Ý nghĩa các con số may mắn trong phong thủy

Chúng ta cùng thử tìm hiểu xem những con số may mắn trong phong thủy có ý nghĩa như thế nào và áp dụng chúng vào đời sống hàng ngày nhé!

Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn phong thủy, chuyên gia phong thủy Phùng Phương chia sẻ những hiểu biết của mình với bạn đọc về ý nghĩa những con số này.

Số 1: Số sinh

Theo dân gian, số 1 là căn bản của mọi sự biến hóa, là con số khởi đầu, luôn đem lại những điều mới mẻ, tốt đẹp, sức sống mới cho mọi người.

Hơn thế đây là con số của các vị thần thánh, của hoành đồ. Được hiểu như là con trai của cõi trời. Số 1 tượng trưng cho cái đỉnh tối thượng – đỉnh núi cao độc nhất không còn ai khác.

Chúng ta là những con người không ai có thể nắm giữ vị trí này lâu dài, vì nó đơn độc và hiểm nghèo, bởi đơn giản chúng ta không phải là thần thánh. Chỉ thần thánh mới nắm giữ được vị trí này mãi mãi.

Số 2: Sự cân bằng

Số 2 là biểu thị của một cặp, một đôi. Đây được coi là con số hạnh phúc (song hỷ), thường gắn liền với những sự kiện như sinh nhật, cưới hỏi, hội hè.

Số 2 tượng trưng cho sự cân bằng âm dương kết hợp tạo thành lưỡng nghi hay là nguồn gốc của vạn vật. Các câu đối đỏ may mắn thường được dán trước cửa nhà cổng chính vào dịp đầu năm mới cũng bởi ý nghĩa phong thủy này.

Số 3: Trí tuệ, tài năng và sự vững chắc

Số 3 là con số may mắn, đại diện cho trí tuệ, tài năng và sự vững chắc (như kiềng 3 chân).

Hơn nữa, số 3 còn gắn liền với truyền thuyết 3 giới: Tam Bảo (Phật - Pháp - Tăng), Tam Giới (Dục giới - Sắc giới - Vô sắc giới), Tam Vô Lậu Học (Giới - Định - Tuệ), Tam Đa (Đa Phúc - Đa Lộc - Đa Thọ), Tam Tài (Thiên - Địa - Nhân) nên mang ý nghĩa tâm linh tốt đẹp.

Số 4: Sự sáng tạo

Theo Kinh dịch, số 4 là Tứ tượng, gồm Thái Âm, Thái Dương, Thiếu Âm, Thiếu Dương. Trên bầu trời có hàng triệu vì sao nhưng chỉ được chia làm 4 nhóm chính, đó là Thanh Long, Bạch Hổ, Huyền Vũ, Chu Tước. Tứ Tượng này sinh ra 4 mùa trong 1 năm Xuân Hạ Thu Đông.

Theo phái Huyền không, số 4 ứng với sao Tứ Lục (Văn Xương) - quẻ Tốn - hướng Đông Nam, có ngũ hành thuộc Mộc. Do thuộc Mộc nên nó tượng trưng cho sự sáng tạo.

Mặt khác cũng tồn tại quan điểm số 4 là số tử, trong cách phát âm tiếng Trung Quốc nó giống như chữ “tử” (chết), do đó mọi người thường tránh bất cứ sự bài trí có liên quan đến con số 4.

Số 5: Thịnh vượng

Số 5 xuất phát từ học thuyết Ngũ Hành. Mọi sự việc đều bắt đầu từ 5 yếu tố (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ). Người quân tử có ngũ đức (Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín). Cuộc sống có ngũ phúc (Phú, Quý, Thọ, Khang, Ninh), Ngũ đế (Phục Hy, Thần Nông, Huỳnh Đế, Nghiêu, Thuấn), Ngũ luân (Vua tôi, Cha con, Vợ chồng, Anh em, Bạn bè), Ngũ phương (Đông Tây Nam Bắc và Trung Tâm).

Số 5 còn là số Vua, thuộc hành Thổ, màu Vàng. Ngày xưa những ngày 5 (4+1=5), 23 (2+3=5) là những ngày Vua thường ra ngoài vi hành.

Nói chung đây là con số may mắn và thịnh vượng, rất tuyệt vời khi dùng trong bài trí phong thủy, điển hình như mâm ngũ quả.

Số 7: Sức mạnh

Theo đạo Phật số 7 có ý nghĩa là quyền năng mạnh nhất của mặt trời. Những người theo đạo Phật tin rằng trong suốt tháng 7 (âm lịch) tất cả linh hồn trên thiên đường và địa ngục sẽ trở lại dương gian.

Con số 7 còn tượng trưng cho sự thành tựu sinh hóa cả vũ trụ không gian là đông, tây, nam, bắc; thời gian là quá khứ, hiện tại, tương lai. Thất bảo (Vàng, Bạc, Lưu ly, Pha lê, Xa cừ, Trân châu, Mã não).

Thời cổ cho rằng có 7 mặt trời hoạt động xung quanh và chiếu sáng cho trái đất, loài người nhận thức có 7 tầng trời khác nhau, cùng với 7 sắc cầu vồng tạo nên ấn tượng mạnh mẽ của số 7. Số 7 đem lại sức sống cho vạn vật, đem lại ánh sáng và hy vọng cho loài người.

Số 7 là con số có sức mạnh kỳ diệu. Những nguồn gốc truyền thuyết sâu sắc như 7 ngôi sao (Thất Tinh) 7 thanh gươm (Thất Kiếm)… được dùng trong nghi lễ đạo Lão, tượng trưng cho sức mạnh đẩy lùi ma quỷ trong phong thủy. Một sự bài trí 7 món đồ vật được ban cho 1 sức mạnh kỳ bí và 1 cảm giác của sự bất khả xâm phạm.

Số 6 và 8: Tài lộc và vượng phát

Số 6 và 8 theo người Trung Hoa thì sẽ đem tới thuận lợi về tiền bạc và vận may cho người dùng nó, vì bên cạnh tục đoán mệnh của con người (số 8 là số phát – mệnh lớn, số 6 là số lộc ), thì lối viết số 8 có hai nét đều từ trên xuống giống kèn loe ra, giống như cuộc đời mỗi con người, càng ngày càng làm ăn phát đạt. Số 6 với 1 nét cong vào thân, ý như lộc sẽ luôn vào nhà.

Ngoài ra lục giác còn được đánh giá là khối vững chãi nhất. Con ong thường làm tổ theo khối lục giác, Lục căn (Mắt, Mũi, Tai, Lưỡi, Da, Tư tưởng), Lục long, Lục thân (Cha, Mẹ, Vợ, Con, Anh chị, Em).

Số 8 còn biểu tượng cho 8 hướng, bát quái, bát âm, bát tiên, bát bảo.

Số 9: Quyền uy, vĩnh cửu

Từ xưa số 9 luôn được coi như là biểu trưng của sự quyền uy và sức mạnh: Ngai vua thường đặt trên 9 bậc, vua chúa thường cho đúc cửu đỉnh (9 cái đỉnh) để minh họa cho quyền lực của mình.

Trong dân gian số 9 được gắn cho sự hoàn thiện đến mức dường như khó đạt “Voi 9 ngà, Gà 9 cựa, Ngựa 9 hồng mao”.

Số 9 tượng trưng cho Trời, ngày sinh của Trời là ngày 9 tháng giêng, số 9 được ghép cho ngôi vị Hoàng đế. Tất cả các đồ dùng trong cung đình cùng dùng số 9 để đặt tên như Cửu Long Bôi (9 cốc rồng), Cửu Đào Hồ (ấm 9 quả đào), Cửu Long Trụ (cột 9 rồng). Hay cách nói biểu thị số nhiều như Cửu Thiên, Cửu Châu, Cửu đỉnh …

Đây còn là con số của hạnh phúc an lành và thuận lợi. Đó là con số tượng trưng cho sự vĩnh cửu đẹp đẽ. Rất nhiều người thích số 9 vì nó gần như là hình ảnh cho sự viên mãn tròn đầy.

* Thông tin mang tính tham khảo

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/y-nghia-cac-con-so-may-man-trong-phong-thuy-FlasmOsMR.html