Ỷ Vân Hiên thể hiện mỹ thuật thời Trần qua bộ sưu tập 'Nguyên Lai Y Cựu'

Trong khuôn khổ các hoạt động của Festival Áo dài Quảng Ninh 2020 - Miền Di sản, được tổ chức vào ngày 26/12 tới đây, Công ty Cổ phần Ỷ Vân Hiên sẽ góp mặt kể câu chuyện về những di sản của Quảng Ninh thông qua bộ sưu tập 'Nguyên Lai Y Cựu', tái hiện mỹ thuật độc đáo thời Trần.

Họa tiết hoa cúc dây được lấy từ nguyên mẫu hiện vật đĩa men ngọc trang trí cúc dây thời Trần được tái hiện trên mẫu áo dài của Ỷ Vân Hiên (Ảnh:HP)

Họa tiết hoa cúc dây được lấy từ nguyên mẫu hiện vật đĩa men ngọc trang trí cúc dây thời Trần được tái hiện trên mẫu áo dài của Ỷ Vân Hiên (Ảnh:HP)

Đây là bộ sưu tập mới nhất năm 2020 của Ỷ Vân Hiên lấy từ ý thơ của Vua Trần Anh Tông nhằm tái hiện lại những nét độc đáo của mỹ thuật thời Trần.

Theo ông Nguyễn Đức Lộc - Giám đốc Công ty Cổ phần Ỷ Vân Hiên, bộ sưu tập "Nguyên Lai Y Cựu" gồm 20 mẫu thiết kế lần đầu được phá cách mang đậm yếu tố thời trang và lấy cảm hứng từ mỹ thuật thời Trần.Các trang phục được nghiên cứu kĩ lưỡng về mặt tư liệu, tuân thủ chặt chẽ quy tắc may trang phục cổ, lựa chọn cẩn thận về mặt chất liệu, hy vọng sẽ tạo luồng gió mới với nền thời trang nước nhà.

Họa tiết uyên ương trong trang phục lấy ý tưởng từ hiện vật ngói úp nóc được khai quật tại khu di tích Hoàng Thành Thăng Long (Ảnh:HP)

Trong nghệ thuật tạo hình thời Lý - Trần, họa tiết hoa sen, hoa cúc thường thấy trên đồ dùng như bát gốm men ngọc, bình hoặc thạp gốm hoa nâu, trên bia đá hoặc trên gạch lát nền. Trong bộ bộ sưu tập "Nguyên Lai Y Cựu", họa tiết hoa cúc dây được lấy từ nguyên mẫu hiện vật đĩa men ngọc trang trí cúc dây. Hoa cúc biểu trưng cho khí chất trong sạch, thanh lịch, sự trường thọ do sự bền bỉ lâu tàn của nó, do vậy họa tiết hoa cúc hàm ý cầu tuổi thọ dài lâu .

Ngoài ra trong bộ sưu tập còn sử dụng họa tiết uyên ương trong trang phục lấy ý tưởng từ hiện vật ngói úp nóc được khai quật tại khu di tích Hoàng Thành Thăng Long.Trong tạo hình nghệ thuật xưa, biểu tượng uyên ương tượng trưng cho sự hài hòa, êm ấm, chung thủy, hạnh phúc. Tượng uyên ương xuất hiện khá sớm vào khoảng thế kỉ X ở Hoa Lư và rất phổ biển vào thời Lý , Trần, Hồ. Hầu như tất cả các di tích kiến trúc thuộc 3 thời kì này như Hoàng Thành Thăng Long, các khu lăng miếu nhà Trần ở Đông Triều,... đều phát hiện thấy uyên ương.

Họa tiết rồng ổ được tái hiện trong bộ sưu tập (Ảnh:HP)

Đặc biệt bộ sưu tập còn sử dụng họa tiết rồng ổ trong bộ trang phục Bạch Bào phỏng dựng của Hoàng đế thời Lý- Trần.Ở bộ trang phục này, họa tiết rồng ổ được Ỷ Vân Hiên thiết kế dựa theo hiện vật thớt đá chạm rồng, niên đại thời Lý, phát hiện ở di tích tháp Chương Sơn, Ý Yên, Nam Định. Rồng theo quan niệm Á Đông là linh vật tối cao đại diện cho uy quyền của Hoàng đế, là 1 trong tứ linh (Long, Lân, Quy, Phượng), cũng là 1 trong tứ tượng (Thanh long , bạch hổ , huyền vũ , chu tước). Riêng với rồng thời Lý - Trần còn mang những nét đặc trưng trong nghệ thuật tạo hình rất độc đáo.

Thông qua bộ sưu tập của mình, Ỷ Vân Hiên không chỉ kể câu chuyện về mỹ thuật thời Trần mà cùng với 18 nhà thiết kế nổi tiếng trong cả nước cùng kể câu chuyện đặc sắc, ấn tượng về những di sản của vùng đất Quảng Ninh thông qua chiếc Áo dài Việt Nam./.

TT

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/y-van-hien-the-hien-my-thuat-thoi-tran-qua-bo-suu-tap-nguyen-lai-y-cuu-570137.html