Yemen, nơi trường học thành chỗ ở của người tị nạn

Nhiều trường học tại thủ đô Yemen không mở cửa, thay vào đó chúng trở thành nơi trú ẩn cho người tị nạn.

Trẻ em là nạn nhân thiệt hại nhiều nhất vì cuộc chiến tại Yemen - Ảnh: Internet

Yemen là đất nước hiện đang phải gánh một thảm họa nhân đạo kinh khủng nhất thế giới trong 100 năm qua. Theo Liên Hợp Quốc, cuộc khủng hoảng Yemen đang có nguy cơ trở thành một trong những nạn đói kinh hoàng nhất lịch sử loài người.

Phó tổng thư ký các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc Mark Lowcock từng nói rằng viễn cảnh nạn đói ở Yemen có thể sẽ là thảm họa "tồi tệ nhất mà bất cứ chuyên gia nào trong lĩnh vực này từng chứng kiến".

Ông Lowcock nói mạng sống của nhiều người dân ở quốc gia Trung Đông "đang bị đe dọa rõ ràng" bởi nạn đói, và khoảng 14 triệu người, tức một nửa dân số Yemen, có thể sẽ sớm phải phụ thuộc hoàn toàn vào viện trợ để sống sót.

Đất nước nơi trẻ em không có tuổi thơ

Ahmad, chín tuổi là một trong những trẻ em Yemen hiện sống với một cuộc đời "không có tuổi thơ". Hằng ngày em dành phần lớn thời gian để đá một quả bóng cũ vào một bức tường gạch gần lớp học nơi gia đình em đang lánh nạn.

Trong 6 tháng qua, đây là thói quen hằng ngày của em. "Nó giúp những ngày dài trôi qua nhanh hơn", Ahmad nói.

Trò chơi này cũng giúp Ahmad nhớ lại khoảng thời gian hạnh phúc của em trước đây. Mới 6 tháng trước, Ahmad sẽ dành phần lớn thời gian nghỉ trưa để chạy xung quanh với người bạn thân nhất Hesham, chơi bóng đá trong sân chơi của trường ở thành phố cảng Hodeidah.

Khoảng 445.000 người Yemen đã rời khỏi Hodeidah kể từ tháng 6.2018 - Ảnh: Reuters

Nhưng kể từ khi giao tranh diễn ra ở thành phố cảng Hodeidah, Ahmad đã phải có một trải nghiệm học đường khá "khác biệt".

Hiện, Ahmad cùng bố mẹ và em gái sống tị nạn tại ngôi trường Muhammad Abdullah Saleh ở thủ đô Sanaa. Cả gia đình em hiện đang phải ngủ trên những tấm nệm mỏng trên sàn nhà lạnh lẽo của trường học này. Có rất ít thức ăn ở đây và những người tị nạn phải tắm bằng những chiếc xô chứa nước bẩn.

Hodeidah, một thành phố lớn trên bờ Biển Đỏ của Yemen đang là chiến trường khốc liệt giữa lực lượng dân quân Houthis và Liên minh Saudi - UAE. Kể từ hè năm ngoái, 445.000 người Yemen đã rời khỏi thành phố này.

Với Ahmad cũng như hàng trăm ngàn trẻ em khác của Yemen, tuổi thơ của các em như đã chấm dứt khi chiến tranh ập tới kể từ năm 2014.

"Không có internet, không có máy tính, không có TV", Ahmad nói với Al Jazeera. "Mỗi ngày đều giống nhau. Điều đó thật sự rất nhàm chán.

Cha của Ahmad đã cố gắng cho con của mình hạnh phúc hơn bằng cách giúp em kết bạn với những đứa trẻ tị nạn khác. Nhưng mẹ của em nói rằng âm thanh đạn bom cũng như sự đói kém khiến cho em bị "tổn thất tinh thần nặng nề".

"Hành vi của nó đã thay đổi rất nhiều", mẹ Ahmed nói. "Cách nó cáu gắt với em gái nó, không một đứa trẻ ở độ tuổi này nên đối xử với thành viên gia đình của mình như thế".

Cuộc sống khốn khổ

"Tình hình [ở Hodeidah] đã làm tổn thương các con tôi", Abdulla Hasn, một trong những người Yemen đầu tiên chạy trốn khỏi Hodeidah khi các lực lượng thân chính phủ, được hỗ trợ bởi Liên minh Saudi - UAE, bắt đầu tiến vào thành phố.

Hiện đang sống trong lớp học nhỏ với 16 người thân của mình, Hasn nói: "Chúng [con tôi] khóc, yêu cầu tôi đưa chúng đến một nơi an toàn khác. Sau đó, tôi chuyển chúng đến Sanaa".

Lúc đó, Hasn không thể đưa các con đi lánh nạn vì ông quá nghèo. Gia đình của ông chỉ có thể đến Sanaa sau khi ông được một doanh nhân "khá giả" đã cho họ vay 50.000 riyal Yemen (100 USD) cho hành trình này.

Nhiều người tị nạn phải sống trong trường học vì tại tị nạn quá tải - Ảnh: AP

"Tôi nhận được tiền và ngay lập tức đi tới Sanaa cùng với vợ, bảy đứa con, em gái và bảy đứa con của cô ấy", Hasn kể lại.

Sau 6 giờ di chuyển, cả gia đình Hasn đã tới Sanaa thủ đô của Yemen, một thành phố đang phải gồng gánh mọi thứ sau hơn 4 năm bị liên minh Ả Rập không kích. Với việc các trại tị nạn tràn ngập người, trường học là nơi trú ẩn cuối cùng mà người tị nạn có thể ở, Hasn cho biết.

Nhìn chung các gia đình tị nạn phải sống trong một một trường vô cùng tệ, hơn 10 người sống trong một phòng học, chăn và đĩa bẩn nằm la liệt dưới sàn, mùi nấm mốc và phân lan tỏa khắp hành lang...

"Chúng tôi tồn tại nhờ cơm và bánh mì. Tôi không có đến một riyal trong người", Hasn nói.

Hầu hết những người tị nạn cho biết nếu họ biết trước chuyện này, chắc họ thà ở Hodeidah còn hơn chuyển đến thủ đô.

"Bi kịch thực sự"

Ghamdan Abu Ali, một nhà báo, người tị nạn từ Hodeidah cho biết tình hình của những người tị nạn ở thủ đô Sanaa rõ ràng là một "bi kịch" tiềm ẩn khác của cuộc chiến. Ali cho rằng "bi kịch" này chỉ có thể chấm dứt khi cuộc chiến tại Hodeidah chấm dứt và "mọi người có thể trở về nhà của họ để sống với nhân phẩm của mình".

"Cư dân từ Hodeidah đã trốn sang nhiều địa phương khác như Sanaa, Dhamar và Hajjah. Họ đã từ bỏ mọi thứ trong thành phố của mình. Hiện họ đang phải trải qua điều kiện sống quá khắc nghiệt", ông Ali nói.

Những người có tiền cũng chật vật, khi nhiều chủ nhà tại thủ đô tận dụng tình hình và tăng giá nhà.

"Một căn hộ có thể được cho thuê với giá 60 USD một tháng trước đây, hiện đang được cho thuê với giá 100 USD", ông Ali cho biết.

Saba Al-Mualemi, một nhân viên truyền thông của Tổ chức Di cư Quốc tế ở Yemen (IMO) cho biết những người đi tị nạn gần đây "đã nhận được viện trợ gồm thực phẩm, nệm, chăn và vật dụng làm sạch". Tuy nhiên, những viện trợ chủ yếu chỉ đủ để giảm bớt sự đau khổ của họ.

Cha của Ahmad cho biết ông hy vọng các vòng đàm phán hòa bình có thể sẽ giúp tình hình cải thiện. Nhưng với việc cuộc chiến tại Hodeidah hiện không có dấu hiệu chấm dứt, ông lo sự đau khổ đang diễn ra có thể ăn mòn ở chút kiên cường và lạc quan cuối cùng ở những đứa con của ông.

Ái Vi (theo Al-Jazeera)

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/ho-so-c-122/yemen-noi-truong-hoc-thanh-cho-o-cua-nguoi-ti-nan-105432.html