Ý kiến đóng góp từ các Đại biểu Quốc hội giúp cho Dự án Luật Thư viện hoàn thiện hơn

Chiều 5/11, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Phan Thanh Bình đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thư viện.

Bổ sung 7 điều mới

Theo ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận, đóng góp ý kiến về dự án Luật Thư viện. Dự thảo Luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý tại Phiên họp thứ 36 (tháng 8/2019) và gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thư viện. Ảnh: Nam Nguyễn

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thư viện. Ảnh: Nam Nguyễn

Ông Phan Thanh Bình cho biết, sau khi chỉnh lý, dự thảo Luật gồm 6 Chương, 51 Điều. Cụ thể, UBTVQH thống nhất bỏ chương về xếp hạng và đánh giá hoạt động thư viện. Bổ sung 7 điều mới về: Xã hội hóa hoạt động thư viện, tài nguyên thông tin hạn chế sử dụng; Thư viện lực lượng vũ trang; Phát triển tài nguyên thông tin, hiện đại hóa thư viện, phát triển văn hóa đọc, nguồn tài chính cho hoạt động thư viện.

Về những nội dung cơ bản của Luật, UBTVQH cũng đã tiếp thu nhiều ý kiến của các Đại biểu Quốc hội. Đối với ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung quy định để thấy được vai trò "trung tâm" của Thư viện Quốc gia Việt Nam, ông Phan Thanh Bình cho biết, dự thảo Luật đã quy định Thư viện Quốc gia Việt Nam có những chức năng, nhiệm vụ đặc thù mà không thư viện nào có được.

Cụ thể như: tiếp nhận, bảo quản, lưu giữ lâu dài xuất bản phẩm, ấn phẩm báo chí được xuất bản tại Việt Nam, luận án tiến sĩ của công dân Việt Nam bảo vệ ở trong nước và nước ngoài, của người nước ngoài bảo vệ tại Việt Nam; xây dựng hệ thống thông tin thư mục quốc gia…

Về ý kiến cho rằng quy định về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng thư viện và quyền sử dụng thư viện của một số đối tượng đặc biệt chưa khái quát, UBTVQH cho rằng, khoản 1 Điều 23 của dự thảo Luật đã quy định nguyên tắc của hoạt động thư viện là lấy người sử dụng thư viện làm trung tâm; tạo lập môi trường thư viện thân thiện, bình đẳng; bảo đảm quyền tiếp cận và sử dụng thư viện của tổ chức, cá nhân.

UBTVQH cũng tiếp thu ý kiến về việc quy định về thẩm quyền thành lập thư viện công lập chưa rõ, có quá nhiều chủ thể có thẩm quyền thành lập thư viện. Theo đó, dự thảo Luật đã được thiết kế lại quy định theo hướng thẩm quyền thành lập thư viện công lập được quy định căn cứ vào mô hình hoạt động.

Tiếp thu, làm rõ nhiều vấn đề

Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật, một số đại biểu cũng đề nghị làm rõ mạng lưới thư viện Việt Nam, đặc biệt là mạng lưới thư viện công lập, mối quan hệ giữa các loại thư viện để có chính sách phát triển thư viện phù hợp, nâng cao hiệu quả hoạt động của thư viện. Cùng với đó là việc phân loại thư viện theo 3 tiêu chí: sở hữu; chức năng, nhiệm vụ và phương thức hoạt động còn trùng lặp, chưa làm rõ hệ thống thư viện, cân nhắc sự cần thiết có quy định này.

Phiên họp Quốc hội chiều 5/11. Ảnh: Nam Nguyễn

Giải thích về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết, sau 18 năm thi hành Pháp lệnh Thư viện, mạng lưới thư viện Việt Nam đã hình thành, phát triển rộng khắp từ Trung ương đến cơ sở, bao gồm cả thư viện do Nhà nước và thư viện do tư nhân thành lập với 3 hệ thống chính: Thư viện công cộng; Thư viện chuyên ngành và phổ thông; Thư viện tư nhân.

Ông Phan Thanh Bình cho rằng, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ hiện nay, đồng thời để sử dụng hiệu quả, tiết kiệm kinh phí trong điều kiện ngân sách nhà nước có hạn, các thư viện cần có sự liên kết với nhau trong bổ sung, chia sẻ, phát huy giá trị tài nguyên thông tin, cung cấp các dịch vụ công thiết yếu, phục vụ nhu cầu học tập của nhân dân, phát triển văn hóa đọc và xây dựng xã hội học tập ở nước ta. Vì vậy, UBTVQH đã tiếp thu các ý kiến trên và chỉnh lý vào dự thảo luật.

Cũng theo báo cáo tiếp thu, giải trình do ông Phan Thanh Bình trình bày, UBTVQH đã làm rõ nhiều vấn đề khác mà các đại biểu quan tâm như: Mô hình, yêu cầu, nhiệm vụ và định hướng phát triển, khả năng đầu tư ngân sách đối với thư viện công cộng; quy định riêng về thư viện lực lượng vũ trang; Quy định về điều kiện thành lập thư viện; thẩm quyền thành lập thư viện công lập./.

Thế Công

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/y-kien-dong-gop-tu-cac-dai-bieu-quoc-hoi-giup-cho-du-an-luat-thu-vien-hoan-thien-hon-20191105162759671.htm