Ý thức bảo vệ môi trường thấp do… thuế?

Tình trạng ô nhiễm môi trường của Việt Nam đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. TS Nguyễn Mạnh Hải, Trưởng ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, nguyên nhân do thuế bảo vệ môi trường không điều chỉnh được hành vi tiêu cực và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường… Để làm rõ vấn đề này, phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Mạnh Hải.

PV: Thưa ông, vì sao ông cho rằng ý thức bảo vệ môi trường có thể được tác động bởi thuế?

TS Nguyễn Mạnh Hải

TS Nguyễn Mạnh Hải

TS Nguyễn Mạnh Hải: Hiện nay tại Việt Nam, chính sách thuế nhằm hạn chế sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm gây nguy hại đối với môi trường chưa phù hợp với thực tiễn. Số thu từ thuế bảo vệ môi trường chưa tương xứng với những tổn hại do hoạt động sản xuất, tiêu dùng gây ra. Ví dụ, nếu thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm nilon, phân bón, thuốc trừ sâu… cao hơn thì ý thức bảo vệ môi trường sẽ tốt hơn.

Cụ thể, hiện nay chúng ta sử dụng túi nilon tràn lan, điều đó có nghĩa là thuế đánh vào túi nilon chưa cao. Hiện mỗi kg túi nilon chỉ chịu thuế 50.000 đồng; thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng chỉ chịu thuế 500 đồng/kg; thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế là 1.000 đồng/kg… Mức thuế đó là chưa cao nếu so với mức độ ảnh hưởng tới môi trường. Rất nhiều nước đã dùng túi vải, túi giấy hoặc túi dùng nhiều lần… Đó không hẳn chỉ là ý thức người dân tốt, ở đây còn do các mức thuế cao dẫn đến việc điều chỉnh hành vi.

PV: Nhưng thuế cao sẽ gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Ông có nghĩ như vậy không?

TS Nguyễn Mạnh Hải: Bất cứ chính sách gì cũng đều có mặt tích cực và mặt tác động không mong muốn. Chính sách cho tăng trưởng xanh cũng sẽ có những tác động không mong muốn. Theo nghiên cứu của chúng tôi, cần điều chỉnh hầu hết các thuế suất của thuế bảo vệ môi trường, có thể điều chỉnh nhỏ hoặc lớn, xuất phát từ thực tế. Dĩ nhiên, cần nghiên cứu tác động mức độ nào là hợp lý để làm sao không chỉ bảo vệ môi trường mà còn phát triển kinh tế, nuôi dưỡng nguồn thu, để doanh nghiệp phát triển vì doanh nghiệp chính là hạt nhân của nền kinh tế. Khi chúng ta có cách nhìn, có điều chỉnh chính sách hợp lý hơn, sẽ mang lại kết quả tốt hơn.

PV: Vậy theo ông cần có những giải pháp gì để khuyến khích phát triển kinh tế hướng tới tăng trưởng xanh?

TS Nguyễn Mạnh Hải: Tôi cho rằng sử dụng công cụ chính sách thuế nhằm điều tiết nền kinh tế hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững ở Việt Nam là điều rất cần thiết hiện nay.

Nhằm khuyến khích sản xuất tiêu dùng xanh, Dự án “Nghiên cứu sử dụng công cụ chính sách thuế nhằm điều tiết nền kinh tế hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững ở Việt Nam” đã đưa ra những khuyến nghị thông qua chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp như: Miễn thuế cho đất đồi, núi trọc dùng vào sản xuất nông, lâm nghiệp, đất trồng rừng phòng hộ và rừng đặc dụng: khuyến khích sản xuất tiêu dùng xanh thông qua chính sách thuế giá trị gia tăng; hạn chế gây ô nhiễm môi trường thông qua chính sách thuế tài nguyên...

Sử dụng túi đựng nilon vẫn phổ biến ở Việt Nam

Về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, dự án cho rằng, cần được hoàn thiện cả về mức ưu đãi và thời gian ưu đãi nhằm thu hút có chọn lọc đầu tư vào phát triển ngành, lĩnh vực công nghệ cao, sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao; khuyến khích sản xuất năng lượng sạch; khuyến khích phát triển vận tải công cộng.

Đồng thời, dự án cũng khuyến nghị chính sách thuế bảo vệ môi trường thông qua việc tăng mức thu, đồng thời áp dụng kết hợp mức thu tuyệt đối và thuế suất; mở rộng phạm vi đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường để bao quát hết các sản phẩm gây tổn hại đối với môi trường.

PV: Nhiều nước trên thế giới đã và đang thúc đẩy tăng trưởng xanh một cách mạnh mẽ. Theo ông Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm gì từ những nước này?

TS Nguyễn Mạnh Hải: Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững ở các quốc gia đều hướng tới giảm phát thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển công nghệ xanh và các ngành công nghiệp sử dụng ít tài nguyên… Thái Lan, Malaysia, Nam Phi, Trung Quốc… đã miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải. Nhật Bản, Ba Lan, Hàn Quốc… ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp có hoạt động khoa học và công nghệ…

Tôi cho rằng, kinh nghiệm của các nước Đông Nam Á như Indonesia và Malaysia có thể áp dụng cho Việt Nam. Hai nước này đã có chính sách mạnh mẽ hơn cho các sản phẩm gây nguy hại cho môi trường. Đặc biệt, họ kiểm soát được rõ ràng hơn mức độ gây ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp…

PV: Xin cảm ơn ông!

Hiện nay tại Việt Nam, chính sách thuế nhằm hạn chế sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm gây nguy hại đối với môi trường chưa phù hợp với thực tiễn. Số thu từ thuế bảo vệ môi trường chưa tương xứng với những tổn hại do hoạt động sản xuất, tiêu dùng gây ra.

Tú Anh

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/y-thuc-bao-ve-moi-truong-thap-do-thue-530328.html