Y tế trường học - chuyện không riêng của ngành giáo dục

Tại tỉnh Nghệ An, hệ thống y tế trường học (YTTH) và đội ngũ nhân viên hiện còn thiếu và yếu; sự phối hợp giữa các ngành: Giáo dục, y tế, bảo hiểm xã hội (BHXH), chính quyền địa phương trong công tác YTTH chưa đồng bộ dẫn đến hạn chế về quyền lợi trong chăm sóc sức khỏe học sinh.

Vào đầu và cuối năm học, các cơ sở giáo dục tại Nghệ An đều tổ chức khám, phân loại sức khỏe cho học sinh để theo dõi quá trình phát triển thể chất, quản lý bệnh tật trong thời gian học tập tại trường. Theo đó, các trường phối hợp với trung tâm y tế huyện, các trạm y tế xã/thị trấn khám sức khỏe cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh. Tuy nhiên, chế độ khám sức khỏe cho học sinh đầu năm học chất lượng chưa cao, một số trường có tổ chức khám nhưng chưa phân loại sức khỏe để theo dõi.

Nhân viên y tế Trường Tiểu học Trung Đô (TP Vinh, tỉnh Nghệ An) khám sức khỏe cho học sinh.

Nhân viên y tế Trường Tiểu học Trung Đô (TP Vinh, tỉnh Nghệ An) khám sức khỏe cho học sinh.

Năm học 2017-2018, tổng số học sinh tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) tại Nghệ An đạt 95,30%, tăng 1,4% so với năm học 2016-2017. Nguồn kinh phí 7% được trích từ quỹ BHYT để các cơ sở giáo dục sử dụng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, như: Tổ chức khám sức khỏe, sửa chữa dụng cụ y tế, mua thuốc men... Hằng năm, thông qua BHYT, học sinh được hưởng quyền lợi khi đau ốm, bệnh tật đến điều trị tại các cơ sở y tế trong cả nước. Song, nhiều phụ huynh phản ánh việc được hưởng quyền lợi BHYT của học sinh còn hạn chế. Cô Phan Thị Hồng Mai, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Đô (TP Vinh, tỉnh Nghệ An), nói: “Trước đây, việc khám sức khỏe định kỳ cho học sinh sẽ do nhà trường phối hợp với trung tâm y tế dự phòng trên địa bàn tiến hành. Nhưng hai năm trở lại đây, quy định các trung tâm y tế dự phòng không có chức năng khám, chữa bệnh nên nhà trường phải tự liên hệ với các bệnh viện. Tuy nhiên, các bệnh viện luôn lấy lý do công việc nhiều, lực lượng không có hoặc có bệnh viện đồng ý hợp đồng khám nhưng lịch khám sức khỏe cho học sinh nhà trường không chủ động được về mặt thời gian mà phải phụ thuộc vào bệnh viện nên nhiều khi không thăm khám sức khỏe kịp thời cho học sinh”.

Theo phản ánh, từ năm học 2017-2018, BHXH bắt buộc nhân viên y tế trường học phải có chứng chỉ nghề, phòng y tế phải đạt chuẩn mới trích 7% quỹ BHYT cho nhà trường hoạt động y tế. BHXH còn truy thu cả quỹ hoạt động y tế những năm học trước, trong khi quỹ đó nhà trường đã chi cho các hoạt động y tế theo quy định, như: Mua dụng cụ y tế, chi phí việc liên kết khám sức khỏe định kỳ cho học sinh, phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh trường học... Cô Phan Thị Hồng Mai cho biết: “Hoạt động YTTH có chức năng sơ cấp cứu ban đầu cho học sinh, kinh phí hoạt động chủ yếu từ quỹ BHYT theo đúng quy định của Nhà nước. Đội ngũ nhân viên y tế tuyển dụng từ hàng chục năm trước đây đã tốt nghiệp trình độ từ trung cấp, cao đẳng, nay còn phải có chứng chỉ nghề. Những người có chứng chỉ nghề lại không mặn mà với công việc của nhân viên YTTH bởi công việc này phải kiêm nhiệm nhiều, lương lại thấp. Đây là một đòi hỏi “gây khó” cho nhà trường trong công tác y tế cũng như tuyển dụng nhân viên YTTH”.

Theo đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An: Cán bộ làm công tác YTTH chuyên trách còn thiếu, trình độ chuyên môn nghiệp vụ không đồng đều, còn nhiều hạn chế, giáo viên kiêm nhiệm công tác y tế thường xuyên thay đổi nên ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của công tác YTTH. Trong tổng số 1.583 trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An thì có 1.570 trường học có phòng y tế nhưng chỉ có 922 trường có cán bộ y tế chuyên trách, số còn lại đang sử dụng cán bộ kiêm nhiệm.

Tại Trường Tiểu học Bồng Khê (huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An), nhà trường có 3 điểm trường lẻ cách nhau khoảng 10km nhưng chỉ có một nhân viên y tế phụ trách. Cô Nguyễn Thị Minh Hồng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trường phải sắp xếp lịch để cán bộ y tế có mặt hai ngày tại một điểm trường. Đặc thù địa bàn miền núi xa xôi, cách trở mà cán bộ y tế chỉ có một người nên công tác YTTH gặp rất nhiều khó khăn, nhất là bảo đảm an toàn, kiểm duyệt thực phẩm cho bếp ăn bán trú”.

Không chỉ tại các trường học miền núi, thực trạng tại các trường học ở thành phố ở tỉnh Nghệ An cũng không khá hơn. Chị Ngũ Thị Tuyết, nhân viên y tế Trường Tiểu học Hưng Dũng 1 (TP Vinh) hiện phải kiêm nhiệm thêm công việc của văn thư, thủ quỹ, phụ trách theo dõi sức khỏe cho 1.700 em học sinh; phòng, chống dịch bệnh trường học, kiểm duyệt an toàn thực phẩm cho bếp ăn bán trú. Học sinh hiếu động, sức đề kháng yếu nên ngày nào cũng có trường hợp tai nạn thông thường. Khối lượng công việc quá nhiều nên cán bộ y tế ít có thời gian tập trung cho chuyên môn, dẫn đến việc theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho học sinh nhà trường còn hạn chế.

Với vai trò quan trọng của YTTH, thiết nghĩ, tất cả điểm trường phải có nhân viên y tế chuyên trách theo quy định, phải có phòng y tế riêng biệt, phải có nguồn kinh phí nhất định cho mặt công tác này. Thông tư liên tịch số 13-2016-TTLT-BYT-BGDĐT, ngày 12-5-2016 của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về công tác YTTHcó quy định trách nhiệm cụ thể của các ngành y tế, BHXH, chính quyền địa phương. YTTH không phải là chuyện của riêng ngành giáo dục, mà các ngành y tế, BHXH, chính quyền địa phương cũng cần có trách nhiệm, tham gia đồng bộ để bảo đảm quyền lợi về YTTH cho học sinh.

TRẦN HOÀI - HOA LÊ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/y-te-truong-hoc-chuyen-khong-rieng-cua-nganh-giao-duc-575552