Y phục trong phim cổ trang: Tranh cãi chưa có hồi kết

Một dự án phim cổ trang vừa 'nhá' hình ảnh đầu tiên, thể nào cũng nổ ra cuộc tranh luận nảy lửa xung quanh chuyện xiêm y, váy áo. Yêu cầu 'chuẩn sử' đến từng đường kim mũi chỉ của khán giả trở thành nỗi ám ảnh với các nhà thiết kế phục trang cho dòng phim này.

Bộ phim điện ảnh dã sử "Quỳnh hoa nhất dạ" mới ở khâu tuyển chọn diễn viên nhưng đã gây ầm ĩ trên mạng xã hội. Cứ mỗi lần ekip tung hình ảnh nào liên quan đến phim là lại nổ ra một trận khẩu chiến. Đầu tiên là hình ảnh về cảnh thử trang phục của diễn viên - người mẫu Thanh Hằng. Cô đảm nhiệm vai Thái hậu Dương Vân Nga - nhân vật chính của phim. Bộ phụng bào mà Thanh Hằng mặc thử bị các "thánh soi" cho rằng nó mang hơi hướng triều Mãn Thanh, Trung Quốc.

Khi ekip tung bức hình thứ hai và một đoạn clip ngắn mô tả hình ảnh Thái hậu Dương Vân Nga thì cuộc tranh luận càng trở nên gay gắt. Nhiều người cho rằng chiếc nút trên phụng bào "lai căng" rõ ràng. Đến lúc này thì nhà thiết kế Thủy Nguyễn - người phụ trách trang phục phim "Quỳnh hoa nhất dạ", phải lên tiếng: "Đúng là chiếc nút áo trong bộ trang phục được làm hơi hướng mẫu nút áo của thời sau này. Chúng tôi đã có thể thiết kế một chiếc nút áo không giống kiểu nút áo mà mọi người cho rằng "mang âm hưởng Mãn Thanh" nhưng chúng tôi chọn kiểu nút áo này vì sự hài hòa của nó với bộ trang phục".

Trang phục của nhân vật Thái hậu Dương Vân Nga trong "Quỳnh hoa nhất dạ" bị cho là sai lệch lịch sử.

Nhưng vận đen chưa vẫn thôi đeo bám dự án phim dã sử này. Khi đưa bức tranh minh họa dàn nhân vật lên mạng xã hội để kêu gọi mọi người ủng hộ bộ phim, "đứa con tinh thần" của đạo diễn Lý Minh Thắng lại hứng chịu vô số gạch đá từ dân yêu sử. Số là bức tranh vẽ ba nhân vật gồm vua Lê Đại Hành, Thái hậu Dương Vân Nga và một vị nam nhân trẻ tuổi. Điều gây ồn ào cũng xoay quanh chuyện xiêm y, mũ mão. Họ cho rằng nó lai căng, kỳ quặc mà không có chút chuẩn sử nào.

Hồi "Kiều" của Mai Thu Huyền tung poster nhân vật, y phục của Kiều cũng bị la ó nhiều nhất. Khán giả cho rằng đoàn làm phim quá to gan khi để nàng Kiều mặc hoàng y - màu chỉ dành cho vua trong thời phong kiến. Số khác thì chê phục trang của Kiều quá hở hang, gợi cảm.

Việc trang phục trong phim cổ trang bị chê bai, nhặt sạn đã trở thành câu chuyện đau đầu mãi chưa có hồi kết. Trước đây, bộ phim "Tấm Cám - Chuyện chưa kể" của đạo diễn, diễn viên Ngô Thanh Vân cũng vấp phải chỉ trích của khán giả về chuyện phục trang dù phim theo dòng cổ tích, kỳ ảo. Trang phục của Cám, dì ghẻ bị cho là quá tân thời. Nhiều khán giả khó tính cho rằng chất liệu như voan, áo yếm cách điệu và khăn vấn trang trí màu mè không phù hợp với truyện cổ tích Tấm Cám. Theo họ, để phù hợp với cảnh làng quê thời điểm câu chuyện gốc ra đời (dù không ai xác định được niên đại cụ thể) thì phải áo nâu, váy đụp, yếm đào. Riêng áo của nhân vật dì ghẻ càng gây tranh cãi khi áp dụng mốt khoe nội y của thời hiện đại, cụ thể là mặc áo yếm, thêu trổ cầu kỳ ra ngoài lớp áo tứ thân bằng voan xuyên thấu. Chất liệu voan, nhung, lưới khiến cho bộ cánh của hai mẹ con nhà Cám trở nên lộng lẫy, xa hoa.

Chỉ trích phục trang "Tấm Cám - Chuyện chưa kể" nhưng nhiều người không chú ý: Dù là phim cổ trang nhưng nó thuộc dòng fantasy (giả tưởng, kỳ ảo) chứ không phải là một bộ phim lịch sử có niên đại cụ thể, càng không phải là phim khai thác chuyện cổ tích Tấm Cám đơn thuần mà chỉ lấy nó làm cảm hứng. Ở thời hiện đại, người ta có quyền thêm thắt, miễn sao đừng bóp méo đi giá trị tinh thần ban đầu mà cha ông đã để lại. Êkip của bộ phim đã khéo léo lồng vào các yếu tố đặc trưng của dân tộc như áo tứ thân, khăn vấn đặc trưng của làng quê Bắc bộ. Nhưng vì mang sắc màu cổ tích lại thuộc dòng fantasy nên nó có quyền tưởng tượng, sáng tạo và tung tẩy để trang phục trở nên lung linh, miễn đừng đi quá chệch với giá trị ban đầu. Vì với cổ tích, cái gì cũng có thể làm được, đó là thế giới thần tiên, mộng mơ của con người, sao lại quá xét nét?

Là tác phẩm được đầu tư triệu đô như phim "Mỹ nhân kế" của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng bị phàn nàn về trang phục. Các diễn viên mặc áo yếm, mấn và váy đụp đặc trưng của phụ nữ miền Bắc nhưng vẫn bị khán giả cho là quá gợi cảm. Yếm mặc hở lườn, phơi nguyên lưng thậm chí hở ngực, váy đụp lại cắt xẻ táo bạo khoe trọn đôi chân.

Phim không thuộc triều đại cụ thể nào nên còn dễ bề tung tẩy. Riêng các phim như "Quỳnh hoa nhất dạ", "Phượng khấu", "Kiều"... do nội dung có niên đại rõ ràng nên càng bị soi dữ vì khán giả mong muốn trang phục phải chuẩn xác với thời kỳ lịch sử đó. "Căn bệnh" của khán giả có thể hiểu được khi đã có quá nhiều phim cổ trang vấp lỗi sai nặng về khâu trang phục. Bị cho đậm đặc màu sắc của nước ngoài là phim truyền hình "Thái tổ Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long". Mặc dù được đầu tư mạnh tay để chào mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhưng phim bị phản ứng mạnh mẽ bởi bối cảnh, đạo cụ, phục trang đều giống xứ người. Sai sót đến buồn cười là sự cố trang phục của phim "Mỹ nhân". Trên áo một vị quan, họa sĩ thiết kế vô tư in hình Vua sư tử của hãng Walt Disney.

Phim "Kiều" từng gây tranh cãi khi để nhân vật Thúy Kiều mặc y phục màu vàng “hoàng y”.

Số phim làm khán giả thỏa mãn về khâu phục trang đếm chưa quá trên đầu ngón tay. "Phượng khấu" có lẽ là bộ phim duy nhất chinh phục khán giả khi ekip cố gắng "sát sử nhất có thể". Đây cũng là điều dễ hiểu khi kịch bản chọn bối cảnh triều Nguyễn - triều đại còn lưu giữ rất nhiều tư liệu, hiện vật để đoàn phim tham khảo. Thậm chí, phần mũ miện của vua chúa trong phim còn do hậu duệ một nghệ nhân từng phục vụ trong cung đình nhà Nguyễn tự tay chế tác.

Khó khăn nhất cho đội ngũ họa sĩ thiết kế hiện nay là nguồn tư liệu, thông tin chuẩn xác về trang phục của các triều đại phong kiến Việt Nam - nhất là các triều đại có niên đại rất xưa - quá ít ỏi. Trước sự chỉ trích của dư luận, nhà sản xuất "Quỳnh hoa nhất dạ" thừa nhận: "Vì thời Đinh - tiền Lê trong sách sử không có nhiều tư liệu ghi chép nên khó tránh có một số sai sót. Câu chuyện về Thái hậu Dương Vân Nga đã hơn 1.000 năm trước, biên kịch và đạo diễn phim đã cố gắng đi khắp nơi để tìm dữ liệu trong hai năm mới quyết định làm phim".

Dù đã có nhiều nhóm nghiên cứu về cổ phục như "Dệt nên triều đại", "Ỷ vân hiên", "Hoa văn Đại Việt", "Nguyên Phong đoạn lĩnh"… nhưng kho tư liệu của họ chưa đủ để phục vụ nhu cầu của các đoàn phim. Thậm chí, nhiều công trình nghiên cứu của họ vẫn gây nhiều tranh luận chưa ngã ngũ. Vậy nên, dù có đội ngũ là các nhóm nghiên cứu, các nhà sử học hùng hậu cố vấn, trang phục phim cổ trang vẫn không thể dám chắc hoàn toàn chính xác. Sai sót xảy ra là điều khó tránh khỏi và cần được khán giả thông cảm trừ những lỗi sai quá cơ bản.

Giới làm phim cho rằng, trang phục của nghệ thuật biểu diễn, phim ảnh thường không hẳn bê nguyên xi ngoài đời thực. Với dòng phim dã sử, cổ tích, huyền sử… thì ekip được phép sáng tạo, phục vụ cho ý đồ nghệ thuật của tác giả. Nhà thiết kế Sĩ Hoàng cũng đồng tình với quan điểm này miễn sao sự sáng tạo ấy đừng đánh mất bản chất của trang phục và sai lệch quá nhiều với niên đại mà phim chọn bối cảnh. Riêng với dòng phim chính sử thì tính chuẩn xác là tiêu chí khắt khe không thể bàn cãi. Do phim này có bối cảnh là thời điểm lịch sử rõ ràng, êkip phải nghiên cứu mọi thứ từ chất liệu vải, hoa văn, kiểu dáng, màu sắc... của thời đại đó. Trang phục không chỉ để mặc mà còn thể hiện đặc trưng văn hóa, xã hội... của con người. Tính chuẩn xác của nó giúp khán giả dễ dàng đón nhận bộ phim, hiểu hơn về nếp sống, dấu ấn văn hóa, xã hội của dân tộc ta thời kỳ ấy.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/-y-phuc-trong-phim-co-trang-tranh-cai-chua-co-hoi-ket-i639852/