Ý tưởng kinh doanh 'độc, lạ' của 2 học sinh lớp 8

Em Nguyễn Trần Quỳnh Nga và Bùi Hương Giang đưa những họa tiết, hình ảnh của các tác phẩm chạm khắc gỗ đình làng vào nghệ thuật thiết kế, trang trí trên sản phẩm mĩ thuật ứng dụng hiện đại.

Nhóm tác giả cùng nhau đi thực tế tại các không gian văn hóa đình làng.

Nhóm tác giả cùng nhau đi thực tế tại các không gian văn hóa đình làng.

Đề tài “Giải pháp bảo tồn và quảng bá nghệ thuật chạm khắc gỗ đình làng trên các sản phẩm mĩ thuật” của 2 HS lớp 8, Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng đã xuất sắc giành giải Nhất Cuộc thi nghiên cứu khoa học dành cho HS phổ thông cấp thành phố năm học 2020 - 2021.

Đắm mình trong không gian nghệ thuật

Từ kiến thức đã học, đọc và quan sát từ thực tế, em Nguyễn Trần Quỳnh Nga và Bùi Hương Giang đưa những họa tiết, hình ảnh của các tác phẩm chạm khắc gỗ đình làng vào nghệ thuật thiết kế, trang trí trên sản phẩm mĩ thuật ứng dụng hiện đại như: Áo dài, túi vải gai bố, túi canvas, đồ gốm, sành sứ, bưu thiếp, bao lì xì…

Em Nguyễn Trần Quỳnh Nga - học sinh lớp 8C, một trong 2 tác giả của đề tài chia sẻ: Nghệ thuật chạm khắc đình làng vốn là nét đặc trưng làm nên bản sắc riêng cho văn hóa dân tộc. Với những nét mộc mạc, vui tươi, lành mạnh, đầy sinh lực, chạm khắc gỗ đình làng là nguồn tư liệu hấp dẫn và đầy tiềm năng đối với các thiết kế hiện đại.

“Hải Phòng có tiềm năng du lịch lớn, hội tụ, bảo tồn, tái hiện và tôn vinh nhiều danh thắng, di tích lịch sử của dân tộc. Nhưng qua quan sát thực tế, em thấy còn vắng bóng các mặt hàng đồ lưu niệm có giá trị tạo nên hình ảnh, “thương hiệu” riêng của Hải Phòng”, em Nguyễn Trần Quỳnh Nga chia sẻ.

Từ tình yêu mĩ thuật, dưới sự định hướng của cô giáo Trần Thị Bảo Châu, Quỳnh Nga và bạn cùng lớp Bùi Hương Giang đã nghĩ đến phương thức “kinh doanh nghệ thuật để bảo vệ nghệ thuật”. Đó là cách vận dụng những họa tiết, hình ảnh của các tác phẩm chạm khắc gỗ đình làng vào nghệ thuật thiết kế, trang trí hiện đại trên đồ lưu niệm để phục vụ khách du lịch thông qua đó quảng bá mĩ thuật dân gian Việt Nam. Đề tài “Giải pháp bảo tồn và quảng bá nghệ thuật chạm khắc gỗ đình làng trên các sản phẩm mĩ thuật” đã ra đời như vậy.

Sản phẩm của Hương Giang và Quỳnh Nga.

Từ ý tưởng đó, Hương Giang và Quỳnh Nga cùng nhau thu thập thông tin, tư liệu về chạm khắc gỗ đình làng. Ngoài đọc sách báo, các em đã nhờ thầy cô kết nối và phỏng vấn họa sĩ Sơn Trúc, người từng tiếp cận với thị trường nghệ thuật quốc tế và một học sinh đã từng nghiên cứu về đề tài tương thích để tìm ra cách làm phù hợp. Đồng thời, học sinh toàn trường được tham quan thực tế tại đình Đông Khê (quận Ngô Quyền) và đình Hàng Kênh (quận Lê Chân), để nghe, ghi nhớ, chụp ảnh tư liệu và chép họa tiết chạm khắc đình làng.

Ngoài ra, CLB Mĩ thuật Tiếp Nối của nhà trường tổ chức nhiều buổi sinh hoạt với các chủ đề khác nhau để cùng tìm hiểu về chạm khắc gỗ đình làng trên Internet. HS cùng nhau xây dựng ý tưởng thiết kế, in ấn thử nghiệm trên các sản phẩm. Khi những tác phẩm đầu tay ra lò chưa ưng lại được điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện thiết kế. Thành viên CLB cùng nhau biên soạn album bảng mã sản phẩm và viết thư mời tài trợ sản xuất mẫu sản phẩm… Qua mỗi buổi sinh hoạt, HS trong trường hào hứng với những trải nghiệm thú vị. Nghệ thuật chạm khắc đình làng đã chạm tới trái tim yêu nghệ thuật của các em.

Thầy Vũ Trọng Tài, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu chia sẻ: Nhiều năm nay, cứ mỗi dịp tết đến, xuân về, cô trò yêu hội họa Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu cùng nhau đến thăm các di tích lịch sử nổi tiếng của thành phố, như: Đình Hàng Kênh (quận Lê Chân), khu di tích Bạch Đằng Giang (huyện Thủy Nguyên).

Đặc biệt, năm học 2019 - 2020, ngoài việc cho HS trải nghiệm nét văn hóa đình làng, nhà trường còn mời đoàn nghệ thuật truyền thống của thành phố về hát chèo, hát chầu văn. Tại đây, các em được thưởng thức không gian văn hóa xưa của cha ông, thêm háo hức được mang công sức nhỏ bé của mình để bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc. Sắp tới nhà trường còn định hướng cho HS tìm hiểu, bảo tồn nét đẹp của văn hóa cha ông qua nghệ thuật ca trù, hát xẩm...

Kinh doanh nghệ thuật để bảo vệ nghệ thuật

Em Bùi Hương Giang chia sẻ: Nếu hiểu và khai thác được “kho báu” tiềm tàng trong dân gian để có giải pháp phù hợp không những góp phần nâng cao nhận thức, làm thay đổi hành vi của các bạn học sinh THCS trong bảo tồn và quảng bá hình ảnh đất nước, con người, bản sắc văn hóa Việt thông qua những sản phẩm mĩ thuật ứng dụng đặc trưng của Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng. Từ đó, có chiến lược tốt nhất để khai thác, quảng bá sản phẩm lưu niệm đến du khách, góp phần tạo doanh thu cho ngành du lịch, mà còn tìm được nghề phù hợp khi còn là học sinh THCS.

Bắt tay vào thiết kế, các em đã mạnh dạn đi tìm nhà tài trợ để tác phẩm của mình được quảng bá, lan tỏa rộng rãi. Sau khi nghe các tác giả trình bày kế hoạch, xây dựng cuốn Album bảng mã sản phẩm, một nhà may trên địa bàn quận Lê Chân đã tài trợ 15 triệu đồng. Mẫu sản phẩm của các em được trưng bày, giới thiệu trong một chuyên đề giáo dục STEM cấp thành phố.

CLB Mĩ thuật Tiếp Nối còn giới thiệu và bán sản phẩm trên Facebook, thu được 4,4 triệu đồng. 50% số tiền này các bạn để ủng hộ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả lũ lụt. Sau chuyên đề STEM cấp thành phố tổ chức tháng 11/2020, CLB đã sản xuất và bán được 40 túi vải gai bố, 50 túi vải canvas; thêu và vẽ trên 10 mảnh vải áo dài, 10 khăn quàng cổ; đạt tổng doanh thu là: 12,5 triệu đồng...

Cô Trần Thị Bảo Châu - giáo viên Mĩ thuật, Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu từng dìu dắt nhiều học sinh tham gia dự thi các môn về mĩ thuật và có nhiều giải quốc gia, thành phố. Qua các CLB, học sinh được thực tế trải nghiệm nhiều nơi, được cảm nhận và thổi hồn vào từng nét vẽ. Đề tài mà Hương Giang và Quỳnh Nga thể hiện, là ý tưởng thiết thực, hữu ích, phù hợp với lứa tuổi học sinh THCS.

Theo thầy Vũ Trọng Tài, bên cạnh việc học các kiến thức về các môn văn hóa, các em cần có thêm nhiều kỹ năng để chuẩn bị sẵn sàng hành trang bước vào cuộc sống. Đề tài của Quỳnh Nga và Hương Giang mở ra một hướng đi mới, khích lệ các em chuẩn bị sẵn sàng hành trang bước vào tương lai.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tre/y-tuong-kinh-doanh-doc-la-cua-2-hoc-sinh-lop-8-M2cYAyXGg.html