Y tế số giải bài toán chăm sóc sức khỏe cho người dân

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) sẽ đồng hành cùng Bộ Y tế trong hành trình chuyển đổi số. Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng tại hội nghị Chuyển đối số ngành y tế diễn ra sáng nay (30/12) tại Hà Nội.

>> Xem thêm: Chuyển đổi số ngành Y tế - quyết tâm để người dân tiếp cận dịch vụ y tế thuận lợi và chất lượng hơn

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số y tế hay y tế số là sự phát triển tiếp theo của y tế điện tử nhưng có tính đột phá. Đột phá ở đây theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng là y tế điện tử sử dụng công nghệ thông tin và trọng tâm là nâng cao hiệu quả của các dịch vụ y tế như bệnh viện.

Y tế số dùng công nghệ số là chính và trọng tâm là tập trung vào người bệnh thay đổi mô hình cách thức dịch vụ y tế. Bệnh nhân nay sẽ trở thành khách hàng. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh, nếu như trước đây dữ liệu vốn bị bỏ quên thì nay lại trở thành tài sản lớn nhất và tạo ra sự khác biệt lớn nhất trong chăm sóc sức khỏe.

“Y tế số giải bài toán chăm sóc sức khỏe cho mọi người mọi lúc, moi nơi, và cá thể hóa, đây là mơ ước lớn nhất của nhân loại. Chuyển đổi số y tế có thể thực hiện hóa ước mơ này”, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng.

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam mới có 8 bác sĩ trên 1 vạn dân, bằng cách triển khai phần mềm tư vấn khám chữa bệnh từ xa, người dân ở 1 xã của Ninh Bình đã có thể kết nối hàng nghìn bác sĩ trên cả nước để tư vấn 24/24h. Đây có lẽ là cách giải quyết một phần vấn đề thiếu bác sĩ nhất là thiếu bác sĩ ở vùng sâu, vùng xa.

Một vấn đề nữa mà Bộ Trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhận định đó là, thực trạng tuyến trên thì quá tải và bệnh nhân thì phải đi xa tốn kém, trong khi tuyến dưới thì chưa hiệu quả. Việc triển khai hoạt động khám chữa bệnh từ xa các bệnh viện tuyến dưới được kết nối với các bệnh viện tuyến trung ương, thông qua hoạt động này các bác sĩ tuyến trên có thể chẩn đoán hình ảnh từ xa, tư vấn mổ từ xa cho bác sĩ tuyến dưới. Từ đó, bà con đã không phải tập trung tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hay các thành phố lớn khác.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long gặp gỡ các đơn vị giải pháp công nghệ y tế tại Hội nghị.

Chuyển đổi số y tế thể hiện quyết tâm của ngành y tế mang đến những gì tốt đẹp nhất cho người dân

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng khẳng định, chuyển đổi số y tế mà hôm nay chúng ta đi là hướng đi vô cùng tích cực để phát triển và sáng tạo các tài sản vô hình trong lĩnh vực y tế. Những giá trị mới mà chuyển đổi số mang lại vô cùng to lớn cho người dân, chuyển đổi số càng dùng thì càng rẻ, càng dùng các giỏi.

Đại dịch COVID -19 là cú hích lớn, nhất là với ngành y tế, năm 2020 ngành y tế có thay đổi về chuyển đổi số nhiều hơn so với hàng chục năm trước đó.

"Bộ TT-TT được Thủ tướng Chính phủ giao dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, trong đó có chuyển đổi số các ngành, Bộ TT-TT cam kết đồng hành cùng Bộ Y tế trong hành trình chuyển đổi số. Bộ Y tế hãy giao cho Bộ TT & TT chỉ đạo các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đưa công nghệ số vào mọi ngóc ngách của ngành y tế”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.

Với nền tảng khám chữa bệnh từ xa các bác sĩ tuyến trên có thể chẩn đoán hình ảnh từ xa, tư vấn mổ từ xa cho bác sĩ tuyến dưới giúp người dân không phải chuyển tuyến.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, Hội nghị hôm nay và sự ra mắt một số nền tảng chuyển đổi số y tế là thể hiện sự quyết tâm của ngành y tế và cá nhân đồng chí Bộ trưởng Bộ Y tế, truyền đi thông điệp mạnh mẽ về chuyển đổi số, ngành y tế cũng có bản kế hoạch hành động. Sự đi đầu của ngành y tế trong chuyển đổi số sẽ mang đến những gì tốt đẹp nhất cho người dân thu hẹp khoảng cách chất lượng y tế giữa miền xuôi và miền ngược.

Để tiến đến cột mốc chuyển đổi số toàn diện, song song với nỗ lực số hóa toàn bộ dữ liệu y tế, ngành y còn rất nhiều nhiệm vụ phải làm. Trong đó, giới chuyên gia nhận định, xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) y tế tập trung có thể coi là “xương sống” đảm bảo thành công của tiến trình chuyển đổi số y tế.

Tại các quốc gia phát triển, các bệnh viện lớn hay các chuỗi bệnh viện sở hữu CSDL y tế tập trung tại bệnh viện theo chuẩn dữ liệu Y tế quốc tế HL7 FHIR. CSDL y tế tập trung tại bệnh viện có thể chia sẻ dữ liệu với CSDL y tế tập trung quốc gia.

Thông tin dữ liệu y tế yêu cầu độ chính xác cao, theo thời gian thực, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe vì liên quan đến sinh mạng con người, và đòi hỏi sự bảo mật cao… Việc có CSDL y tế tập trung không chỉ giúp giải quyết các bài toán khám chữa bệnh mà còn mang ý nghĩa lớn với hoạt động của toàn ngành y và cho cả cộng đồng.

Bộ Y tế được đánh giá là điểm sáng trong thực hiện chuyển đổi số quốc gia

Đây cũng chính là 1 trong 10 sự kiện nổi bật nhất của ngành y tế năm 2020. Bộ Y tế là một trong hai bộ đưa 100% dịch vụ công cấp 4 lên môi trường mạng kết nối với cổng dịch vụ và cổng quốc gia; ứng dụng trí tuệ nhân tạo sử dụng hình ảnh X-quang phổi trong hỗ trợ chẩn đoán COVID-19. Việt Nam cũng đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác phòng, chống dịch COVID-19, như tờ khai y tế điện tử, ứng dụng truy vết Bluezone, bản đồ an toàn COVID-19, chẩn đoán điều trị COVID-19 từ xa. Bộ Y tế đã khai trương Cổng Công khai Y tế với dữ liệu trong các lĩnh vực: 62.438 dược phẩm, 17.066 trang thiết bị - vật tư y tế, 93.253 kết quả đấu thầu và hơn 1.400 cơ sở y tế công khai giá dịch vụ; Nền tảng Y tế Việt Nam (mạng nội bộ kết nối 100% cán bộ y tế toàn quốc), Nền tảng Y tế cơ sở - V20 (nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu y tế cơ sở, dùng chung cho 10.600 trạm y tế xã); 98 triệu hồ sơ sức khỏe được Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội thành lập trong 5 tháng để chuẩn bị cho việc khám, chữa bệnh không dùng giấy. Năm 2020 ngành y tế thực hiện những tiền đề quan trọng để vận hành nền y tế thông minh.

H.Nguyên

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/skds-do-la-khang-dinh-cua-bo-truong-bo-thong-tin-va-truyen-thong-nguyen-manh-hung-tai-hoi-nghi-chuyen-doi-so-nganh-y-te-dien-ra-sang-nay-tai-ha-noi-n184838.html