Yamaha Việt Nam tiếp tục 'đánh rơi' 20% doanh số, nhường thị phần về tay Honda

Doanh số bán xe của Yamaha sụt giảm tới gần 20% trong năm 2019 trong khi đó thị phần của Honda tiếp tục gia tăng tại thị trường Việt Nam.

Doanh số bán xe của Yamaha tiếp tục sụt giảm. Ảnh minh họa: Internet

Năm 2019, thị trường xe máy Việt Nam sụt giảm 3,7% dù môi trường kinh tế vẫn khá tích cực. Hãng xe đứng đầu thị trường Honda đã thiết lập doanh số kỷ lục trong khi đối thủ đầu bảng tại Việt Nam là Yamaha đã đánh mất khoảng 20% doanh số dẫn tới thị phần tiếp tục sụt giảm.

Theo Motorcycles Data, ngành công nghiệp xe 2 bánh Việt Nam thống trị bởi năm nhà sản xuất chính gồm: Honda, Yamaha, Suzuki, SYM và Piaggio. Các nhà sản xuất này thuộc Hiệp hội VAMM và chiếm hơn 97% tổng dung lượng toàn thị trường (số liệu này bao gồm cả xe sản xuất và nhập khẩu trong nước ).

Thị trường xe máy tăng trưởng ổn định suốt 4 năm qua nhưng sang năm 2019 bắt đầu sụt giảm. Theo số liệu thống kê, toàn thị trường bán ra 3,271 triệu xe máy các loại, giảm 3,7% so với năm trước.

Hãng xe máy lớn nhất thị trường Việt Nam là Honda đã phá vỡ kỷ lục doanh số mới với 2,57 triệu xe được bán ra, tăng 0,2% và đẩy xa khoảng cách so với các thương hiệu còn lại trên thị trường. Trong khi đó, đối thủ hãng đầu của hãng này là Yamaha đã sụt giảm tới 19,7% mặc dù hãng này đã ra mắt các mẫu xe mới nhằm cải thiện doanh số tại Việt Nam. SYM ở vị trí thứ 3 với doanh số tăng 5,2%. Các vị trí tiếp theo là Piaggio (giảm 0,2%) và Suzuki (-1,1%).

Trong số các thương hiệu nhập khẩu, Benelli bất ngờ tỏa sáng, trong khi thương hiệu mới VinFast đã thành công với chiếc xe máy điện đầu tiên là VinFast Klara khi đã thu hút được sự chú ý của nhiều người dùng với doanh số bán ra khả quan.

Việt Nam là thị trường xe máy lớn thứ 4 thế giới với hơn 3 triệu xe bán ra mỗi năm và sự góp mặt của các nhà sản xuất hàng đầu thế giới như Honda, Suzuki và Yamaha (Nhật Bản), SYM (Đài Loan) và Piaggio của Ý. Các hãng xe này sản xuất tại Việt Nam với hơn 3 triệu chiếc mỗi năm và bán chủ yếu ở thị trường nội địa.

Năm 2011 thị trường Việt Nam từng đạt kỷ lục với 4,4 triệu chiếc xe máy được bán ra. Đây được cho là kỷ lục khó lặp lại.

Trong năm 2018, thị trường đạt mức tăng thứ 4 liên tiếp, với 3,38 triệu chiếc, chỉ đứng sau Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, và khoảng cách gần 1,4 triệu chiếc với Philippines là quốc gia đứng ngay sau.

Ở Việt Nam, xe máy là phương tiện di chuyển chính của các thành phố lớn. Xe máy hiện đang là phương tiện phục vụ 80% nhu cầu đi lại trong thành phố. Hiện, hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM đều đã đề xuất một kế hoạch cấm xe máy để giảm tắc nghẽn giao thông.

Tháng 8/2017, Hà Nội ban hành quyết đinh phê duyệt Đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường 2017 - 2020 tầm nhìn 2030. Theo dự án được phê duyệt, Hà Nội có thể hạn chế và vấm xe máy tại các quận nội thành vào năm 2030.

Sau Hà Nội, vào tháng 8/2018, Thành phố Hồ Chí Minh cũng ban hành dự án Tăng cường giao thông công cộng kết hợp với điều khiển phương tiện cơ giới tại Thành phố Hồ Chí Minh. Theo dự án này, Thành phố Hồ Chí Minh có thể hạn chế xe máy ở một số quận trung tâm và tiến hành cấm xe máy vào năm 2030.

Nguồn ICTNews: https://ictnews.vietnamnet.vn/cong-nghe-360/o-to-xe-may/yamaha-viet-nam-tiep-tuc-danh-roi-20-doanh-so-nhuong-thi-phan-ve-tay-honda-194469.ict