng Ecolodge Mucangchai, với 6 ngôi nhà sàn trên một quả đồi nhìn ra cánh đồng Nậm Khắt.

Bà Huyên cho hay: Chúng tôi xây dựng khu Ecolodge Mucangchai năm 2016, đầu năm 2017 mới đón khách. Khách tới đây nghỉ chủ yếu là khách Tây, họ đến đông nhất vào những tháng cuối năm, còn khách Việt thì đến đây nghỉ vào mùa lúa chín. Mấy năm nay thêm mùa hoa cải, nên cũng khá đông khách. Chúng tôi phục vụ luôn việc ăn uống nếu khách có nhu cầu. Những món ăn của chúng tôi đều là những món ăn của đồng bào Mông: Bí đỏ, gà đen, khoai tây chiên giòn, thịt hun khói, cá suối nướng hoặc rán giòn… nên khách rất thích. Nhiều khách Tây lại thích vào nhà dân ăn để tìm hiểu phong tục tập quán của đồng bào dân tộc nơi đây.

Mỗi tuần Ecolodge Mucangchai trung bình đón vài chục người, trung bình mỗi tháng đón 300-400 khách. Vào mùa lễ hội, khách Tây hay khách Việt phải đăng ký trước cả tháng mới có chỗ nghỉ.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, chỉ mấy năm phát triển du lịch cộng đồng, đến nay tỉnh Yên Bái hiện có 25 thôn bản với 144 tham gia làm du lịch cộng đồng của các dân tộc: Mông, Dao, Tày, Thái. Nhiều khu du lịch cộng đồng đã nằm trong bản đồ du lịch cầm tay của khách ngoại quốc, như: Ngòi Tu, Ngòi Cụ huyện Yên Bình; Bản Đêu, Sà Rèn, Chao Hạ TX.Nghĩa Lộ; Giáp Luồng, Giáp Chảy, Tát Én huyện Lục Yên; Giàng B, Păng Cáng, Bản Hốc; Ao Luông, Gốc Bục huyện Văn Chấn; Bản Thái, Kim Nọi, Lìm Thái, Dền Thàng, Nậm Khắt huyện Mù Cang Chải… hàng năm các khu du lịch cộng đồng đón trên 20.000 lượt khách.

Khách ngoại quốc đến thăm Mù Cang Chải

Mùa hoa cải

Du khách chụp ảnh với người dân bản địa

Bay trên mùa vàng

Tổng doanh thu và đầu tư cho du lịch giai đoạn 2011 - 2017 của tỉnh Yên Bái là 1.550 tỷ đồng, trong đó doanh thu lưu trú 650,5 tỷ, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trên 12%. Yên Bái hiện có 150 cơ sở lưu trú, trong đó có 41 khách sạn, 76 nhà nghỉ du lịch, tổng số 2.000 phòng, trên 3.000 giường. Cty CP du lịch xanh Thịnh Đạt đang xây dựng khu Resort tại Mù Cang Chải với 25 ngôi biệt thự, khu nghỉ dưỡng Tú Lệ với hơn 20 ngôi nhà sàn sẽ chính thức đón khách vào năm 2019, nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách đến với Yên Bái hiện nay…

THÁI VŨ

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/yen-bai-bung-no-du-lich-cong-dong-post225508.html