Ý kiến trái chiều xung quanh việc gắn hộp đèn cho taxi công nghệ

Theo một số bạn đọc, việc gắn hộp đèn cho taxi công nghệ sẽ đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh, công bằng trong hoạt động kinh doanh vận tải. Trong khi một số ý kiến khác lại cho rằng việc gắn thêm hộp đèn có thể tăng chi phí không cần thiết, gây ra nhiều bất tiện.

 Taxi công nghệ phải gắn hộp đèn để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh. Ảnh: Thanh Minh.

Taxi công nghệ phải gắn hộp đèn để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh. Ảnh: Thanh Minh.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về rà soát, hoàn chỉnh, thống nhất nội dung dự thảo nghị định quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô (thay thế Nghị định 86).

Theo công văn này, Bộ GTVT cho rằng: “Việc bổ sung nội dung này (gắn cố định hộp đèn) nhằm đảm bảo quản lý đúng loại hình kinh doanh vận tải, xác định rõ hình thức ứng dụng hợp đồng điện tử với loại hình taxi; đồng thời phân biệt với xe cá nhân (loại xe không kinh doanh vận tải), làm rõ nhận diện của các phương tiện kinh doanh loại hình này”.

Theo một số bạn đọc, việc quy định gắn hộp đèn cho taxi công nghệ là điều rất cần thiết vì nó đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh, công bằng trong hoạt động kinh doanh vận tải. Ngược lại, một số ý kiến khác cho rằng, quy định này không cần thiết vì theo dự thảo tất cả loại xe hợp đồng đều đã có phù hiệu xe hợp đồng.

Bạn đọc Nguyễn Ngân cho biết: "Tôi đồng tình đề xuất về quy định gắn hộp đèn điện tử hay gắn logo cho taxi công nghệ để phân biệt với xe tư nhân. Khi lái xe Grab kinh doanh giống như taxi thì phải gắn mào, còn nếu thấy chi phí tăng lên hoặc ngại vì gắn như vậy thì đừng kinh doanh nữa".

Đồng quan điểm, bạn đọc Nguyễn Dương cho rằng, việc gắn mào cho xe công nghệ sẽ đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh, công bằng trong hoạt động kinh doanh vận tải. Thực tế cho thấy, Grab cũng là loại hình vận tải theo nhu cầu trong đô thị, dùng thiết bị đo để tính tiền. Từ đó cho thấy các xe hoạt động theo nguyên lý trên về bản chất là taxi và cần phải được quản lý tương tự taxi.

Theo bạn đọc Ái Vân, khi quy định gắn hộp đèn cho taxi công nghệ được thông qua sẽ tạo nên một cục diện mới trong quản lý thị trường taxi, tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng công nghệ với hoạt động vận tải. khi đó thị trường sẽ tiếp tục cuộc cạnh tranh khốc liệt nhưng đầy tính công bằng.

"Có thể thấy quy định này cũng giúp cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý vận tải, cũng như tổ chức giao thông đô thị và phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát trên đường. Theo tôi đây là quy định hợp với thời buổi hiện nay" - bạn đọc Phạm Hà nói.

Sự khác nhau giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống. Ảnh: Đoàn Loan.

Trái với các ý kiến trên, bạn đọc Quỳnh Nguyễn cho rằng, nếu bắt buộc taxi công nghệ phải gắn mào sẽ làm tăng chi phí xã hội. Bên cạnh đó, nhiều hành khách cũng không muốn đi xe có mào vì họ thích cảm giác được đi xe riêng. Do đó, các phương tiện này phải được quản lý bằng công nghệ chứ không nên quản lý như taxi thường.

"Việc bắt buộc xe công nghệ phải gắn hộp đèn như taxi truyền thống đã tạo thêm rào cản không cần thiết và phát sinh chi phí không đáng có. Các xe taxi công nghệ đều là xe cá nhân, còn có nhiều mục đích sử dụng khác..., việc phải gắn hộp đèn cố định như taxi sẽ rất bất tiện, gây nhiều phiền toái" - ý kiến của bạn đọc Vi Bình.

Còn theo bạn đọc Minh Thanh, nếu quy định gắn hộp đèn cho taxi công nghệ được thông qua và áp dụng trên quy mô lớn, số lượng xe sẽ giảm mạnh, đồng nghĩa với việc hành khách sẽ khó đón xe hơn và giá cước cũng cao hơn. Việc quản lý bằng công nghệ cũng cho phép các tài xế có quyền tự do lái xe toàn thời gian hoặc bán thời gian tùy thuộc vào nhu cầu kiếm thêm thu nhập của mình.

Phạm Đông

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/ban-doc/y-kien-trai-chieu-xung-quanh-viec-gan-hop-den-cho-taxi-cong-nghe-739563.ldo