Ý nghĩa của việc tân Tổng thống Biden không để Mỹ 'chia tay' WHO

Chính quyền tân Tổng thống Joe Biden đã nhanh chóng hành động để giữ Mỹ ở tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Vậy điều này sẽ có ý nghĩa gì với cả hai bên?

Tân Tổng thống Biden tại một sự kiện ở Nhà Trắng ngày 20/1. Ảnh: AP

Tân Tổng thống Biden tại một sự kiện ở Nhà Trắng ngày 20/1. Ảnh: AP

Hãng thông tấn AP (Mỹ) đưa tin, chỉ vài giờ sau khi tuyên thệ nhậm chức, tân Tổng thống Biden đã thu hồi lệnh từ chính quyền người tiền nhiệm Donald Trump rút Mỹ ra khỏi WHO vào mùa hè năm nay. Đến 21/1, Tiến sĩ Anthony Fauci – người được bổ nhiệm là cố vấn y tế trưởng của tân Tổng thống Biden- đã trực tiếp lên tiếng cảm hơn WHO trong cuộc chiến với dịch COVID-19 toàn cầu, thể hiện sự ủng hộ của Mỹ với tổ chức này.

Lý do cựu Tổng thống Trump muốn Mỹ rời WHO

WHO thành lập năm 1948, hiện nay tổ chức này có hơn 7.000 nhân lực làm việc tại 150 quốc gia. WHO là tổ chức y tế duy nhất trên thế giới có thẩm quyền phối hợp toàn cầu phản ứng trước các rủi ro y tế công cộng như dịch COVID-19, bên cạnh đó là những vấn đề như chăm sóc sức khỏe sinh sản, tiêu thụ đường, thuốc lá, nghiện trò chơi điện tử… Ngân sách hai năm của WHO là 5,84 tỷ USD- bằng một nửa so với Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch của Mỹ.

Mỹ chưa rời WHO nhưng chính quyền cựu Tổng thống Trump đã tuyên bố kế hoạch "chia tay" tổ chức này vào 6/6. Mỹ cũng cắt tài trợ cho WHO.

Chính quyền cựu Tổng thống Trump không đồng tình với WHO vì 3 lý do chính. Thứ nhất là tổ chức này có phản ứng chậm với COVID-19 sau khi dịch bệnh này xuất hiện ở Vũ Hán (Trung Quốc) vào cuối 2019. Phải đến 11/3/2020, WHO mới tuyên bố COVID-19 là đại dịch. Khi đó, toàn thế giới có 116.000 người mắc COVID-19.

Thứ hai, theo ông Trump, WHO đã ca ngợi chính phủ Trung Quốc quá đà. Và cuối cùng, chính quyền cựu Tổng thống Trump cáo buộc WHO đã chỉ trích nhà lãnh đạo Mỹ vì ngăn người dân Trung Quốc nhập cảnh bởi dịch COVID-19. Trên thực tế, các quan chức WHO có băn khoăn về lệnh cấm nhập cảnh nhưng chưa chỉ trích chính sách của Mỹ. WHO có truyền thống không lên án các quốc gia thành viên, đặc biệt là nước có nhiều ảnh hưởng như Mỹ.

WHO chờ đón điều gì từ chính quyền ông Biden?

Tiến sĩ Fauci. Ảnh: AP

Chính quyền tân Tổng thống Biden muốn thể hiện Mỹ nối lại hợp tác với các đối tác quốc tế về y tế. Trong phát biểu ngày 21/1, Tiến sĩ Fauci khẳng định Mỹ sẽ nối lại đóng góp về kinh phí và duy trì nhân sự hoạt động cho WHO.

Bên cạnh đó, theo ông Fauci, Mỹ sẽ tham gia các sứ mệnh của WHO về vaccine, chẩn đoán và điều trị cho những trường hợp có nhu cầu trên toàn thế giới. WHO đã hoan nghênh quyết định của Mỹ. Tổng thư ký WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đánh giá: “Đây là một ngày tốt đẹp cho WHO và y tế toàn cầu”.

Tiến sĩ Fauci cũng bày tỏ ủng hộ với cải cách của WHO nhưng không nêu rõ chi tiết đó là loại cải cách nào. Mỹ từ lâu đã đóng vai trò lớn trong WHO với nhiều bác sĩ giữ vị trí quan trọng và hình thành quyết sách với các chương trình từ AIDS đến sốt rét và suy dinh dưỡng. Quyết định của tân Tổng thống Biden duy trì vị trí của Mỹ tại WHO sẽ tạo động lực cần thiết cho tổ chức này.

Ngoài ra, theo AP, quyết định ở lại WHO của ông Biden còn là dấu hiệu cho thấy ưu tiên của nhà lãnh đạo này với cuộc chiến chống COVID-19 cả tại Mỹ và ở các quốc gia khác.

Hà Linh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/y-nghia-cua-viec-tan-tong-thong-biden-khong-de-my-chia-tay-who-20210122151922645.htm