Ý nghĩa nghi lễ dâng hương ngày Rằm tháng Bảy âm lịch

Cách cúng rằm tháng 7 được thực hiện từ trong nhà ra ngoài trời theo thứ tự: cúng Gia Thần, cúng Gia Tiên và cuối cùng mới cúng chúng sinh.

Nghi lễ dâng hương ngày rằm tháng 7 âm lịch có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt, thể hiện một nét đẹp trong truyền thống tôn giáo, tín ngưỡng. Ngày rằm tháng 7 năm 2020 rơi vào thứ Tư ngày 2/9 dương lịch nên một số gia đình có thể cúng lễ sớm hơn vào dịp cuối tuần để thuận tiện hơn.

Theo cuốn Tập tục và nghi lễ dâng hương do Hòa thượng Thích Thanh Tứ, Trụ trì chùa Quán Sứ hiệu đính, tiết Trung Nguyên còn có những tên gọi khác như tiết Vu lan hoặc gọi nôm na như dân gian nói là “ngày xá tội vong nhân”, được tiến hành vào ngày rằm tháng Bảy (ngày 15 tháng 7 âm lịch).

Tiết Trung Nguyên của Việt Nam vừa có những yếu tố nguồn gốc văn hóa Ấn Độ (qua Phật giáo) vừa có những yếu tố văn hóa, tín ngưỡng Trung Hoa. Nhưng dù có xuất xứ từ đâu, tiết Trung Nguyên với người Việt cũng là tiết của dịp “xá tội vong nhân” nơi địa phủ. Dân gian cho rằng vào dịp rằm tháng 7 thì mọi tội nhân, trong đó có những vong linh của gia đình, tộc họ mình đang bị giam cầm nơi địa ngục sẽ được dịp ra khỏi âm phủ để lên dương gian.

Nhân dịp này các gia đình làm lễ dâng hương, cúng các đồ hàng mã cho vong linh người thân của gia đình mình.

Cách cúng rằm tháng 7 đúng thế nào? (ảnh minh họa: internet)

Cách cúng rằm tháng 7 đúng thế nào? (ảnh minh họa: internet)

Dù nghi lễ dâng hương thực hiện tại nhà hay tại các chùa, người ta cũng không quên cúng các vong linh “không nơi nương tựa” hay còn gọi là các “cô hồn”, vật phẩm là những thứ đồ ăn của người nghèo như: cháo hoa, khoai lang, ngô luộc, bỏng, gạo, muối…

Cúng cô hồn không nơi nương tự cũng được gọi là cúng chúng sinh, được thực hiện ngoài trời, ngoài cửa chứ không cúng trong nhà. Cúng chúng sinh là thể hiện đạo đức từ bi của con người nhân dịp “xá tội vong nhân”.

Khác với cúng dâng hương lúc giao thừa là cúng ngoài trời trở vào nhà, cúng lễ ngày rằm tháng 7 được thực hiện từ trong nhà ra ngoài trời: cúng Gia Thần, cúng Gia Tiên và cuối cùng mới cúng chúng sinh.

Việc cúng lễ ngày rằm tháng 7 không đơn thuần là việc cầu cúng theo mê tín mà thể hiện tấm lòng của người còn sống với người đã khuất, cũng là một dịp để tưởng nhớ công ơn những người đã hy sinh vì đất nước.

Từ đó cho thấy ý nghĩa nhân văn, hướng thiện, là dịp thể hiện lòng hiếu thảo của con cháu với ông bà cha mẹ, không chỉ với người quá cố mà còn cả với người đang sống. Đó chính là hạnh hiếu của nhà Phật và tâm hiếu của con người đồng thời cũng là nét đẹp trong truyền thống văn hóa trọng đạo lý của người Việt Nam.

Hải Đăng

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/gia-dinh/tu-van/cung-ram-thang-7-vu-lan-xa-toi-vong-nhan-the-nao-dung-le-nghi-262307.html