Yemen chìm trong cuộc chiến ủy nhiệm

Ngày 30-10, không hẹn mà gặp, nhiều nước phương Tây đồng thanh kêu gọi các bên tham chiến tại Yemen ngưng các hành động thù địch và tiến hành đàm phán hòa bình dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc.

Trong một thông cáo ngày 30-10, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng “đã đến lúc chấm dứt thù địch”. Ông kêu gọi liên quân Arab ngưng không kích các khu vực đông dân ở Yemen.

Ngoại trưởng Mỹ cũng kêu gọi phe nổi dậy Houthi, vốn được Iran ủng hộ, ngưng phóng tên lửa nhắm vào Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis thúc giục các bên mở đàm phán hòa bình trong vòng từ nay tới 30 ngày nữa. Lãnh đạo Lầu Năm Góc cho biết, ông nghĩ rằng Saudi Arabia và UAE đã sẵn sàng đàm phán.

Cho tới nay Mỹ vẫn ủng hộ liên quân Arab do Ryiadh đứng đầu tham gia can thiệp tại Yemen và cũng là quốc gia cung cấp vũ khí chính cho Saudi Arabia.

Trở lại lịch sử, tháng 3-2015 Saudi Arabia dẫn đầu liên quân quốc tế gồm 10 nước Hồi giáo theo hệ phái Sunni để giành lại Sanaa. Anh, Pháp, Mỹ hậu thuẫn cho Liên minh Arab. Lợi dụng tình hình tranh tối tranh sáng, các tổ chức Hồi giáo cực đoan, như Aqpa (chi nhánh của Al Qaeda trong vùng) hoạt động mạnh không kém IS.

Cuộc chiến khốc liệt với sự can dự của saudi arabia tại Yemen cần phải chấm dứt.

Năm 2016, Mỹ trực tiếp can thiệp vào chiến sự Yemen, qua nhiều kênh: hỗ trợ hậu cần cho không quân Saudi Arabia, điều tàu chiến đến Địa Trung Hải và dùng máy bay không người lái tấn công các tổ chức thánh chiến tại Yemen.

Bộ trưởng Quốc Phòng Pháp, Florence Parly, hôm 30-10 phát biểu trên kênh truyền hình BFM-TV, đã thể hiện quan điểm khác với thái độ vốn rất thận trọng của Paris về cuộc khủng hoảng Yemen. Bà Parly cho rằng chiến dịch can thiệp quân sự của liên quân Arab do Ryiadh đứng đầu nhắm vào lực lượng Houthi là “không có lối thoát” và đã tới lúc phải dừng lại. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp nhắc lại là cuộc chiến ở Yemen do Saudi Arabia cầm đầu đã gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa từng có.

Theo ước tính của Tổ chức độc lập Acled, từ tháng 1-2016 đến tháng 9-2018, có tới 50.000 người đã thiệt mạng trong cuộc chiến ở Yemen. Liên Hiệp Quốc thì nhận định hàng triệu người Yemen đang lâm vào một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng nhất trên thế giới.

Việc ủng hộ Saudi Arabia tiến hành cuộc chiến ở Yemen đã khiến phương Tây lúng túng nhiều phen. Ngày 9-8-2018, một chiếc xe buýt chở học sinh tại tỉnh Saada, Yemen, bị trúng đòn oanh kích của liên minh quân sự Saudi Arabia và UAE. Cộng động quốc tế phẫn nộ trước hình ảnh 51 người chết, 79 người bị thương, những người thoát nạn dính đầy máu cố thoát khỏi chiếc xe.

Theo CNN, quả bom nhắm vào chiếc xe buýt trên là một quả bom dẫn đường bằng laser do Mỹ sản xuất và cung cấp cho đồng minh. Đây là thảm kịch mới nhất mà nạn nhân là thường dân do các trận oanh kích của quân đội Saudi Arabia. Tuy nhiên, cuộc nội chiến đẫm máu ở Yemen lại không được cộng đồng quốc tế chú ý như tình hình ở Syria. Tính đến nay, trên tổng số 6.000 thường dân Yemen thiệt mạng, có khoảng 4.300 người chết dưới làn đạn của khoảng 18.000 trận oanh kích bởi liên quân Arab.

Sau vụ việc này, phương Tây tỏ chút bối rối về các hợp đồng bán vũ khí cho Riyadh, vì nhiều loại trang thiết bị do họ sản xuất được sử dụng vào các trận oanh kích, trong đó một phần nhắm vào thường dân, do tính toán sai lầm vì phi công Saudi Arabia thiếu chuyên nghiệp. Riyadh tìm mọi cách tránh bàn về các hợp đồng mua vũ khí. Từ năm 2001 đến 2015, các doanh nghiệp châu Âu đã xuất 57 tỉ euro vũ khí cho Riyadh, nhà nhập khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (Sipri).

Đầu tháng 9-2018, Thủ tướng Tây Ban Nha, Pedro Sanchez, quyết định hủy hợp đồng bán 400 quả bom dẫn đường bằng laser, mà chính phủ bảo thủ tiền nhiệm đã ký với Saudi Arabia năm 2015, nhằm tránh bị sử dụng ở Yemen. Quyết định được các tổ chức nhân đạo hoan nghênh, còn Riyadh kịch liệt phản đối.

Chiến binh Houthi tại Yemen.

Nhưng ngay sau đó, Madrid buộc phải đổi ý, do Riyadh dọa hủy hợp đồng mua 5 hộ tống hạm của Tây Ban Nha. Hợp đồng quan trọng này được thực hiện ở khu xưởng Cadix (vùng Andalucia) nơi được đầu tư 1,8 tỉ euro và tạo khoảng 6.000 việc làm, trong khi tỉ lệ thất nghiệp ở vùng này lên đến 27%.

Với Paris, Saudi Arabia không phải là một khách hàng mà là một đồng minh. Vì vậy, Tổng thống Pháp Macron cho rằng cần tôn trọng các hợp đồng đã ký. Tuy nhiên, các loại vũ khí được cho là sử dụng tại Yemen cần được tăng cường giám sát. Quyết định cho phép xuất khẩu vũ khí sang Trung Đông được xem xét mỗi tháng một lần. Từ giờ, giấy phép theo yêu cầu của các bên tham gia cuộc chiến Yemen sẽ được nghiên cứu tại các cuộc họp đặc biệt ở phủ Thủ tướng.

Nhiều tổ chức phi chính phủ và khoảng 50 nghị sĩ Pháp đã yêu cầu Paris ngừng bán vũ khí cho Riyadh.

Anh, nước ủng hộ mạnh mẽ chính quyền Riyadh, vừa tiếp tục bán vũ khí, vừa kêu gọi giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Yemen. Theo thống kê của Chiến dịch Chống bán vũ khí cho Saudi Arabia (CAAT), từ năm 2015, London đã cho phép bán 5,2 tỉ đô la vũ khí cho Riyadh, chủ yếu là máy bay tiêm kích ném bom Eurofighter Typhoon, bom dẫn đường bằng laser Paveway và tên lửa Brimstone.

Thủ tướng Anh một mặt bày tỏ “quan ngại sâu sắc về tình hình nhân đạo ở Yemen”, mặt khác vẫn ký một biên bản ghi nhớ thỏa thuận bán 48 chiến đấu cơ Eurofighter Typhoon có trị giá vài tỉ đô la cho Saudi Arabia.

Tại Đức, tuần báo Der Spiegel đưa tin ngày 19-9 rằng chính phủ đã cho phép xuất khẩu sang Saudi Arabia hệ thống định vị cho xe tăng, cùng với 48 đầu đạn và 91 tên lửa dành cho chiến hạm của của vương quốc Hồi giáo này. Phe đối lập chỉ trích mạnh mẽ quyết định trên. Nhưng với Chính phủ Đức, đây là một bước nằm trong khuôn khổ Berlin và Riyadh xích lại gần nhau trên phương diện ngoại giao.

Về vai trò của đồng minh Trung Đông trong cuộc chiến ở Yemen, trong bài diễn văn ngày 25-9 của Tổng thống Mỹ trước Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc không đề cập, mà chỉ lấy làm tiếc về “cuộc nội chiến kinh hoàng, tồi tệ ở Yemen”.

Tuy nhiên, ông trấn an rằng Saudi Arabia và UAE “đã hứa hàng tỉ đô la” để giúp người dân Yemen, đồng thời cả hai nước tìm mọi hướng để chấm dứt cuộc xung đột này.

M.T. (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/yemen-chim-trong-cuoc-chien-uy-nhiem-518640/