Ý nghĩa của Lễ hóa vàng

Hóa vàng là lễ tiễn gia tiên sau những ngày ăn Tết cùng con cháu. Ngoài ra, việc hóa vàng còn mang ý nghĩa đón thần tài, thần lộc về cho gia đình.

Sau 3 ngày Tết, các gia đình sẽ làm một mâm cơm cúng làm lễ hóa vàng.

Sau 3 ngày Tết, các gia đình sẽ làm một mâm cơm cúng làm lễ hóa vàng.

Theo phong tục truyền thống của người Việt Nam, ngày 23 tháng Chạp là ngày tiễn ông Công ông Táo về trời; chiều 30 Tết, sẽ bày biện bàn thờ, chuẩn bị mâm ngũ quả, bánh mứt và một mâm cỗ cúng tất niên; đêm giao thừa sẽ sắp xếp mâm cơm cúng như một hình thức mời ông bà, tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu.

Do đó, các đồ lễ như: mâm ngũ quả, bánh, mứt… (trừ đồ mặn, dễ hỏng) sẽ được giữ nguyên trên ban thờ trong suốt 3 ngày Tết đó. Sau 3 ngày Tết, các gia đình sẽ làm một mâm cơm cúng làm lễ hóa vàng.

Lễ hóa vàng, còn gọi là lễ đưa tiễn ông bà, lễ hóa vàng cho Tổ tiên, hay lễ tạ năm mới. Theo GS sử học Lê Văn Lan, tục hóa vàng dựa trên tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, vật hóa vàng thường gắn với đời sống thường nhật, để thấy con người ở thế giới bên kia sống gần với dương gian.

Bên cạnh đó, lễ hóa vàng cũng chính là lễ đón thần tài, tài lộc về với gia đình, hy vọng một năm làm ăn thuận lợi, hanh thông.

Trước đây, lễ hóa vàng thường được tổ chức vào ngày mùng 3 hoặc mùng 7 Tết, nhưng nay tùy điều kiện của mỗi gia đình, lễ hóa vàng cũng được tổ chức linh động hơn. Thông thường là từ ngày mùng 3 đến ngày mùng 10 Tết.

Để làm lễ hóa vàng, bên cạnh các đồ lễ vẫn bày trên ban thờ từ trước (mâm ngũ quả, bánh kẹo…) gia chủ thường chuẩn bị thêm hương, hoa, tiền vàng, đèn nến, trầu cau, rượu và một mâm cỗ.

Mâm cỗ cúng có thể là cỗ chay hoặc cỗ mặn đều được. Trước đây, nếu làm cỗ mặn thì không thể thiếu đĩa gà trống.

Ngày nay, quan niệm đời sống tâm linh đã nhẹ nhàng hơn, gia chủ không cần bày biện quá nhiều lễ vật.

Đồ làm lễ chỉ cần chọn những nông sản tươi ngon, đảm bảo vệ sinh, an toàn, nhẹ nhàng, tinh khiết là được.

Sau khi thắp hương làm lễ, gia chủ sẽ đốt vàng mã - hóa vàng. Khi hóa thì thường hóa của gia thần trước rồi mới đến phần vàng mã của tổ tiên để không nhầm lẫn.

Đặc biệt, phần vàng mã dành cho người mới mất trong năm thì sẽ hóa cuối cùng. Lúc hóa xong, phần tiền vàng, sớ trạng đã cháy hết thì gia chủ vẩy vào thêm chút rượu, vì quan niệm xưa cho rằng phải như thế thì khi đến cõi âm các cụ mới nhận và tiêu được số tiền đó.

Nhiều nhà còn cẩn thận mang theo hai cây mía hơ trên phần tiền vàng mới hóa xong ví như nó là đòn gánh cho các cụ gánh tiền, gánh vàng về cõi âm.

Sau khi đốt vàng mã, con cháu tề tựu đông đủ, cùng nhau dùng bữa cơm thân mật, vui vẻ, kết thúc những ngày Tết và bắt đầu trở lại với công việc.

Có thể thấy, dù đã có ít nhiều thay đổi trong cách chuẩn bị đồ lễ, thời gian thực hiện, song cho đến nay, phong tục hóa vàng sau Tết vẫn giữ được những nét truyền thống.

Và để phong tục hóa vàng sau Tết mãi là một nét đẹp trong văn hóa tâm linh, tránh việc đốt vàng mã số lượng lớn, đốt bừa bãi, gây lãng phí, hủy hoại môi trường./.

Tùng Lâm (tổng hợp)

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/y-nghia-cua-le-hoa-vang/112375.html