Ý nghĩa nhân văn từ một đề án
BPO - Ngày 6-1-2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06). Gần 3 năm thực hiện, Bình Phước đã có nhiều giải pháp quyết liệt, nỗ lực sáng tạo trong tổ chức thực hiện, mang lại văn minh xã hội.
Bài 1:
NỐI NHỮNG NHỊP VUI
Những thành tựu vững chắc của Đề án 06 được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá là “điểm sáng” trong chuyển đổi số, có sức lan tỏa, tác động mạnh mẽ, sâu rộng đến tất cả thành phần trong xã hội. Các nhiệm vụ của đề án ứng dụng vào thực tiễn đang mang đến những giá trị nhân văn sâu sắc, đúng với tinh thần vì nhân dân phục vụ.
Mở lối ngày trở về
Luật Căn cước năm 2023 có hiệu lực từ ngày 1-7-2024, quy định mọi công dân Việt Nam đều được cấp thẻ căn cước. Trong đó, người từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước, người dưới 14 tuổi được cấp theo nhu cầu. Trong đó, việc sớm khôi phục quyền công dân cho người từng lầm lỗi thể hiện chính sách khoan hồng, nhân văn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước.
Phạm nhân Nguyễn Thị Thùy Trang và nhiều phạm nhân đang chấp hành án tại Trại giam Tống Lê Chân, Bộ Công an rất phấn khởi vì trong quá trình chấp hành án được cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh cấp căn cước lưu động ngay tại trại giam. “Sau này trở về với cộng đồng có giấy tờ tùy thân tôi bắt đầu lại cuộc sống, xin việc làm hay làm thủ tục hành chính sẽ thuận tiện hơn” - phạm nhân Thùy Trang bộc bạch.
Phạm nhân Trần Văn Báu chia sẻ: “Tôi cảm thấy hồi hộp, xúc động khi được cấp thẻ căn cước ngay tại trại giam. Sau này chấp hành xong án phạt trở về cộng đồng có giấy tùy thân đi lại, làm việc sẽ thuận tiện hơn. Cảm ơn các giám thị đã quan tâm, động viên, ổn định tư tưởng để chúng tôi luôn lạc quan, sống có khát vọng, mong muốn trở về làm công dân tốt”.
Đã có hơn 1.000 thẻ căn cước được cấp cho phạm nhân tại Trại giam Tống Lê Chân, thể hiện rõ chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước và cũng là sự khích lệ để các phạm nhân tích cực cải tạo, sớm chấp hành xong án phạt; tạo cơ hội cho những người lầm lỗi sau khi trở về địa phương được khôi phục quyền công dân, nhanh chóng hòa nhập cộng đồng. Đồng thời, góp phần lan tỏa mục tiêu, ý nghĩa của đợt cao điểm triển khai Luật Căn cước và cấp thẻ căn cước trên địa bàn tỉnh.
Thiếu tá Trần Ngọc Sơn, Trưởng phân trại số 3, Trại giam Tống Lê Chân, Bộ Công an cho biết: Thẻ căn cước không chỉ là tài liệu xác định danh tính mà còn chứng minh quyền lợi và trách nhiệm công dân. Trong đợt này, tất cả phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại trại giam đều được cấp thẻ căn cước. Điều này thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước, vừa thể hiện sự quan tâm của Bộ Công an, Công an tỉnh trong đảm bảo chế độ, chính sách đối với phạm nhân đang chấp hành án, tạo điều kiện cho họ tích cực cải tạo, chấp hành tốt nội quy cơ sở giam giữ, sớm được trở về với gia đình và trở thành người có ích cho xã hội.
Đường về nhà từ Đề án 06
Trong quá trình triển khai, vận hành hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, có một điều rất đặc biệt từ việc tra cứu, khai thác hệ thống này đã trở thành cây cầu nối những nhịp vui, giúp các gia đình sau nhiều năm xa cách có thể đoàn tụ, gặp lại nhau. Đó là câu chuyện của chị em bà Phạm Thị Minh (sinh năm 1956, quốc tịch Mỹ) và ông Phạm Văn Dung (sinh năm 1961 ở ấp 6A, xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh) thất lạc gần 50 năm nhưng họ đã tìm lại được nhau nhờ hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Bà Minh kể lại trong niềm hạnh phúc: Sau nhiều năm tìm kiếm không có kết quả, tôi tưởng em trai mình đã mất. Thế nhưng khi tìm đến Công an huyện Lộc Ninh, chỉ chờ khoảng 30 phút, cán bộ ở đây đã tìm ra người tên Phạm Văn Dung đang sinh sống trên địa bàn huyện có thông tin trùng khớp với giấy tờ tôi cung cấp. Ngay sau đó, chúng tôi được công an sắp xếp cho gặp nhau. Gần 50 năm xa cách, chị em tôi nhận ra nhau trong niềm hạnh phúc vỡ òa.
“Tôi tìm chị khắp nơi, nhờ người quen tìm cả ở nước ngoài và Việt Nam nhưng không có thông tin gì. Cứ nghĩ đến cuối đời chị em sẽ chẳng thể nào gặp lại nhau, không ngờ mong mỏi tìm lại được người thân giờ đã thành hiện thực” - ông Dung xúc động.
Đã có những giọt nước mắt, đó là nước mắt của niềm hạnh phúc. Và điều kỳ diệu từ những cuộc trùng phùng ấy sẽ chẳng thể nào có được, nếu như không có hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và việc triển khai Đề án 06 của Chính phủ. “Đây có thể nói chính là món quà ý nghĩa nhất với chúng tôi sau những vất vả của chuỗi ngày bền bỉ với chiến dịch thu thập, cập nhật và làm sạch dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”. Trong gần 3 năm qua đã có những cuộc trùng phùng, nhiều gia đình được đoàn tụ nhờ sự giúp sức của lực lượng Công an nhân dân và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đó là những câu chuyện cổ tích với cái kết có hậu và đầy nhân văn” - Đại úy Nguyễn Thị Hà Xuyên, cán bộ Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an huyện Lộc Ninh chia sẻ.
Những câu chuyện nhân văn, cảm động được viết từ chuyển đổi số và Đề án 06 đã minh chứng rằng: Muốn phục vụ con người và quản lý xã hội tốt, yếu tố quan trọng nhất là phải có cơ sở dữ liệu tốt. Đề án 06 được coi là nền tảng xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, là tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin do Bộ Công an quản lý.
Chính sách nhân văn
Từ ngày 1-7-2024, sau khi Luật Căn cước chính thức có hiệu lực đã mở ra cơ hội cho những người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch. Vậy là sau nhiều năm chờ đợi, những Việt kiều Campuchia sống lênh đênh trên sông nước sẽ được xem xét cấp giấy chứng nhận căn cước để thuận lợi hơn khi làm thủ tục hành chính, thực hiện quyền và lợi ích hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam.
Chị Nguyễn Thị Thanh về ấp Chà Là, xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh sinh sống từ năm 2010 đến nay. Sau nhiều năm sống lênh đênh trên sông nước, chị và các anh chị em trong gia đình đều không có giấy tờ chứng minh về nhân thân khiến cuộc sống rất khó khăn. Thế nhưng, sau khi Luật Căn cước chính thức có hiệu lực đã mở rộng đối tượng được thu nhận hồ sơ, cấp thẻ căn cước, trong đó cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch. Chị Thanh xúc động: “Với những di dân tự do, đây thực sự là niềm vui lớn. Khi được chứng minh về nhân thân chúng tôi có thể yên tâm an cư lạc nghiệp, được hưởng các chính sách an sinh xã hội, làm giấy khai sinh cho con, tham gia bảo hiểm y tế, đi xin việc hoặc mua tài sản đứng tên mình…”.
Bình Phước hiện có gần 1.700 người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, hầu hết sinh sống trên lòng hồ thủy điện và sống rải rác tại các huyện Bù Gia Mập, Lộc Ninh, Hớn Quản… Hiện cơ quan chức năng đang thực hiện thủ tục xét cấp giấy chứng nhận căn cước cho các đối tượng này theo quy định của Luật Căn cước năm 2023.
Đại tá Nguyễn Huy Hải, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Cấp giấy chứng nhận căn cước góp phần đảm bảo quyền lợi, tạo ra nhiều cơ hội để người gốc Việt Nam chưa xác định quốc tịch, trong đó có người yếu thế và trẻ em được hưởng những quyền cơ bản nhất, giúp họ có cuộc sống tốt hơn trong tương lai. Chính sách này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý nhà nước chặt chẽ hơn. Niềm vui của người dân cho thấy, việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho những người gốc Việt Nam mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc nhằm bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/502/166072/y-nghia-nhan-van-tu-mot-de-an