Y tế hấp dẫn nhà đầu tư theo hình thức công - tư

Hiện nay, làn sóng đầu tư vào ngành y tế Việt Nam đang phát triển mạnh do Nhà nước mở ra cơ chế kêu gọi vốn đầu tư PPP (đối tác công - tư). Các bệnh viện công đang đứng trước thách thức về tự chủ tài chính, cạnh tranh lành mạnh.

Làm gì để thu hút đầu tư vào y tế?

Tuy nhiên, việc kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư theo hình thức nào, nhu cầu nào, chính sách cụ thể ra sao để đạt được kết quả như mong muốn đang là câu hỏi khó cho các nhà đầu tư.

Những vấn đề trên được đưa ra và tìm cách để tháo gỡ đi đến việc kết nối, hiểu nhau giữa các lãnh đạo ngành và các nhà đầu tư tại hội thảo chuyên đề: “Ngành y tế cần làm gì để thu hút đầu tư?” do Hội Y học TPHCM và Hội Hành nghề y tư nhân TPHCM phối hợp cùng Thời báo Kinh tế Sài Gòn và Công ty DG Medical tổ chức vào sáng nay (29-3) tại TPHCM.

Theo PGS.BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP) là hình thức đầu tư mới ở Việt Nam và được nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến gõ cửa, lắng nghe với ý muốn đầu tư vào lĩnh vực y tế. Hiện nay, ngành y tế TPHCM cũng như Việt Nam gần đây đã đầu tư xây dựng nhiều bệnh viện lớn. Tuy nhiên, hiện nay sự quá tải trong các bệnh viện đầu ngành và bệnh viện chuyên khoa. Nhiều dự án xây dựng cụm bệnh viện tại Huyện Tân Kiên – Bình Chánh... rất cần các nhà đầu tư tư nhân góp vốn để hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, kỹ thuật công nghệ để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân. Tuy nhiên, khi đầu tư vào Việt Nam với hình thức này cần giải quyết 3 vấn đề quan trọng là kêu gọi đầu tư bằng nhiều hình thức nhưng phải tối ưu hóa đầu tư và tối đa hóa hiệu quả; không làm giảm chất lượng điều trị như vẫn giảm chi phí.

 Phiên 2 tại hội thảo chuyên đề: “Ngành y tế cần làm gì để thu hút đầu tư?”

Phiên 2 tại hội thảo chuyên đề: “Ngành y tế cần làm gì để thu hút đầu tư?”

Bác sĩ Dilshaad Ali, Cố vấn chuyên môn của DG Medical cho rằng Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh hiện nay với thu nhập người dân tăng cao, rất nhiều gia đình chi tiêu nhiều hơn cho tiêu dùng, và đây là cơ hội cho việc đầu tư các dịch vụ y tế cao cấp.

Việt Nam có quá trình đô thị hóa nhanh, dân số đang chuyển dần sang tầng lớp trung lưu, đồng nghĩa với việc tăng các cơ sở y tế tư nhân, tăng chi tiêu bình quân đầu người, phát sinh cho việc chi trả y tế tiếp tục tăng. Ngoài ra, các bệnh phát sinh do lối sống, giảm bệnh truyền nhiễm, tăng các bệnh không lây, 90% người dân có bảo hiểm y tế…

Bên cạnh đó, trong thời gian qua Việt Nam đã cho phép đầu tư vào hệ thống y tế để phát triển mạnh các chuyên khoa lâm sàng, cải thiện trải nghiệm của bệnh nhân. Do đó nhu cầu của người dân ngày càng tăng đối với các dịch vụ y tế cao cấp. Vì vậy nhiều nhà đầu tư cũng đã bắt đầu có được lợi nhuận nhờ đầu tư vào hệ thống khám chữa bệnh.

Theo BS Thượng, ngành y tế TPHCM có 4 yêu cầu thực tiễn cần làm. Một là “kéo ngược” bệnh nhân từ bệnh viện tuyến cuối về về tuyến huyện và các cơ sở khám chữa bệnh ban đầu. Hai là phát triển kỹ thuật chuyên sâu tại các bệnh viện tuyến cuối. Ba là phát triển cơ sở hạ tầng, đổi mới phục vụ và phát huy nguồn lực sẵn có để tăng hiệu quả của hệ thống y tế. Bốn là phát huy nguồn lực sẵn có tăng hiệu quả của hệ thống y tế trong hoạt động khám, chữa bệnh cho người dân.

Cần đơn giản hóa thủ tục đầu tư

Theo TS.BS Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM dẫn báo cáo của Bộ Y tế cho biết trong năm ngoái cả nước chỉ có 800 dự án đã phát triển với tổng số vốn 3.000 tỉ đồng là không nhiều. Y tế là ngành đặc biệt, đầu tư cho y tế là đầu tư cho sự phát triển. Trong lĩnh vực ung thư, mỗi năm tăng khoảng 10% số bệnh nhân mới.

Năm 2015, hai bệnh viện đã được hợp tác công – tư giữa Bệnh viện Ung bướu và Bệnh viện Hồng Đức. Với việc hợp tác này, hơn 1.000 bệnh nhân của bệnh viện sẽ được chuyển gửi đến bệnh viện Đa khoa Hồng Đức từ Bệnh viện Ung bướu TPHCM sau khi đã có chẩn đoán và có hướng điều trị rõ ràng, nhất là ở bệnh nhân phải chờ đợi lâu.Mỗi ngày sẽ có 4-5 bệnh nhân và 2 ê kíp mổ sẽ được điều sang Bệnh viện Đa khoa Hồng Đức. Với tốc độ này, một năm có thể giải quyết được cả ngàn bệnh nhân chờ mổ, bệnh nhân được điều trị sớm.

Năm 2018, mô hình hợp tác công tư PPP giữa Bệnh viện Nhân Dân 115 và Bệnh viện Gia An 115 theo nghị quyết 93 ban hành ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm góp phần tích cực trong việc giảm tải cho các bệnh viện công tuyến cuối tại TPHCM. Tuy nhiên, hiện nay Bệnh viện Gia An 115 vẫn thiếu trầm trọng nguồn nhân lực, bệnh nhân ít... do hiện nay cơ chế chỉ cho bác sĩ Bệnh viện Nhân dân 115 sang làm việc theo giờ hành chính, không mở ra cho cơ chế bác sĩ các bệnh viện khác tham gia khám bệnh ở bệnh viện này.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy vừa qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM than rằng, việc đầu tư theo hình thức PPP hiện nay hết sức khó khăn, còn nhiều rủi ro. Các quy định, quy chế còn chồng chéo. Khi nhà đầu tư mang tài chính đi đầu tư đòi hỏi phải có lợi nhuận, do đó, Nhà nước cần có chính sách hướng dẫn rõ hơn để thu hút các nhà đầu tư.

Ông Dilshaad Ali cũng cho biết, hiện tại có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực y tế, nhưng họ mong muốn Việt Nam đơn giản hóa thủ tục đầu tư, thuận tiện cho họ khi muốn bỏ vốn vào các ngành, trong đó có ngành y tế. Như vậy Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh để trở thành điểm đến đầu tư y tế hấp dẫn.

Theo các chuyên gia y tế tại hội thảo, hiện nay có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài lẫn trong nước đang muốn tham gia đầu tư vào ngành y tế, nhưng chính sách cũng như cơ chế hoạt động chưa rõ ràng, nhiều nhà đầu tư chờ đợi lâu quá đã mang tiền đi đầu tư ở nơi khác. Do đó, các nhà đầu tư mong muốn Nhà nước cũng như ngành y tế cần ngồi lại để lắng nghe xem các nhà đầu tư đang muốn gì và ngành y tế Việt Nam đang cần gì để các bên hiểu nhau và đầu tư hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, ngành y tế cần có những chuyên gia, ban tư vấn về việc đầu tư Y tế công – tư để đưa ra những chính sách thu hút đầu tư.

Hoàng Nhung

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/286805/y-te-hap-dan-nha-dau-tu-theo-hinh-thuc-cong--tu.html