Y tế Thừa Thiên Huế 'gồng mình' chống lũ

Những ngày này, tỉnh Thừa Thiên Huế đang có mưa to đến rất to. Mực nước sông Hương lúc 20h ngày 16/10/2020 duy trì mức báo động II (2,0m) và đạt dưới báo động III (3,5m). . Chiều 16/10/2020, đoàn công tác của Bộ Y tế đã đi kiểm tra thực địa tại 2 huyện Hương Trà và Quảng Điền, Thừa Thiên Huế.

Trạm y tế xã Hương Vân, huyện Hương Trà, Thừa Thiên Huế bị tốc mái

Trạm y tế xã Hương Vân, huyện Hương Trà, Thừa Thiên Huế bị tốc mái

Theo lãnh đạo Sở Y tế Thừa Thiên Huế, ngay từ đầu mùa mưa bão, ngành đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị xây dựng các tình huống cụ thể đảm bảo an toàn cho tính mạng người bệnh, nhân viên y tế, bảo vệ tài sản, các trang thiết bị của đơn vị khi có thiên tai, bão lụt.

Có phương án di chuyển những khoa, phòng có khả năng bị ngập úng. Có phương án đảm bảo thuốc, vật tư tiêu hao, nhiên liệu,… phục vụ công tác cấp cứu, chăm sóc người bệnh. Tăng cường giám sát phát hiện sớm và xử lý kịp thời không để dịch bùng phát.

Mưa lũ ngập sâu trên nhiều địa bàn Thừa Thiên Huế

Chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan và cơ quan quân sự tại địa phương, làm tốt công tác kết hợp quân dân y trong phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Có địa điểm phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, điện thoại đảm bảo thông tin liên lạc thường trực 24/24h khi có báo động cấp 2 trở lên.

Thực hiện chế độ trực, trực cấp cứu ngoại viện, báo cáo thường xuyên đột xuất theo quy định; duy trì nhiều tình hình thức thông tin liên lạc tuyệt đối không để xãy ra mất liên lạc trong mọi tình huống; tăng cường kiểm tra toàn bộ hệ thống báo cháy, phương tiện phòng cháy chữa cháy và những nơi có nguy cơ cháy nổ gây mất an toàn trong đơn vị.

Đoàn công tác của Bộ Y tế tặng thuốc, vật tư y tế cho ngành y tế Thừa Thiên Huế. Ảnh: Thượng Hiển

Sở Y tế Thừa Thừa Huế đã thường xuyên cập nhật tình hình diễn biến áp thấp nhiệt đới, để nhắn tin cho lãnh đạo các đơn vị trong ngành để triển khai phương án ứng phó.

Tăng cường cán bộ chuyên môn kỹ thuật (đặc biệt là bác sĩ ngoại sản) cho những vùng bị chia cắt. Củng cố các đội cấp cứu lưu động, đội xử lý môi trường và phòng chống dịch với đầy đủ y dụng cụ, thuốc men, hóa chất khử trùng nước cho các địa phương, đặc biệt là chủ động giám sát, phát hiện sớm bệnh dịch nói chung và bệnh dịch COVID-19 nói riêng để kịp thời huy động, bố trí lực lượng như đội cơ động phòng chống dịch xử lý kịp thời tại các vùng xảy ra ngập úng, lũ quét.

BS Nguyễn Công Sinh, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế, Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai & tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế trả lời phỏng vấn Báo Sức khỏe&Đời sống

Chỉ đạo các đơn vị khẩn trương xử lý môi trường tại các cơ sở y tế bị ngập ngay sau khi nước rút, đưa cơ sở y tế trở lại hoạt động thường xuyên để đảm bảo công tác khám chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh cho nhân dân trên địa bàn.

Triển khai tốt công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng hóa chất để xử lý nước sinh hoạt, xử lý môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng tránh các bệnh thường gặp trong và sau lũ lụt, tăng cường tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh.

Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố triển khai thường xuyên việc kiểm tra, giám sát công tác phòng chống thiên tai, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường tại các địa phương bị ảnh hưởng.

Song song với công tác phòng, chống thiên tai, bão lụt ngành y tế chủ động phối hợp các đơn vị, địa phương luôn quán triệt tinh thần vừa phòng, chống thiên tai vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các điểm sơ tán tập trung đông người.

Anh Văn (từ Thừa Thiên Huế)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/y-te-thua-thien-hue-gong-minh-chong-lu-n181552.html