Ý tưởng tiền ảo Libra rất thú vị nếu… không có Facebook

Ở nhiều khía cạnh, tiền ảo Libra có thể là một nhánh rẽ của tương lai, khi nó trở thành một loại tiền tệ điện tử dần phổ biến và ổn định. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về loại tiền này.

Bản thân Libra không xấu, nhưng công ty đứng sau nó đang khiến nhiều người quan ngại - Ảnh chụp màn hình CNN

Ngoài ra, nó có thể tăng quyền truy cập vào các dịch vụ tài chính cho những người không có điều kiện trả phí duy trì đắt đỏ của các ngân hàng truyền thống hiện nay. Nhưng viễn cảnh tươi sáng đó của Libra đang bị che khuất bởi một thực tại vốn đang là mối bận tâm lớn với xã hội: Facebook là công ty đứng sau đồng tiền này.

Theo CNN, hàng loạt chỉ trích nhắm vào các scandal rò rỉ dữ liệu của Facebook đã lan khắp các mặt báo và Ủy ban điều tra của Thượng viện Mỹ đã phải vào cuộc giám sát Libra, qua đó cho thấy các công ty mạng xã hội như Facebook đang là trở ngại lớn trong việc đưa tiền điện tử vào hoạt động trên thị trường. Sherrod Brown - một thành viên cấp cao của Ủy ban Thượng viện và Dân chủ Ohio đã thẳng thừng tuyên bố trong buổi điều trần rằng, “hầu như không ai có cảm giác tin tưởng vào Facebook cả”.

Các nhà lập pháp cũng không tin vào Facebook, bởi vết đen trong quá khứ của scandal rò rỉ dữ liệu cũng như các vụ can thiệp làm sai lệch thông tin ảnh hưởng đến kết quả bầu cử mà Facebook đã “nhúng chàm”. Các chuyên gia cho rằng việc hoài nghi Facebook là xác đáng. Theo họ, quyền lực thực sự của Libra bị Facebook nắm giữ và chỉ một lượng nhỏ các đối tác ở Thụy Sĩ có thể can thiệp.

Teho Phil Liu - Giám đốc pháp lý của công ty quản lý đầu tư tài sản kỹ thuật số Arca chia sẻ, “dường như họ nghĩ rằng họ có thể nhảy vào và làm bất cứ thứ gì họ muốn, sau đó luật pháp sẽ phải chạy theo và thay đổi để phù hợp với họ. Tôi không nghĩ họ hiểu cách vận hành của các cơ quan quản lý và các nhà lập pháp, những người phải giải quyết các chính sách và rủi ro của hệ thống”.

[VIDEO] Tiền ảo Libra của Facebook chưa ra đời đã gặp khó - Ảnh:

Nỗi lo về cách mà Facebook vận hành Libra

Hiện nay, các nhà lập pháp đang lo ngại các đối tác lớn của Facebook sẽ thúc đẩy họ sớm vận hành tiền điện tử và có thể khiến nó trở thành một đồng tiền dự trữ thay thế cho đồng đô la trên khắp thế giới. Dù hiện vẫn còn ít người dùng loại tiền điện tử và đòi hỏi phải có những kỹ năng nhất định để sử dụng. Nhưng với sự phổ biến của Facebook, họ có thể biến Libra trở thành đồng tiền ảo tiếp cận được hàng tỉ người trên thế giới thông qua Facebook, WhatsApp, Instargram và Messenger...

Bên cạnh đó, sự thống trị của Facebook cũng tạo ra nhiều mối quan ngại khác. Một khi đồng tiền ảo Libra được phổ cập, nó sẽ gây tổn hại đến khả năng quản lý và chính sách tiền tệ của các hệ thống tài chính truyền thống trên toàn cầu, gây ra những bất ổn sâu rộng cho cả nền kinh tế thế giới.

Nick Pappageorge, một nhà phân tích cao cấp của công ty dự báo thị trường CB Insights cho rằng: "Hiện có không ít quốc gia tự mày mò với các loại tiền tệ của họ, nếu đột nhiên có đồng tiền ảo nhảy vào chiếm chỗ - dù nó ổn định - thì nó sẽ ít nhiều làm mất khả năng quản lý của quốc gia đó". Dĩ nhiên, đó là một tương lai tồi tệ và thêm lý do để các nhà lập pháp không tin vào Facebook nếu để công ty này nắm vai trò đưa ra các quyết định về kinh tế toàn cầu.

Nghị sĩ Brown nói thêm, "CEO Mark Zuckerberg từng nói rằng Facebook có thể sẽ giống một (bộ máy) chính phủ hơn là một quốc gia, nhưng chúng ta đều biết rằng không ai trong số chúng ta bầu ông Zuckerberg. Họ không điều hành một chính phủ, thay vào đó họ đang điều hành một phòng thí nghiệm chỉ vì lợi nhuận".

Ông David Marcus - CEO mảng dịch vụ ví điện tử Calibra của Facebook tại một phiên điều trần của Ủy ban Dịch vụ Tài chính ở Quốc hội Mỹ vào hôm 17.7 qua - Ảnh chụp màn hình CNN

Đáp lại, Facebook nói rằng đó là lý do thúc đẩy họ thành lập Hiệp hội Libra độc lập, có trụ sở tại Thụy Sĩ để quản lý tiền tệ, nơi công ty không thể vươn tay tới. Để chứng minh, ông David Marcus - CEO Libra của Facebook nói với các nhà lập pháp rằng, hiệp hội này sẽ hợp tác với các ngân hàng trung ương để tránh vướng vào việc cạnh tranh với các loại tiền tệ chính thống.

Tuy nhiên, Jerome Powell - Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bác bỏ biện minh trên và cho rằng Libra là một “mối quan ngại nghiêm trọng” đối với kinh tế toàn cầu. Do vậy, Hội đồng giám sát ổn định tài chính của Fed và Bộ Tài chính Mỹ đã cùng nhau thành lập các nhóm công tác đặc biệt để đánh giá về tiềm năng và các mối quan ngại của Libra.

Không có Facebook thì sẽ không có Libra?

Theo phát ngôn viên của Facebook, họ sẽ không phát hành Libra nếu đồng tiền này “không nằm trong khuôn khổ” của mình, có nghĩa là họ sẽ không cho người dùng truy cập vào đồng tiền này nếu họ bị gạt ra khỏi tương lai của Libra. CEO Marcus của Libra nói với giới lập pháp, "chúng tôi nhận ra rằng mình mới chỉ bắt đầu cuộc hành trình này”.

Kể cả không có Facebook, bản thân Libra vẫn có thể ra mắt, nếu Hiệp hội Libra quyết định phát hành nó. Nhưng nó sẽ gần như vô dụng nếu 2,4 tỉ người dùng của Facebook trên toàn thế giới không thể truy cập nó. Ông Teho Phil Liu cho rằng, "nếu không có Facebook, nó sẽ giống như bất kỳ dự án tiền ảo nhỏ lẻ vô thưởng vô phạt khác". Do vâỵ̣, có vẻ như Facebook và các nhà lập pháp sẽ phải ngồi lại với nhau để tìm kiếm tiếng nói chung cho Libra, nhưng khi họ đã mất niềm tin vào Facebook thì đây là một câu hỏi khó với giới lập pháp.

[VIDEO] Facebook lấn sân thanh toán điện tử với Libra, khai thác sức mạnh 2 tỉ người dùng - Ảnh:

Hiện một số nhà lập pháp đã đưa ra đề xuất tạm dừng hoàn toàn dự án Libra, trong đó Maxine Waters - Chủ tịch Ủy ban Hạ viện Mỹ thậm chí còn đưa ra dự thảo cấm các công ty internet lớn tham gia vào các hoạt động tiền điện tử. Tuy nhiên, điều này không thể áp dụng với Libra được do Hiệp hội Libra không phải là một công ty đóng vai trò nền tảng của internet, chưa kể tính hợp pháp của dự luật vẫn đang là dấu hỏi lớn.

Có vẻ như giờ đây cả các cơ quan chính phủ Mỹ và Facebook đều đang mắc kẹt vào đồng tiền điện tử Libra, dù bản thân đồng tiền này không phải là xấu nhưng viễn cảnh thao túng kinh tế thế giới của công ty đứng sau nó khiến nhiều các nhà quản lý phải cảnh giác dù họ biết có những thứ không thể đơn giản “muốn cấm là cấm”.

Đâu là giải pháp cho bài toán khó này? Chúng ta hãy chờ xem.

Hữu Thắng

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/cong-nghe/y-tuong-tien-ao-libra-rat-thu-vi-neu-khong-co-facebook-1111999.html