Y sĩ Ngô Thanh Hà và 'bài thuốc' dân vận khéo

Trung bình, Trạm quân dân y Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, BĐBP Quảng Bình mỗi tháng khám và điều trị từ 120 đến 150 bệnh nhân. Với tính chất công việc như vậy, nhưng trạm chỉ có duy nhất Thiếu tá QNCN, y sĩ Ngô Thanh Hà thực hiện nhiệm vụ khám và điều trị cho bộ đội và nhân dân trên địa bàn.

Công việc chuyên môn của người thầy thuốc quân y bận bịu là thế, nhưng nhiều năm qua, Thiếu tá QNCN, y sĩ Ngô Thanh Hà còn đảm nhiệm chức vụ Phó bí thư Chi bộ bản Ka Ai (xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình). Anh còn làm công việc như một "cán bộ khuyến nông" của người Mày, người Chứt, người Khùa ở dải đất biên cương này.

Là Trạm quân dân y kết hợp, nên công việc của Thiếu tá QNCN, y sĩ Ngô Thanh Hà không chỉ chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ đơn vị, anh còn đảm nhiệm công việc khám, điều trị, chăm sóc sức khỏe cho người dân xã Dân Hóa. Có lúc anh còn điều trị hoặc sơ cứu ban đầu một số trường hợp người dân bị tại nạn giao thông...

Thiếu tá QNCN Ngô Thanh Hà khám bệnh cho nhân dân trên địa bàn.

Đến ngày mùa, Thiếu tá QNCN, y sĩ Ngô Thanh Hà lại trở thành “kỹ sư nông nghiệp”, "cán bộ khuyến nông" của bà con nơi đây. Năm 2012, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Bình, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cha Lo đã tiến hành khai hoang 5 ha lúa nước cho đồng bào ở bản Ka Ai. Người dân nơi đây vốn quen với lối canh tác phát đốt, trọc chỉa, nay chuyển sang làm lúa nước với cách thức hoàn toàn mới, chính vì thế, những người lính biên phòng gần như phải đảm nhiệm toàn bộ việc cày, bừa, ủ giống, sạ cũng như gặt lúa. Nhiều đêm khi vừa đặt lưng, chưa kịp chợp mắt anh lại nhận được tin báo, bản Y Leng có người đi rừng bị ngã gãy chân, bản Hà Vi có người đau bụng… thế là anh lại khoác vội chiếc áo ấm, cầm theo túi thuốc, tất tả đến giúp dân và trở về đơn vị khi trời đã chuyển sáng.

Ông Cao Xuân Xiêm, Trưởng bản Ka Ai cười bảo: “Bộ đội Biên phòng khi đã là người con của bản thì việc gì cũng đến tay, vậy nên bộ đội Hà thì vất vả với Ka Ai rồi”. Là quân y nên ở bản Ka Ai, từ người già đến trẻ nhỏ đều một tay anh Hà thăm khám mỗi khi ốm đau. Anh suy nghĩ, nếu một mình làm không xuể, thì phải “đẩy việc” vào tay người dân. Thế là anh vận động nhân dân ăn chín uống sôi, dọn dẹp vệ sinh môi trường. Nói thì dễ, làm mới khó, nhưng không vì thế mà anh không bắt tay vào việc. Mỗi tuần một buổi, y sĩ Ngô Thanh Hà kêu gọi mọi người cùng tham gia dọn dẹp vệ sinh đường đi trong bản, quét dọn nhà cửa cho ngăn nắp, sạch sẽ. Ban đầu, một số người từ chối bởi đây là việc xưa nay không ai làm, nhưng rồi bà con cũng hăng hái tham gia.

Ngày mùa ở bản Ka Ai.

Ngồi bên Thiếu tá QNCN Ngô Thanh Hà vào buổi chiều mưa, trong cái se sắt của ngày đông khiến con người ta dễ trải lòng. Anh tâm sự: “Cũng là phận con người mà sao người dân nơi đây khổ quá. Đi khám hỏi tuổi không biết, hỏi tuổi con cũng không hay. Bởi vậy mà tôi thấy thương bà con nhiều hơn”. Cạnh Trạm quân dân y kết hợp có mẹ con bà Cao Thị Tình. Trước đây bà Cao Thị Tình học hết lớp 3, tham gia làm cán bộ xã, cũng bởi vậy chẳng người đàn ông nào ở Dân Hóa dám… yêu và lấy làm vợ. Có ai đó “xúi” bà Tình “kiếm đứa con để nhờ lúc về già” nhưng bà chỉ lắc đầu bảo: “Mình cán bộ không làm thế được”. Rồi, tuổi xuân cứ thế trôi qua, bà Tình ở vậy chăm sóc mẹ già đã ngoài 80 tuổi. Cảm thương cho hai người phụ nữ đơn côi trong ngôi nhà ọp ẹp lại đều bị huyết áp cao, anh Hà luôn tận tình chăm sóc sức khỏe cho họ. Rồi chuyện nhiều lần khám cho bệnh nhân đau ruột thừa, gãy chân, anh yêu cầu người nhà đưa lên tuyến huyện. Thế nhưng một lúc sau ra cửa thấy bệnh nhân vẫn ngồi đấy, hỏi tại sao chưa đi, bệnh nhân buồn rầu bảo: “Không có tiền đi xe bác Hà ạ”. Không đắn đo, anh rút ví lấy tiền dúi vào tay bệnh nhân giục: “Phải đi xuống huyện chữa ngay, để lâu nguy hiểm lắm”. Những lúc ấy, bệnh nhân thì rưng rưng xúc động, còn anh thì day dứt, phải làm gì để người bệnh bớt khó khăn, có điều kiện chăm sóc sức khỏe của mình...

Thông qua Thiếu tá QNCN, y sĩ Ngô Thanh Hà, các bạn học cùng anh hiện đang công tác tại các bệnh viện lớn trong và ngoài quân đội đã quyên góp thuốc, thiết bị y tế để giúp đỡ nhân dân trên địa bàn biên giới. Năm 2017, anh Hà đã kêu gọi bạn bè ủng hộ thuốc và thiết bị y tế trị giá gần 20 triệu đồng.

Chia tay, Thiếu tá QNCN Ngô Thanh Hà tiễn tôi ra tận cửa. Anh bắt tay tôi thật chặt. Đôi bàn tay người thầy thuốc vốn được ví mềm mại như tay của người nghệ sĩ chơi đàn, nhưng bàn tay anh lại thô ráp, sần sùi như của người nông dân quanh năm lam lũ. Có lẽ, sự thô ráp ấy là bởi, anh đã âm thầm dâng hiến tuổi thanh xuân của mình cho bà con miền biên viễn.

Bài, ảnh: TRÚC HÀ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/y-si-ngo-thanh-ha-va-bai-thuoc-dan-van-kheo-532336