Ý tưởng sáng tạo: Chiết xuất protein từ máu cá để làm thức ăn cho gia súc

Đề tài tận dụng nguồn phế liệu giàu protein như máu cá để làm thức ăn gia súc, làm phân hữu cơ hoặc bổ sung dinh dưỡng cho môi trường nuôi cấy vi sinh vật, kiểm soát ô nhiễm môi trường.

Sáng 2/12, tại TP. Đà Nẵng đã diễn ra Lễ trao giải thưởng cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2017. Cuộc thi có chủ đề “Khơi nguồn ý tưởng - Chìa khóa thành công” do Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng phối hợp với Thành đoàn Đà Nẵng tổ chức.

Đây là một trong những hoạt động thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” do UBND TP. Đà Nẵng chỉ đạo, nhằm nâng cao khả năng nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ từ những ý tưởng mới, độc đáo, sáng tạo của sinh viên.

Đề tài “Nghiên cứu các phương pháp thu hồi protein trong nước thải sản xuất chả cá (surimi) tại khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Đà Nẵng và đề xuất giải pháp kiểm soát ô nhiễm” đạt giải nhất chung cuộc.

Cuộc thi năm nay thu hút được sự quan tâm của hơn 150 sinh viên đến từ 9 trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố, với tổng cộng 43 đề tài thuộc 6 lĩnh vực. Hầu hết các đề tài đều có sự đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng của các bạn sinh viên.

Nổi bật trong số các đề tài nói trên là đề tài “Nghiên cứu các phương pháp thu hồi protein trong nước thải sản xuất chả cá (surimi) tại khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Đà Nẵng và đề xuất giải pháp kiểm soát ô nhiễm” của sinh viên Mai Thị Thanh Mai (Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng). Đề tài xuất phát từ thực trạng các nhà máy chế biến thủy sản thải ra một lượng máu cá rất lớn gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, nguồn phế liệu này lại rất giàu protein. Đề tài nghiên cứu phương pháp thu hồi lượng protein này để làm thức ăn gia súc, làm phân hữu cơ hoặc bổ sung dinh dưỡng cho môi trường nuôi cấy vi sinh vật. Việc tận dụng nguồn nguyên liệu bỏ đi này cũng góp phần giảm ô nhiễm môi trường. Đây là đề tài đã giành giải nhất chung cuộc.

Hệ thống giám sát chất lượng không khí” của nhóm sinh viên Phạm Trung Phong và Nguyễn Trần Phước (Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng) giành giải nhì.

Giải nhì của cuộc thi thuộc về đề tài “Hệ thống giám sát chất lượng không khí” của nhóm sinh viên Phạm Trung Phong và Nguyễn Trần Phước (Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng). Đề tài hướng tới vấn đề kiểm soát ô nhiễm không khí - một vấn đề nóng tại các đô thị hiện nay. Theo sinh viên Nguyễn Trần Phước, hệ thống được tạo ra nhằm phát hiện và cảnh báo khi không khí bị ô nhiễm. Từ đó giúp cho người dân có những biện pháp chủ động trong việc phòng tránh.

Hai đề tài đạt giải ba đều là những đề tài hướng đến các vấn đề xã hội như sức khỏe nữ giới, tình dục an toàn, đó là “Nghiên cứu tỷ lệ tiêm vắc xin HPV và các yếu tố liên quan ở sinh viên nữ tại các trường đại học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng năm 2017” (Đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng) và “Máy bán sản phẩm phòng the tự động” (Đại học Duy Tân).

Sản phẩm của sinh viên Đà Nẵng tại Ngày hội kết nối Ý tưởng Sáng tạo Khởi nghiệp 2017

Chia sẻ sau cuộc thi, TS. Vũ Thị Bích Hậu - Phó GĐ Sở Khoa học & Công nghệ Đà Nẵng, cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng khi nhìn thấy được tâm huyết của các em sinh viên trong suốt 5 tháng diễn ra cuộc thi. Hy vọng các đội thi có đạt giải hay không đạt giải vẫn sẽ tiếp tục cố gắng trên con đường nghiên cứu khoa học, tìm giải pháp mới cho các vấn đề nan giải của thành phố”.

Đánh giá về các đề tài đạt giải, TS. Vũ Thị Bích Hậu cho rằng, từ cuộc thi này, các đề tài cần phải có sự đầu tư, nghiên cứu thử nghiệm nhiều hơn để có thể phổ biến, ứng dụng rộng rãi một cách hiệu quả vào thực tiễn cuộc sống.

Hoài Ngọc

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/y-tuong-sang-tao-chiet-xuat-protein-tu-mau-ca-de-lam-thuc-an-cho-gia-suc-c7a595060.html